Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Việt Nam Không Lùi Bước

Tôm Việt Nam Không Lùi Bước
Ngày đăng: 07/10/2014

Vùng nuôi tôm ở ĐBSCL đang bị tác động giảm giá sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố danh sách các DN XK tôm của VN bị kiện chống bán phá giá.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quốc Lực (ảnh), Chủ tịch Ủy ban tôm (Hiệp hội Chế biến & XK thủy sản VN - VASEP), TGĐ Cty CP Thực phẩm Sao Ta quanh “rào cản” thương mại này.

DOC đã công bố sẽ áp thuế chống phá giá đối với các DN bị đơn XK tôm vào Mỹ, ông có nhận xét gì?

Những lần xảy ra vụ kiện chống bán phá giá trước đây DOC thường chọn bị đơn là những DN có doanh số lớn làm đại diện. Các DN đó đã từng là bị đơn qua nhiều lần nên biết khá rõ, chuẩn bị sổ sách đàng hoàng. Nhưng lần này - kỳ xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) trong vụ kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ, DOC đã chọn theo cách khác.

Cách chọn bị đơn bắt buộc của DOC là qua máy tính lựa chọn theo xác suất ngẫu nhiên trong từng nhóm. Theo đó, trong số 35 DN tôm VN đang XK vào thị trường Mỹ, DOC phân loại thành 3 nhóm: Nhóm I có 2 Cty chiếm 40% giá trị XK, nhóm II có 5 Cty chiếm hơn 30% giá trị XK và nhóm III là các Cty còn lại.

Theo VASEP, ngày 3/10 vừa qua DOC chính thức công bố tên các DN bị đơn bắt buộc lần này gồm: Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Cty CP Thực phẩm Sao Ta và Cty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước.

Điều các DN bị đơn bắt buộc rất lo, vì sẽ rơi vào tình huống khó khăn. Tuy các DN không cảm thấy “sốc”, song bất ngờ. Dù rằng tôm VN không bán vào Mỹ vẫn còn thị trường các nước khác.

Theo ông khó nhất là gì đối với DN từng là bị đơn trước đây?

Các DN nhỏ, vốn yếu, và có thể phần lưu trữ trong sổ sách không tương thích, nhưng chỉ có 45 ngày chuẩn bị hồ sơ.

Có thể hình dung một bộ hồ sơ cao như núi. Mỗi lô hàng là một bộ chứng từ chi tiết, chi li… như 1 pao (pound - cân Anh) tôm SX bao nhiêu điện, nước, bao bì, công lao động… để căn cứ theo định mức giá trị và DOC chọn nước thay thế áp mức thuế.

Rơi vào trường hợp bị đơn rất phức tạp, nếu DN giải trình không xong sẽ bị áp mức thuế cao nhất. Trong khi DNSX chế biến hàng thủy sản không chỉ XK vào thị trường Mỹ mà còn xuất sang nhiều nước EU, Nhật...

Đâu là điểm phi lý trong việc áp thuế chống bán phá giá lần này?

Tôm VN không bán phá giá. Nhưng DOC lấy giá trị từ một nước khác (như Bangladesh) và tính thêm hệ số trượt giá làm giá trị thay thế tăng lên, cứ như vậy họ cho rằng tôm VN bán phá giá.

Mặt khác có một sự vô lý hầu như ai cũng thấy là DOC tính giá trị phân biệt để tính mức thuế chống phá giá. Nếu như bán một cái ly đầu năm và cuối năm bán khác giá là không được.

Trong khi tôm VN vào vụ có giá rẻ, cuối vụ giá cao và tùy theo mức độ cung - cầu ở mỗi thị trường khác nhau, không thể có cách nào bán một giá được. Nhưng họ vẫn cho rằng lúc tôm VN bán giá thấp là phá giá.

Do đó, liên quan đến kết quả của kỳ POR 8 vừa qua, theo VASEP các DN tôm VN sẽ tiến hành nộp đơn kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) với hai nội dung trên.

Khi xảy ra vụ kiện chống bán phá giá, tình hình cung - cầu thị trường tôm trong nước và XK tôm VN bị ảnh hưởng ra sao? DN có tính tới chuyển hướng thị trường?

Quanh vụ kiện chống bán phá giá tôm VN vào Mỹ, sau khi có thông tin về mức thuế của POR 8, tôm nguyên liệu trong nước giảm giá.

Tình huống nhạy cảm trong lúc giao thời khó tránh khỏi. Thị trường Mỹ giống như chợ mua bán lớn, thị trường Nhật và các nước EU có giá cao hơn. Tuy nhiên do cung - cầu cục bộ trong nước và thế giới, trong 2 tuần qua giá tôm nguyên liệu các loại (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) giảm bình quân 10% so với trước đó.

Tại 6 xã thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch tôm sú, bán giảm giá hơn 10.000 đồng/kg.

Tuy vậy hiện thời đã qua mùa thu hoạch cao điểm, các NM chế biến vẫn còn nhu cầu nhiều, để trả nợ hợp đồng tiêu thụ cuối năm nên không có chuyện NM đóng cửa lúc này. Bước qua tháng 10 cao điểm giao hàng tôm sang Mỹ, xu thế giá tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại.

Tôi nghĩ DN chuyển hướng thị trường không khó, nhưng diễn biến thị trường tôm XK thuận lợi. Trong 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK tôm VN tăng hơn 20 - 30% so cùng kỳ. Do đó việc áp thuế chống bán phá giá của Mỹ chỉ là bước cản. Tuy vào thị trường Mỹ đang khó nhưng tôm VN không chùn bước.

2 năm qua Sao Ta đã đầu tư vùng nuôi tôm nguyên liệu, kết quả ban đầu ra sao? Nhìn lại hoạt động nuôi tôm, yếu tố nào khiến ông quan tâm nhất?

Cty Sao Ta đầu tư vùng nuôi tôm 160 ha và hiện nuôi trên 90 ha. Năm 2013 tôm đạt sản lượng 600 tấn, đáp ứng 5% nguyên liệu của NM.

Sau một vụ nuôi hồi đầu năm 2014 không mấy thành công, nhưng qua vụ thả tôm gần đây đạt kết quả khả quan, dự kiến sản lượng năm nay khả năng đạt trên 400 tấn và còn đang thả nuôi vụ ba.

Dõi theo tình hình hoạt động nuôi tôm vừa qua, tôi nghĩ bên cạnh yếu tố thương mại, yếu tố kỹ thuật chính là mối quan tâm hàng đầu.

Thị trường tôm thế giới ngán ngại nhất là sợ nhiễm kháng sinh. Trong khi phần lớn diện tích nuôi tôm với hình thức nông hộ. Mỗi hộ đầu tư vốn gần như cả gia tài “đổ” xuống ao tôm nên rất lo sợ dịch bệnh xảy ra.

Vì vậy, tâm lý người nuôi rất lo lắng, sợ thất bại cho nên ai (không phải là cán bộ kỹ thuật của cơ quan chuyên môn) “mách” cho cách phòng trị bệnh gì, xài loại thuốc nào dù chưa biết rõ thuốc ra sao cũng mua về đổ xuống ao.

Mặt khác, do chưa SX theo chuỗi giá trị, không kiểm soát được giá thành vật tư đầu vào, nhất là tôm giống và thức ăn, nên chi phí nuôi tôm còn cao. Cần nuôi thưa để hạn chế dịch bệnh, mật độ 30 - 50 con/m2. Vừa qua 6 xã ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nuôi tôm mật độ thưa đã trúng.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Phát triển hồ tiêu bền vững cần tăng cường quản lý sâu bệnh hại Phát triển hồ tiêu bền vững cần tăng cường quản lý sâu bệnh hại

Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao, nên nhiều hộ nông dân ở Dak Lak bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, đưa diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên khá nhanh. Điều này đã khiến cây tiêu đứng trước nhiều nguy cơ về dịch bệnh nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.

08/05/2015
Hậu họa từ tồn dư carbendazim trong hồ tiêu Hậu họa từ tồn dư carbendazim trong hồ tiêu

Hiện thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chủ yếu là Mỹ, EU - những thị trường khó tính. Vì vậy, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) luôn khuyến cáo, cảnh báo người trồng tiêu, tiểu thương và doanh nghiệp (DN) phải sản xuất, thu mua, bảo quản, xuất khẩu hồ tiêu theo chuỗi giá trị bền vững để giữ uy tín với bạn hàng.

08/05/2015
Đắc Lắc có hơn 100 ha mắc ca nhưng không hiệu quả Đắc Lắc có hơn 100 ha mắc ca nhưng không hiệu quả

Nhiều vườn mắc ca ở tỉnh Đắc Lắc trồng cách đây cả chục năm nhưng không mang lại hiệu quả. Từ thực tế nhiều vườn mắc ca trong tỉnh, trồng cách đây cả chục năm nhưng không mang lại hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Lắc đã yêu cầu các huyện trong tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế trồng loại cây này.

08/05/2015
Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học

Lâu nay, chúng ta thường nghe thuật ngữ “trái cây sạch”, “rau sạch”… nhưng gần đây ở Thành Phố Hồ Chí Minh ta đã và đang xuất hiện thêm mô hình “chăn nuôi heo sạch” còn gọi là chăn nuôi 4 không trên nền đệm lót sinh học.

08/05/2015
Triển vọng mô hình nuôi dê Triển vọng mô hình nuôi dê

Hiện tại, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có 5 hộ dân ở xã Vị Đông và Vĩnh Tường đang thực hiện mô hình nuôi dê, với số lượng 44 con. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với mỗi con dê trưởng thành có giá hơn 3 triệu đồng, quy mô nuôi 4 dê cái và 1 con dê đực là gần 20 triệu đồng.

08/05/2015