Tôn Vinh 101 Tập Thể, Cá Nhân Đạt Danh Hiệu Chất Lượng Vàng Thủy Sản
Lễ trao tặng danh hiệu "Chất lượng vàng thủy sản" lần thứ ba 2014 do Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức đã diễn ra sáng 22/11, tại Hà Nội.
Theo đó danh hiệu này được trao tặng cho 101 tập thể, cá nhân tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực thủy sản của cả nước; trong đó, 10 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc nhất sẽ được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đơn cử, một số tập thể và cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gồm Công ty cổ phần chăn nuôi cổ phần Việt Nam nổi bật với Greenhouse và Super Programme, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học; Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Vĩnh Thịnh cung cấp hàng loat sản phẩm thực phẩm an toàn;
Công ty Cổ phần Thủy sản Hiệp Ước, một trong những doanh nghiệp sản xuất tôm giống hàng đầu của Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh, chế biến xuất-nhập khẩu Quốc Việt trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở châu Á có vùng sản xuất tôm đạt chất lượng của Hội đồng quản lý Nuôi trồng Thủy sản Bền vững( ASC), Hiệp hội Tôm Vĩnh Thanh, Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn, và nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm khác...
Với định kỳ hai lần trong 5 năm, danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam lần thứ ba -2014” kế thừa tiêu chí bình chọn và trao thưởng của các năm 2009 và 2012.
Chỉ sau hơn 5 tháng phát động, Ban tổ chức Chương trình bình chọn “Danh hiệu chất lượng vàng thủy sản Việt Nam lần thứ ba-2014” đã nhận được gần 300 hồ sơ đăng ký tham gia của các tập thể, cá nhân trên cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam” năm nay có nhiều điểm mới so với hai lần tổ chức trước (năm 2009 và 2012), như: không thu bất kỳ khoản phí nào đối với tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia; hồ sơ đăng ký ngắn gọn, đầy đủ, dựa trên 4 tiêu chí: hiệu quả kinh tế; hiệu quả xã hội; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Ngoài ra, hồ sơ bình chọn danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam” còn phải có ý kiến nhận xét, đánh giá của các cơ quan quản lý ở địa phương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc Hội Nghề cá, hiệp hội thủy sản địa phương (nếu là thành viên).
“101 tập thể, cá nhân được tôn vinh lần này (đặc biệt 10 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc nhất) là những tấm gương lao động quên mình, phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt để có thành đạt như hôm nay, nhưng vẫn thường xuyên tích cực tham gia công tác xã hội-từ thiện… Hy vọng, các cá nhân, tập thể này sẽ tiếp tục tỏa sáng, là nòng cốt, đi đầu thực hiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh giỏi; tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ thúc đẩy ngành thủy sản Việt Nam phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững,” Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh./.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2014, ngành thủy sản là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, giá trị đạt khoảng 5,7 tỷ USD, tăng 23% cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 4,9%; trong đó cá 3,4 triệu tấn (tăng 3,2%), tôm 0,57 triệu tấn (tăng 14,8%). Giá trị sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2014 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 134.000 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131834/Ton-vinh-101-tap-the,-ca-nhan-dat-danh-hieu-“chat-luong-vang-thuy-san%22
Có thể bạn quan tâm
Theo lời giới thiệu của chủ tịch UBND xã Hà Lương, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Hồng Quang, hội viên hội nông dân chi hội 4 của xã. Được biết trong những năm gần đây, với ý chí quyết tâm làm giàu và dám nghĩ dám làm, anh Quang đã mạnh dạn lập mô hình nuôi con đặc sản và cho thu nhập cao.
Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.
Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) của các tổ chức quốc tế, tỉnh ta đã thực hiện dự án đa dạng hóa nông nghiệp-một trong những dự án chuyển đổi sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Năm 2002, 42 hộ gia đình dân tộc Bahnar của làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) được hỗ trợ cho vay vốn, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su. Đến nay toàn bộ 88 ha vườn cây đã thu hoạch được 4 năm, đem lại nhiều đổi thay trong đời sống của dân làng.
Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.
Tại xã Phú Sơn (Chợ Lách - Bến Tre), phong trào làm cây giống phát triển gần 10 năm nay, với 2 loại cây chủ lực là mít và xoài. Nhờ sản xuất cây giống, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.