Trái Cây Của Bà Rịa - Vũng Tàu Có Tiếng, Chưa Có Miếng

Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều loài trái cây có thể xếp vào hàng đặc sản như: nhãn xuồng, mãng cầu ta, quýt đường, bưởi da xanh, thanh long… nhưng do thiếu vùng chuyên canh, chưa có hệ thống tiêu thụ hoàn chỉnh và quảng bá thương hiệu kém nên sức cạnh tranh trên thị trường rất yếu ớt.
Theo đánh giá của Chi Cục phát triển nông thôn, một số mặt hàng nông sản như mít nghệ, bưởi da xanh, thanh long đã được thị trường trái cây cả nước biết đến. Tuy nhiên, do thiếu vùng chuyên canh nên sản lượng thấp, người nông dân hiện đang chịu lỗ vì giá đầu vào, nhân công tăng còn giá sản phẩm thì trồi lên- sụt xuống tùy theo thời tiết và mùa vụ.
Mặt khác, dù cây ăn trái có chất lượng cao nhưng hàng nông sản của BR-VT phần lớn chưa sản xuất tập trung và kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, 90% sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bán ra ở dạng thô. Sản xuất còn rất nhỏ lẻ và chủ yếu tập trung ở từng hộ gia đình.
Bưởi da xanh ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành là một minh chứng. Được thị trường ưa chuộng bởi mùi vị, chất lượng và hình thức không hề thua kém các địa phương có thế mạnh về mặt hàng này như Bình Thuận, Đồng Nai, Vĩnh Long. Nhưng hiện tại toàn huyện Tân Thành mới có khoảng 50 ha bưởi da xanh và sản phẩm vẫn chưa có thương hiệu riêng để người dùng phân biệt.
“Để nghề trồng bưởi phát triển, HTX nông nghiệp dịch vụ bưởi da xanh Tân Thành đã ra đời và hiện rất nhiều hộ tự nguyện tham gia. Phía HTX đang nỗ lực hợp tác với cơ quan chức năng để chuyển giao kỹ thuật, liên kết với thị trường tiêu thụ để hướng tới vùng chuyên canh về cây bưởi da xanh.
Nếu không, người nông dân sẽ luôn chịu thiệt bởi bị ép giá, đầu ra không ổn định và sản phẩm sẽ bị cào bằng dù chất lượng có vượt trội”-ông Phạm Anh Ta, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ bưởi da xanh Tân Thành chia sẻ. Hay như trái thanh long tại huyện Xuyên Mộc, được người dùng đánh giá cao về chất lượng và hình thức, nhưng hiện vẫn chưa tìm được đường vào siêu thị, bếp ăn tập thể mà chủ yếu vẫn phải qua thương lái mới đến được với người tiêu dùng.
Để trái cây của tỉnh đến với người tiêu dùng và người nông dân không bị ép giá do phát triển theo quy mô nhỏ lẻ, mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Sự ra đời của những HTX này có mục đích tăng quy mô sản xuất và hình thanh những vùng chuyên canh; tạo liên kết chặt chẽ với thị trường và áp dụng phương pháp sản xuất sạch, an toàn cho người tiêu dùng và có sức cạnh tranh cao.
Theo các lãnh đạo HTX dịch vụ nông nghiệp, những bước đi ban đầu của các HTX đang gặp nhiều gian nan trong việc thu hút người nông dân tham gia, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tìm đối tác tiêu thụ... nhưng đây chính là cơ hội để người nông dân sản xuất ổn định, sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NHN&PTNT, để xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái, ngành nông nghiệp đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh, áp dụng quy trình VietGap. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ quy hoạch trồng tập trung 4.500 ha cây ăn quả chủ lực của tỉnh như quýt, chôm chôm, mãng cầu...
Cũng theo ông Quốc , toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 ha cây ăn quả và khoảng 8.000 ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm. Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “nhãn xuồng cơm vàng” và “mãng cầu ta” cho ngành nông nghiệp.
Việc xây dựng thành công thương hiệu nông sản này đã giúp nhân dân tập trung mở rộng diện tích, đầu tư nhân lực vào sản xuất sạch tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Theo đó, toàn tỉnh có trên 1.800 ha mãng cầu cho sản lượng bình quân 8.500 tấn/năm và mỗi ngày có 30 tấn nhập vào siêu thị. Hiện đã có khoảng 40% số hộ dân trồng mãng cầu đạt tiêu chuẩn hiện đại cũng như xử lý ra hoa trái vụ nhằm điều chỉnh thời gian thu hoạch theo ý muốn.
Có thể bạn quan tâm

Dịch vụ này ra đời từ ý tưởng cơn sốt game "nông trại vui vẻ" trên các mạng xã hội. Ông Nguyễn Minh Nhân, Trưởng phòng Kinh doanh công ty TNHH thương mại Vuông Tròn, nơi cung cấp dịch vụ này cho biết đây là gói sản phẩm “đồng hành cùng nhà nông”.

Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng.

Những tưởng với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản; hỗ trợ kinh phí đầu tư từ UBND tỉnh để ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt thí điểm theo công nghệ của nước bạn chuyển giao thì năng suất, chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ được nâng cao, hướng xuất khẩu qua Nhật Bản sẽ thuận lợi. Vậy nhưng, qua đợt thí điểm vừa qua, cá ngừ đại dương Bình Định vẫn đang loay hoay…

Chủ yếu hỗ trợ cho bà con trong vùng Dự án nuôi cá trên ruộng lúa thí điểm theo tổ hợp tác 33ha tại các xã Mỹ Phước (Mang Thít), Hiếu Nhơn, Hiếu Thành (Vũng Liêm), vốn đầu tư 400 triệu đồng. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ cá giống, 30% chi phí thức ăn và được trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Đến thôn Tài Tùng, xã Yên Than (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), hỏi trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Bình ai cũng biết, bởi anh là một trong những người tiên phong bỏ công sức và kinh phí để khôi phục lại giống gà Tiên Yên nổi tiếng trước đây.