Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trái Cây Đặc Sản Đón Tết

Trái Cây Đặc Sản Đón Tết
Ngày đăng: 10/02/2015

Vào thời điểm này, nhiều vùng trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Nai khá nhộn nhịp do thương lái tìm đến mua hàng. Giá các loại trái cây đặc sản năm nay cao hơn dịp tết năm trước vì số lượng có hạn.

Đồng Nai là vùng đất có khá nhiều loại trái cây đặc sản vào dịp Tết Nguyên đán, như: quýt đường, bưởi Tân Triều, bơ, mãng cầu xiêm, thanh long ruột đỏ, mãng cầu na...

* Bưởi hút hàng

Theo thống kê của xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) thì các nhà vườn trong xã cung cấp được khoảng 1,5 triệu quả bưởi cho thị trường tết, giảm 25% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2014. Nguyên nhân khiến sản lượng bưởi Tân Triều giảm là do thời tiết khắc nghiệt lúc cây ra hoa kết trái, dẫn đến nhiều hộ xử lý không đạt. Sản lượng giảm, nhu cầu tăng nên bưởi Tân Triều vào dịp tết có giá bán lẻ cao ngất ngưởng.

Giá tại vườn bán xô khoảng 550 - 600 ngàn đồng/chục (12 trái), tăng 50 ngàn đồng/chục so với dịp đầu tuần. Bưởi da xanh trồng tại Tân Bình cũng tăng thêm khoảng 5 - 10 ngàn đồng/kg.

Tại thị trường bán lẻ, bưởi Tân Triều tăng theo ngày, hiện giá bưởi đẹp 850 ngàn đồng/chục. Theo các cửa hàng bán lẻ, có khả năng bưởi Tân Triều những ngày cận tết hút hàng, giá sẽ lên 1 - 1,2 triệu đồng/chục.

* Bơ tết giá cao

Vùng nổi tiếng có bơ ngon trong tỉnh là Cẩm Mỹ. Mấy năm gần đây, nhiều người dân trong huyện đã chuyển đổi sang trồng bơ. Cây bơ được ví như cây cho trái vàng, bởi một cây bơ có thể cho thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng. Bơ của Cẩm Mỹ có chất lượng hơn hẳn bơ các tỉnh khác nên thương lái thường đặt mua với giá cao hơn 5 - 8 ngàn đồng/kg.

Bà Lê Thị Năm ở ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) khoe: “Dịp này thương lái vào vườn hỏi mua bơ với giá trung bình là 38 - 40 ngàn đồng/kg. Những hộ trồng bơ ghép hạt lép, nhiều cửa hàng TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng mua với giá 60 ngàn đồng/kg, trong khi bơ từ miền Tây, Đắk Lắk đưa về thị trường Đồng Nai bán lẻ chỉ 40 ngàn đồng/kg”.

* Mãng cấu xiêm hiếm hàng

Huyện Cẩm Mỹ còn nổi tiếng với trái mãng cầu xiêm, được trồng nhiều ở các xã: Xuân Bảo, Bảo Bình. Đây là một trong những loại trái cây xếp đầu trong mâm ngũ quả mà người dân miền Nam thường dùng để cúng ông bà, tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng 3 - 4 năm lại đây, cây mãng cầu xiêm hay bị sâu bệnh, lượng trái rất ít nên nhiều nhà vườn buộc phải chuyển đổi.

Ông Lưu Văn Hổ, ấp Tân Hạnh xã Tân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) nói: “Mọi năm vào dịp tết 0,8 hécta mãng cầu xiêm cho tôi trên 2 tấn trái, song năm nay chắc chỉ được khoảng 1 tấn. Các vườn mãng cầu xiêm khác cũng gặp tình trạng tương tự, năng suất giảm đến hơn nửa. Có vườn không xử lý được, trái chín trước tết cả 20 ngày”. Do nguồn cung giảm nên giá mãng cầu xiêm bán tại vườn tăng lên 22 - 23 ngàn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần dịp tết năm trước. Theo ông Hổ, những ngày giáp tết nhu cầu mua mãng cầu tăng cao, giá sẽ tiếp tục tăng.

* Thanh long ruột đỏ “lên ngôi”

Trên địa bàn tỉnh có 2 vùng trồng thanh long ruột đỏ lớn là huyện Xuân Lộc và Trảng Bom. Tổng diện tích thanh long ruột đỏ trong tỉnh hơn 300 hécta. Dịp tết năm trước, giá thanh long ruột đỏ đột ngột giảm sâu vì phía Trung Quốc ngưng mua hàng. Năm nay, các nhà vườn đã nhanh tay xử lý thanh long ra trái trước tết khoảng 20 ngày để xuất khẩu với giá 40 - 45 ngàn đồng/kg. Do đó, dịp này lượng thanh long ruột đỏ bán tết còn ít, giá bán tại vườn là 50 ngàn đồng/kg.

“Tôi chỉ xử lý khoảng 3 tấn trái bán trong dịp tết. Ra ngoài tết khoảng 10 ngày, tôi sẽ có hơn 10 tấn quả cung ứng cho thị trường nội địa, vì dịp đó người tiêu dùng thường mua thanh long nhiều để cúng và đi lễ rằm, giá có khi lên đến 70 - 80 ngàn đồng/kg” - ông Đoàn Trung Ngọc ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) bật mí.

Ông là một trong những người đi tiên phong trong phong trào trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Trảng Bom với diện tích khoảng 8 hécta. Tại vùng trồng thanh long ruột đỏ xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), nhà vườn đang phấn khởi vì giá thanh long dịp gần tết tăng cao.

* Giá quýt tăng gấp 2 lần

Đặc sản quýt đường Tân Phú, Định Quán có tiếng từ xưa. Có một thời cây quýt đường đã giúp nhiều người dân 2 địa phương này trở nên giàu có với lợi nhuận mỗi năm thu được từ 500 - 600 triệu đồng/hécta. Nhưng sau đó, dịch bệnh làm năng suất cây quýt giảm dần nên nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng cà phê, tiêu và cây ăn trái khác, diện tích quýt giảm nhanh.

Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết: “Trước đây, huyện có khoảng 1.600 hécta quýt đường, nhưng hiện chỉ còn khoảng 600 hécta. Người dân bỏ cây quýt sang trồng bưởi da xanh, cà phê vì cây quýt sâu bệnh, năng suất thấp”.

Diện tích quýt đường ở Định Quán cũng giảm nhanh, nguồn cung không còn dồi dào nên vào chính vụ, giá quýt đường bán tại vườn vẫn trên 20 ngàn đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với những năm trước. Tại thời điểm này, giá quýt đường là 35 - 38 ngàn đồng/kg, các nhà vườn dự báo giá quýt còn tăng tiếp trong những ngày tới.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lăng Đuôi Đỏ Thương Phẩm Mô Hình Cần Nhân Rộng Nuôi Cá Lăng Đuôi Đỏ Thương Phẩm Mô Hình Cần Nhân Rộng

Dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Hòa Định Đông (Phú Hòa) với số vốn hơn 820 triệu đồng. Sau 24 tháng triển khai, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã sản xuất thành công hơn 47.000 con cá giống và đúc kết ra được các quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện ở Phú Yên.

02/02/2013
Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn) Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn)

Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình.

09/02/2013
Gần 24% Diện Tích Nuôi Tôm Chân Trắng Bị Thiệt Hại Ở Trà Vinh Gần 24% Diện Tích Nuôi Tôm Chân Trắng Bị Thiệt Hại Ở Trà Vinh

Trên địa bàn vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện có trên 200 hộ thả nuôi gần 76 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 152 ha. Tuy mới vào vụ nuôi nhưng đã có 36 ha bị thiệt hại (24%), với lượng giống thả nuôi hơn 18 triệu con giống. Tôm nuôi bị chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị và tôm chết thường ở giai đoạn 25 - 40 ngày tuổi, đã gây thiệt hại nặng người nuôi.

09/02/2013
Vú Sữa Lò Rèn Hoàng Kim Trên Đất Vĩnh Kim Vú Sữa Lò Rèn Hoàng Kim Trên Đất Vĩnh Kim

Lâu nay, nhắc đến vú sữa Lò Rèn, người ta nghĩ ngay đến địa danh Vĩnh Kim (xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vậy mà, đi sâu tìm hiểu xuất xứ loại cây này, tuy có nhiều giai thoại nhưng giai thoại nào cũng cho biết vú sữa Lò Rèn không xuất phát từ Vĩnh Kim!

09/02/2013
Nuôi Rắn Mối Làm Giàu Nuôi Rắn Mối Làm Giàu

Những ngày cuối năm, trang trại rắn mối của chị Đinh Thị Kiều Hoa (thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) càng ăn nên làm ra, mỗi ngày thu về hàng chục triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ con trai chị, một kỹ sư công nghệ thông tin đã mạnh dạn làm thêm nghề “tay trái”: nuôi rắn mối.

15/02/2013