Bằng Lãng (Bắc Kạn) Khai Thác Hiệu Quả Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản
Nuôi trồng thủy sản được coi là một trong những thế mạnh của người dân xã Bằng Lãng (Chợ Đồn - Bắc Kạn) trong những năm gần đây. Nhờ con cá mà nhiều hộ dân có nguồn thức ăn để cải thiện bữa ăn hàng ngày, có thêm thu nhập để vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu.
Thực hiện mô hình vụ cá-vụ lúa trên 3.000m2 ruộng, ngoài đảm bảo về lương thực thì mỗi vụ cá gia đình ông Triệu Văn Ninh, thôn Nà Khắt thu về hơn 15 triệu đồng.
Với người nông dân việc đắp bờ làm ao thả cá ở khe, lạch... chủ động được nguồn nước đã là truyền thống từ lâu đời. Cứ như vậy diện tích ngày một tăng, chỉ từ những diện tích chuyên thả cá thì người dân xã Bằng Lãng đã nhân rộng diện tích bằng hình thức luân canh vụ cá- vụ lúa; đến nay diện tích toàn xã tăng lên hơn 20ha diện tích mặt nước.
Ông Triệu Văn Ninh, thôn Nà Khắt có thâm niên thả cá theo hình thức vụ cá-vụ lúa hơn chục năm nay. Ông chia sẻ: do thiếu nhân lực, con cái ra ở riêng nên với 3.000m2 diện tích ruộng gia đình ông làm lúa một vụ đã dư thóc để ăn, còn một vụ để thả cá.
Hình thức này là sự cộng hưởng hỗ trợ cho nhau bởi thả cá sẽ tạo màu, giúp cây lúa phát triển tốt hơn mà không cần phân bón, hạn chế được sự xuất hiện của cỏ; còn trồng lúa là một cách để phơi ao.
Như năm 2013, gia đình ông cấy lúa Thái Bình vụ xuân năng suất đạt 9 tạ/1.000 m2 gấp hai lần so với làm lúa hai vụ; vụ mùa thả cá với hơn 3.000 con cá chép ruộng tự nhân giống, 200 con cá trắm chỉ trong vòng 6 tháng thì tháo ao gia đình thu về 15 triệu đồng. Không mất quá nhiều công chăm sóc vì thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ, lá ngô, bột cám gạo, cám ngô...
Hay gia đình ông Lèng Văn Thân, thôn Khuổi Tặc khi nhận thấy trồng lúa phải mất nhiều công chăm sóc trong khi gia đình chỉ có hai vợ chồng là lao động chính, ông đầu tư thuê máy xúc tạo mặt bằng 4.000m2 để chuyên làm ao thả cá.
Cá được chăn bằng nguồn thức ăn tận dụng sẵn trong tự nhiên nên chất lượng cá của gia đình ông Thân được thị trường tin dùng; để giảm chi phí và cung cấp nguồn cá giống cho địa phương năm 2012 gia đình ông mở rộng thêm 1.500m2 để làm ao nuôi cá giống với chủng loại cá là chép, rô phi đơn tính, trắm...
Ngoài ra, thực hiện mô hình khép kín, gia đình ông nuôi thêm lợn mỗi lứa 20 con, vừa tận dụng phân thải xuống ao làm nguồn thức ăn cho cá, vừa làm hầm Biogas để phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông trừ chi phí cũng thu về hơn trăm triệu đồng.
Nằm sát thị trấn Bằng Lũng, lại có uy tín là cá sạch của địa phương nên việc tiêu thụ cá của người dân Bằng Lãng khá thuận lợi, từ chỗ người dân chỉ nuôi để cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình thì nay nhiều hộ đã nâng quy mô lên thành hàng hóa. Xã Bằng Lãng xác định phát triển nghề nuôi thủy sản là một trọng tâm trong phát triển kinh tế có thể giúp người xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong những năm qua, để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển Chính quyền xã đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương để người dân có thể chủ động được nguồn nước; khuyến khích người dân thực hiện mô hình một vụ cá-một vụ lúa nhằm cải tạo đất và hướng đến thực hiện những cánh đồng 70 triệu đồng.
Để có hiệu quả, Chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu nhằm đảm bảo nguồn cá sạch cho thị trường.
Nghề nuôi trồng thủy sản ở Bằng Lãng tuy vẫn ở dạng tiềm năng bởi còn nhiều khe, lạch...chưa được người dân khai thác triệt để nhưng có thể khẳng định rằng nghề nuôi thủy sản đã và đang góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.
Thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi có thế mạnh về sản xuất lúa, chăn nuôi và nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế. Những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế địa phương ngày càng phát triển hơn. Điển hình trong số những nông dân làm kinh tế giỏi của thị trấn Châu Hưng là ông Giang Đông Nuol ngụ tại ấp Nhà Thờ với mô hình nuôi cá bống tượng theo hình thức dây chuyền khép kín.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, mô hình nhân rộng nuôi cá hệ VAC ở xã Na Son là một trong những mô hình khuyến nông điển hình giúp người dân ứng dụng KHKT trong nuôi trồng thuỷ sản. Sau 3 năm triển khai, mô hình có sức lan tỏa rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn…
Mặc dù thời điểm hiện nay, dưa hấu Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang bán được với giá cao, nhưng người trồng dưa vẫn lỗ vì điệp khúc “được giá nhưng không được mùa”.
Với phương châm xây dựng mô hình và đầu tư không dàn trải để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Điện Biên đã tăng cường quản lý tốt các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, giúp các hộ được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.