Nuôi Cá Tầm Ở Lâm Bình (Tuyên Quang)
Gần 1 năm trước, Công ty cổ phần Trứng cá tầm Việt Nam đưa 140.000 trứng cá tầm lên nuôi ương ở hồ thủy điện Tuyên Quang thuộc địa bàn xã Khuôn Hà (Lâm Bình - Tuyên Quang). Đến nay, trọng lượng mỗi con cá tầm đã đạt trung bình từ 1,5 đến 2 kg, mở hướng phát triển kinh tế mới đối với huyện vùng cao này.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Lâm Bình đều khẳng định, Dự án nuôi cá tầm dưới thác nước Nặm Me, xã Khuôn Hà trong vùng hồ thủy điện Tuyên Quang là dự án đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản lớn đầu tiên của huyện. Quy mô dự án trên 300 tỷ với mục tiêu là thu hoạch trứng cá tầm thương phẩm sau 5 năm đầu tư.
Dự án không những khai thác lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và nguồn nước lạnh độc đáo dưới chân thác Nặm Me mà còn thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Anh Phạm Tất Thành, đại diện Công ty cổ phần Trứng cá tầm Việt Nam cho biết, toàn bộ 140.000 trứng cá tầm ban đầu được nhập khẩu từ Liên bang Nga và Siberia. Cá tầm là loại đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, trứng cá tầm rất bổ dưỡng nên giá dao động khoảng 2.000 USD/kg (trên 40 triệu đồng/kg).
Trước khi triển khai dự án, công ty đã khảo sát thực tế về điều kiện tự nhiên môi trường, khí hậu, nhiệt độ nước hồ thủy điện Tuyên Quang thuộc địa bàn huyện Lâm Bình. Kết quả, địa điểm dưới chân thác nước Nặm Me thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cá tầm.
Địa điểm trên có nhiệt độ trung bình 22,9 độ C, độ ẩm trung bình 85%. Công ty đã mời 1 chuyên gia thủy sản người Đức về giám sát toàn bộ quá trình đóng lồng, vị trí đặt lồng nuôi, gieo ươm trong bể, rồi thả nuôi dưới lồng...
Đến nay, số cá sống là trên 21.000 con được nuôi trong 20 bè chắc chắn (tỷ lệ cá sống đạt 15% tổng số trứng cá ban đầu) đã là một thành công lớn. Có thể khẳng định, dự án đã thành công được 50% so với mục tiêu. Cũng theo anh Thành, cá tầm cho thu hoạch trứng khi cá đạt trọng lượng khoảng 20 kg.
Với trọng lượng cá tầm tăng trung bình từ 4 kg đến 5 kg/năm thì đến năm 2018, công ty sẽ có sản phẩm trứng cá tầm đầu tiên đưa ra thị trường.
Để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, tạo mỹ quan hài hòa không phá vỡ cảnh quan môi trường vùng hồ, công ty đã chọn giải pháp nuôi cá tầm theo hình thức lồng bè. Thời gian qua, chính quyền huyện Lâm Bình đang tích cực hỗ trợ công ty bảo vệ an toàn cho khu vực lồng nuôi; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Thành công ban đầu của Dự án nuôi cá tầm đã mở hướng phát triển kinh tế mới, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Đường dây nóng của Báo Quảng Nam vừa nhận thông tin phản ánh của một người dân về việc UBND xã Điện Tiến cho phép tư nhân khai thác tận thu nguồn đất tại các cánh đồng thuộc thôn 1 Châu Bí làm ảnh hưởng đến tầng đất canh tác lúa. Thực hư của vấn đề này ra sao?
Nhiều người cho rằng, nuôi ong là một nghề rất thú vị nhưng chỉ thích hợp ở khu vực nông thôn, miền núi nơi có không gian rộng và nhiều cây cối. Điều này chưa hẳn đúng, minh chứng là ngay ở phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) hiện đang có nhiều mô hình đầu tư nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại 2 xã Bình Sơn và Phước Sơn, gồm 10 hộ nông dân tham gia.
Sau 3 năm thành lập, Tổ liên kết nuôi gà thả vườn Ninh Sim (Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã giúp đỡ thành viên sản xuất có hiệu quả. Nhưng nỗi lo lớn nhất của tổ hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.
Sau một số năm phát triển ồ ạt, hiện nay, phần lớn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đi vào thoái trào, nhiều hộ bỏ trống chuồng. Tuy nhiên việc làm này vẫn cần quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.