TPP và áp lực với ngành chăn nuôi
Chăn nuôi nhỏ lẻ, chi phí lớn
Đàn gia súc gia cầm (GSGC) toàn tỉnh hiện đạt hơn 5 triệu con. Con số này có được, phần lớn từ việc chăn nuôi nông hộ theo kiểu lấy công làm lời.
Tuy nhiên, dù đã tận dụng các sản phẩm nông nghiệp để làm thức ăn, giảm chi phí nuôi heo nhưng theo bà Bùi Thị Hồng Hương, thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) thì “giảm không đáng kể”.
Lý do, thị trường hiện giờ chỉ ưa loại thịt siêu nạc nên bà Hương thường sử dụng các loại cám tổng hợp để làm thức ăn cho heo. “Mà giá cám cứ tăng liên tục nên giá heo hơi phải trên 40.000 đồng/kg chúng tôi mới có lãi”, bà Hương cho hay.
Còn hộ ông Võ Văn Sao, thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn) cũng cho rằng, không chỉ heo mà việc chăn nuôi gà, vịt hiện giờ cũng phụ thuộc rất lớn vào các loại cám tổng hợp. Bởi “không có cám, heo gà chậm lớn. Hoặc có lớn cũng thuộc loại ít nạc nhiều mỡ nên bạn hàng chê, mua giá thấp”, ông Sao lý giải.
Nếu không đảm bảo ATTP và chỉ tiêu kháng sinh, thịt GSGC Việt Nam dễ “tự thua” ngay trên sân nhà
Dù không chăn nuôi theo kiểu “được chăng hay chớ” và đã chủ động một phần con giống, thức ăn, nhưng chủ trại gà Lê Vũ Hoàng Linh, thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) lắm lúc cũng toát mồ hôi vì dịch bệnh và giá cả nhảy múa.
Thế nên khi đề cập đến những tác động của TPP, anh Linh thẳng thắn cho rằng, người chăn nuôi nhỏ lẻ và cả những chủ trang trại như anh dường như chưa thực sự quan tâm, tính toán kỹ lưỡng chi phí đầu tư, mức độ rủi ro mà chỉ thực hiện theo cảm tính, phong trào.
Hơn nữa, chăn nuôi bây giờ quá tốn kém vì phải mua từ con giống đến thức ăn, dịch bệnh không được kiểm soát, sản phẩm thì phó mặc cho thương lái nên mức độ rủi ro cao. “Ấy nên chỉ cần một sự biến động nhỏ là chúng tôi đã bị thua lỗ, chứ chưa cần đến TPP”, anh Hoàng Linh khẳng định.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT thì hiện nay, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt vào Việt Nam ở mức cao. Cụ thể, thịt bò 14 – 30%, thịt heo 15 – 25%, thịt gà 15 – 40%. Khi TPP được ký kết, thuế nhập khẩu các mặt hàng trên giảm còn 0% nên sẽ tác động rất lớn đến thị trường thịt và hoạt động chăn nuôi trong nước.
Đã thế, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi kém vì chi phí đầu vào tăng, khiến giá bán các sản phẩm thịt cao hơn rất nhiều so với các nước. Ví như giá heo trong nước là 45.000 – 50.000 đồng/kg hơi (còn heo Mỹ nhập khẩu chỉ 30.000 đồng/kg hơi), bò trong nước 75.000 – 80.000 đồng/kg hơi (còn bò Úc nhập khẩu chỉ 46.000 – 50.000 đồng/kg hơi).
Lối đi nào cho người chăn nuôi
Không chỉ phụ thuộc vào thức ăn mà việc chăn nuôi hiện nay còn đối mặt với quá nhiều vấn đề, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và các loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm... khiến chi phí đầu vào tăng. Đây được xem là bất lợi lớn nhất của ngành chăn nuôi cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng một khi TPP được ký kết.
Bởi gia nhập TPP, hàng rào thuế quan bảo hộ được dỡ bỏ hoàn toàn, thịt GSGC của các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiên như Mỹ, Úc, Canada… vì thế sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Trong khi các sản phẩm thịt GSGC của Việt Nam nếu không đảm bảo chất lượng, ATTP sẽ hẹp đường xuất khẩu. Điều này dễ khiến chúng ta “tự thua” ngay trên sân nhà.
Giải quyết vấn đề này, đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đã đề ra các giải pháp, trong đó tập trung quy hoạch và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, đồng thời khuyến khích người dân liên kết mở rộng quy mô nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, “nút thắt” cần tháo gỡ của ngành chăn nuôi hiện nay chính là vấn đề kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là khâu giết mổ. Mà điều này thì theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Đình Tuấn là không dễ thực thi khi mà toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở giết mổ GSGC tập trung nhưng lại hoạt động cầm chừng, trong khi ở các chợ thì nhộn nhịp.
Đã thế, hiện giờ người dân gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô đàn GSGC vì nguồn vốn hạn hẹp. Do đó, người chăn nuôi trong tỉnh kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tín dụng hợp lý để họ có cơ hội đầu tư sản xuất. Bởi thực tế, việc tiếp cận vốn diện ưu đãi hiện nay quá khó.
Lý do, phần vì thủ tục hành chính rườm rà, phần do người dân không đáp ứng được yêu cầu phương án sản xuất, tài sản thế chấp cho phía ngân hàng nên họ đành chấp nhận làm ăn nhỏ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Có thể bạn quan tâm
Xác định gieo cấy lúa mùa đúng trà, bảo đảm khung thời vụ và cấy hết diện tích là điều kiện tốt để thực hiện vụ đông và hoàn thành chỉ tiêu sản xuất lương thực cả năm. Vụ mùa 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 25.339 ha lúa, có 12.764 ha lúa lai, chiếm 50,4% diện tích. Trong đó tập trung gieo cấy trà sớm và chính vụ và kết thúc cấy trước ngày 5-7..
Năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa, tổ 1, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi hươu sao lấy nhung..
Vụ mùa này, huyện Yên Sơn phấn đấu gieo cấy 5.491ha lúa trong đó trà lúa mùa sớm 355 ha, trà chính vụ 4.670ha và 466 ha trà lúa muộn tập trung tại 9 xã có ruộng dưới cốt nước 25m là: Phúc Ninh, Tứ Quận, Tân Long, Tiến Bộ, Xuân Vân, Thái Bình, Trung Môn, Thắng Quân, Kim Phú..
Năm 2013 huyện Yên Sơn tiếp tục xác định việc trồng rừng và phát triển kinh tế rừng là một lĩnh vực quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Lúa là cây lương thực hàng đầu, chiếm vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh nói chung, đất trồng lúa nói riêng đang ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng. Để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc quy hoạch sử dụng đất lúa trong thời gian tới là hết sức cần thiết..