Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điêu Đứng Vì Dịch Bệnh

Điêu Đứng Vì Dịch Bệnh
Ngày đăng: 15/03/2014

Thấy dịch tai xanh và bệnh lở mồm long móng hay bùng phát nên vợ chồng anh Bảy Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) không dám nuôi heo, bò. Đầu tháng 1 dương lịch vừa rồi, anh Bảy mua 1.000 vịt con về thả nuôi thịt mong kiếm thêm nguồn thu nhập. Nuôi được 2 tuần, lo sợ dịch cúm gia cầm gây hại, anh mua vắc xin tiêm phòng cho toàn bộ số vịt ấy.

Do cần mẫn chăm sóc, thời gian qua đàn vịt siêu thịt của vợ chồng anh Bảy lớn nhanh như thổi. Nhưng khổ thay, trong lúc họ đang tìm mối tiêu thụ thì bất ngờ vi rút cúm A/H5N1 tái bùng phát khiến bầy vịt bị nhiễm dịch chết hàng loạt, buộc cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phải tiêu hủy khẩn cấp.

Đứng trưa, nắng hầm hập, nhìn lực lượng thú y châm lửa đốt hàng chục bao tải vịt, giọng anh Bảy Chiêm Sơn buồn rười rượi: “Cũng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, chưa kịp mua vắc xin tiêm phòng mũi 2 cho đàn vịt theo đúng quy trình hướng dẫn nên chừ mới ra nông nổi này. Nếu 1.000 con vịt của tui không bị dính dịch, vài ngày nữa xuất chuồng đồng loạt thì tổng số tiền thu về sẽ không dưới 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có thể lãi được 20 triệu đồng. Vậy mà chừ lãi mất đã đành, vốn cũng bay luôn”.

Theo anh Bảy, nếu thời gian tới được Nhà nước xem xét hỗ trợ để có điều kiện khôi phục sản xuất với mức mỗi con vịt bị tiêu hủy bắt buộc là 35 nghìn đồng thì anh nhận tổng cộng 35 triệu đồng.

Trong khi đó, vốn đầu tư cho khâu mua con giống, thức ăn, vắc xin tiêm phòng đợt trước đã tốn hết 80 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là, không kể công chăm sóc, nuôi dưỡng suốt 2 tháng ròng, lứa vịt này anh Bảy Chiêm Sơn lỗ 45 triệu đồng – một con số cực kỳ lớn đối với nhà nông trong thời buổi khó khăn này.

Anh Bảy thở dài: “Chừ vịt bị đốt hết rồi, tui chẳng biết tính răng đây chú Tư ơi. Vài ngày nữa, các chủ cửa hàng cung ứng thức ăn tìm đến nhà lấy tiền nợ thì chắc chỉ còn cách chui xuống đất để trốn”.

Hôm qua, nghe Tư tôi kể chuyện, chị Ba Nông Nghiệp liền chậc lưỡi: “Nhà nông xứ Quảng mình thiệt là hết chỗ khổ, làm cái chi cũng bị rủi ro quấn lấy.

Chú mi biết không, từ thời điểm cận Tết Giáp Ngọ đến giờ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh mình đã có ít nhất 16 nghìn con gia cầm bị vi rút cúm A/H5N1 tấn công, buộc ngành thú y và chính quyền cơ sở phải tiêu hủy khẩn cấp. Vì thế, chẳng riêng gì anh Bảy Chiêm Sơn mà Tư Ruộng gặp đâu, hiện nay nhiều gia đình khác cũng đang điêu đứng vì loại dịch nguy hiểm ấy”.

Theo chị Ba, nếu thời gian tới các cơ quan có trách nhiệm và người chăn nuôi không quyết liệt thực hiện đồng bộ những biện pháp mạnh trong công tác phòng chống dịch thì chắc chắn rằng mức độ thiệt hại sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu. Bởi, năm 2013 hơn 4 triệu con gà, vịt của tỉnh không được tiêm vắc xin phòng bệnh, trong khi đó vi rút cúm A/H5N1 lại đang lưu hành tại rất nhiều nơi, sẵn sàng bùng phát và gây hại bất cứ lúc nào.


Có thể bạn quan tâm

Biogas leo đồi Biogas leo đồi

Ít có địa phương nào mà tỷ lệ gia trại sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi gia súc lại cao như ở xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

26/11/2015
Vành đai chăn nuôi biên giới phía Bắc Vành đai chăn nuôi biên giới phía Bắc

Trong nhiều năm, vấn nạn nhập lậu giống gia cầm không rõ nguồn gốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra nhức nhối, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn ở mức báo động.

26/11/2015
Nông dân hào hứng với ngày hội chăm sóc ruộng đồng Nông dân hào hứng với ngày hội chăm sóc ruộng đồng

Đông đảo bà con nông dân tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ hào hứng tham gia ngày hội “Chăm sóc ruộng đồng – Đón mùa bội thu” vừa diễn ra tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.

26/11/2015
BIFFA và phân bón NPK dạng một hạt BIFFA và phân bón NPK dạng một hạt

Thực đơn phù hợp cho cây trồng chính là các loại phân bón NPK chuyên dùng cho từng loại cây, từng thời kỳ phát triển...

26/11/2015
Verismo nốc ao sâu hại Verismo nốc ao sâu hại

Lần đầu tiên Cty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco) phối hợp với Tập đoàn BASF (Đức) vừa cho ra mắt sản phẩm mới Verismo 204SC trước vụ lúa ĐX 2015-2016.

26/11/2015