Tôm chết vì nắng nóng
Ông Nguyễn Quốc Giang, thôn Tiên Du 1 có thâm niên nuôi tôm cho biết: “Nắng nóng kéo dài khiến độ mặn tăng cao, tôm bị sốc nhiệt chết hàng hoạt, chứ không phải bà con không dám thả liều, chờ có mưa tiểu mãn để ổn định nguồn nước thì mới nuôi trở lại”.
Theo ông Giang, chưa năm nào mà bà con nuôi tôm khó như năm nay, cứ thả nuôi là tôm chết. Những người nuôi cầm cự gọi là đạt khi thu hoạch lãi chẳng bao nhiêu. Độ mặn vùng nuôi tôm đã lên đến 38‰, trong khi đó những năm trước chưa vượt quá 30‰.
Gia đình ông nuôi 1 ao tôm sú (4.000m2) thả 9 vạn giống, 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng (5.000m2) thả 20 vạn giống và ao còn lại thả 3.000 con cua. Tôm nuôi đều chết sạch trong thời gian từ 30 - 35 ngày tuổi; cua cũng không lớn, cứ chết dần chết mòn, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Hiện các ao nuôi đã bỏ hoang gần 1 tháng nay chưa tính đến chuyện cải tạo để thả lại.
Cũng lý do thời tiết nắng nóng nên khó nuôi, anh Võ Đình Đô, người cùng thôn cũng bỏ trống ao nuôi hơn 4.000m2. Gặp chúng tôi, anh Đô than vãn: “Chạy máy đảo oxy liên tục mà nguồn nước trong ao vẫn nóng ran, người chịu không nổi huống chi con tôm. Vụ nuôi tôm đợt đầu giữa tháng 4 (DL) vừa qua tôi thả 10 vạn giống, với giá đầu tư 85 đ/con. Nuôi được hơn 1 tháng thì tôm bị sốc nhiệt chết hàng loạt, thiệt hại hơn 20 triệu đồng, nên giờ chẳng dám thả nữa”.
Ông Tô Mỹ Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Trung cho biết, tính từ đầu vụ thả nuôi đến nay toàn xã có 100/170 ha tôm bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm nay giảm khoảng 1/3 so với năm trước.
Tình trạng tôm chết do nắng nóng cũng ảnh hưởng ở các phường Ninh Giang, Ninh Hà (TX Ninh Hòa). Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, trong tổng 81 ha thả nuôi tôm đợt 1 tại địa phương đã có 85% diện tích bị thiệt hại. Số còn lại bà con đang thu hoạch, nhưng nhìn chung không có lãi.
Chính quyền các địa phương đang khuyến cáo người nuôi không nên thả giống sớm đợt 2 khi thời tiết bất lợi mà đợi trời mát lại hoặc có mưa tiểu mãn. Cần lưu ý việc duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m; tăng cường quạt nước, thả nuôi với mật độ vừa phải để dễ chăm sóc và quản lý ao; định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước; tăng cường sức đề kháng cho tôm...
Theo Phòng Kinh tế TX Ninh Hòa, từ tháng 3 đến nay toàn TX thả nuôi 825 ha tôm, do nắng nóng và dịch bệnh đã có 70% diện tích ao nuôi bị thiệt hại. Hiện bà con đang tạm dừng thả giống.
Có thể bạn quan tâm
Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.
Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.
Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.