Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Chết, Người Nuôi Tôm Gặp Khó Khăn

Tôm Chết, Người Nuôi Tôm Gặp Khó Khăn
Ngày đăng: 22/06/2012

Nhiều ngày nay, ở Quảng Trị, người nuôi tôm ở các xã Trung Giang, huyện Gio Linh và Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đang điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi chưa đến thời điểm thu hoạch. Khác với việc nuôi các loại thuỷ sản khác, nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú phải đầu tư một số vốn và công sức rất lớn nên khi gặp rủi ro nhiều người nuôi tôm đã trắng tay trong chốc lát, tạo ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Đã mấy ngày trôi qua nhưng ông Hoàng Vĩnh Thành, một người nuôi tôm thẻ chân trắng kỳ cựu ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh vẫn chưa hết bàng hoàng vì chỉ trong chốc lát gia đình ông mất trắng số tiền trên 100 triệu đồng vì tôm chết. Ông cho biết, bước vào vụ nuôi năm nay, gia đình đã đầu tư gần 50 triệu đồng và cất công vào một trại tôm giống có thương hiệu ở tỉnh Bình Thuận để mua 55 vạn giống về thả nuôi.

Dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng số hồ tôm còn lại ở xã Trung Giang vẫn xuất bán với giá rất rẻ do lo ngại bị nhiễm bệnh.

Tháng đầu tiên, tôm phát triển ổn định nhưng bước qua tháng thứ 2 thì bắt đầu có hiện tượng bỏ ăn, tấp vào bờ và chết lai rai. Với kinh nghiệm của mình, ông đã dần khắc phục được tình trạng này, tôm hết bệnh và bắt đầu ăn trở lại.

Chưa kịp mừng thì mới đây khi thấy tôm có hiện tượng lạ, ông liền kiểm tra và chết điếng cả người khi phát hiện tôm chết xếp lớp ở đáy hồ. Biết khó có thể cứu vãn, ông gọi liền gọi ngay thương lái đến xuất bán khi tôm vừa bước qua ngày nuôi thứ 65.

Ông cho rằng mình như thế vẫn còn may vì đã vớt vát được gần 120 triệu đồng trong tổng số tiền trên 220 triệu đã bỏ ra bởi tôm của ông tuy nhỏ nhưng vẫn còn bán được chứ không mất gần hết số vốn bỏ ra như nhiều người nuôi khác trong thôn vì tôm mới chỉ nuôi được hơn một tháng.

Theo chỉ dẫn của ông, chúng tôi tìm đến hộ chị Hoàng Thị Gái, người vừa mất trắng số tiền trên 170 triệu đồng vì tôm chết. Chị Gái nói trong nước mắt: “Vì ít vốn nên tôi phải vay mượn thêm họ hàng để nuôi mong gỡ gạc lại phần nào nhưng cũng không trụ được vì tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt không kịp trở tay”.

Thất bại lần này đã kéo dài số vụ nuôi không thành công liên tiếp lên con số 3 và đẩy gia đình chị Gái lâm vào tình cảnh nợ nần với số tiền khá lớn, chưa biết lúc nào mới trả được. Đây cũng là tình trạng chung của gần 40 hồ nuôi thẻ chân trắng ở thôn Nam Sơn khiến những người nuôi tôm còn lại đang bán tháo tôm non để gỡ gạc lại phần nào số vốn rất lớn đã bỏ ra.

Ngược lên xã Vĩnh Sơn, địa phương có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất tỉnh với trên 150 ha tập trung ở thôn Phan Hiền, Huỳnh Thượng, Huỳnh Xá Hạ, tình trạng tôm chết vì nhiễm bệnh tuy không nặng nề như xã Trung Giang nhưng cũng đã bắt đầu xảy ra và diễn biến phức tạp.

Tiếp chúng tôi bên hồ tôm vừa tháo nước trống trơn ở khu vực nuôi tôm của thôn Huỳnh Xá Hạ, các ông Nguyễn Văn Thú, Bùi Văn Đệ, những người vừa bị thiệt hại số tiền gần 60 triệu do tôm nhiễm bệnh bùi ngùi kể, biết tình hình môi trường sẽ diễn biến phức tạp nên bước vào vụ nuôi năm nay các ông và nhiều người khác ở trong thôn đã đầu tư khá chu đáo cho việc vệ sinh, xử lý tạp chất trong hồ và nguồn nước nhưng tôm nuôi chưa được bao lâu đã nhiễm bệnh gan, đầu vàng chết hàng loạt. Bệnh ban đầu chỉ xảy ra ở một số hồ nhưng sau đó lan nhanh, người nuôi phải xử lý bệnh cho tôm bằng rất nhiều cách và tốn kém nhưng vẫn không hiệu quả.

“Đây là vụ nuôi tôm thất bại thứ hai liên tiếp, năm 2011 gia đình tôi cũng đã chịu thiệt hại nặng nề với số tiền trên 50 triệu đồng. Tôi chưa biết phải tính thế nào với số nợ rất lớn này”, anh Nguyễn Văn Linh, một người nuôi tôm ở thôn Huỳnh Thượng cho biết thêm.

Không riêng những trường hợp này, hiện nay ở các vùng nuôi tôm của xã Vĩnh Sơn đã có 60 hồ nuôi tôm nhiễm bệnh đầu vàng, gan, gây thiệt hại cho bà con với số tiền trên 500 triệu đồng. Điều đáng lo ngại là hiện nay do điều kiện thời tiết không thuận lợi và công tác phòng chống chưa hiệu quả nên diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh đang lây lan khá nhanh, gây tâm lý hoang mang cho người nuôi tôm.

Đối với người nuôi tôm, tôm chết luôn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp cả trước mắt và lâu dài. Mấy ngày nay, chuyện tôm chết, chuyện nợ nần đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân xã biển Trung Giang. Nhiều người khi tiếp xúc với chúng tôi có thể kể ra vanh vách hộ này thiệt hại bao nhiêu, hộ kia đang mắc nợ mấy chục, mấy trăm triệu đồng từ vụ nuôi tôm thất bát vừa qua.

Chúng tôi cứ ám ảnh mãi bởi hình ảnh của chị Hoàng Thị Gái hốc hác, tiều tụy bên hồ tôm chết bốc mùi thối nồng nặc và tương lai khá mờ mịt của gia đình chị qua câu nói: “Gia đình tôi trắng tay mất rồi. Giờ chỉ còn cách đi phụ hồ và chưa biết lúc nào mới trả hết nợ”.

Không chỉ chị Gái, nhiều người nuôi tôm khác như ông, bà Đặng Xuân Thăng, Hoàng Thị Hồng, Hoàng Văn Toàn, Nguyễn Văn Tâm... cũng chưa biết sẽ mưu sinh bằng nghề gì bởi sau vụ tôm thất bại này, họ khó có khả năng tiếp tục nuôi tôm vì đã mất hết vốn liếng và đang phải gánh một khoản nợ khá lớn.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang Dương Song Dinh cho biết: “Chính quyền xã cũng đã có khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích và bỏ qua nhiều quy trình kỹ thuật trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng thực tế lại rất khó. Ở địa phương có một số người giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm nhưng cũng có không ít người điêu đứng vì tôm chết do nhiễm bệnh. Trước thiệt hại nặng nề của tôm vụ này, chúng tôi đang xem xét để có các giải pháp hỗ trợ cũng như chấn chỉnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn”.

Đi qua các vùng nuôi tôm, một điều rất dễ nhận thấy là người dân đang “tự bơi” bởi tất cả các khâu trong nuôi tôm từ đầu tư xây dựng hồ, quy trình kỹ thuật, nguồn giống, vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm đều do người nuôi tôm tự thực hiện hoặc thông qua các đại lý bán thức ăn, chế phẩm dùng cho tôm nên mỗi khi gặp rủi ro họ phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề và không biết “kêu” ai.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Nguyễn Sơn cho biết: “Mặc dù có diện tích nuôi tôm lớn nhưng người tôm địa phương hầu như chưa được tiếp cận nhiều với công tác định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Mỗi khi có dịch bệnh hoặc các vấn đề khác xảy ra, nông dân thường tự xử lý theo kinh nghiệm, vì vậy thiệt hại về kinh tế là rất lớn và lâu dài”.

Một vấn đề khác đang đặt ra ở các vùng nuôi tôm là môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng do các hồ tôm khi xả thải không có các biện pháp xử lý và đều thải trực tiếp ra môi trường. Sau vụ tôm chết vừa qua, khu vực nuôi tôm và các khu dân cư lân cận của xã Trung Giang vốn đã bị ô nhiễm nay lại luôn bao trùm mùi hôi thối nồng nặc bởi xác tôm chết, nước thải đen ngòm từ các hồ nuôi tôm…

Không chỉ ở xã Trung Giang và Vĩnh Sơn, người nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh cũng đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trước tình hình này, họ đang rất cần sự định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các địa phương, cơ quan chức năng về vấn đề quy hoạch các vùng nuôi tôm, quy trình kỹ thuật, giống, vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm để mô hình nuôi trồng thuỷ sản này ngày càng phát triển ổn định, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Lãi 3 Tỷ Đồng Mỗi Năm Nhờ Trồng Hoa Lily Lãi 3 Tỷ Đồng Mỗi Năm Nhờ Trồng Hoa Lily

Trước khi gắn mình với nghề nông, chị Vũ Thị Phương (51 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) là bà chủ của một nhà phân phối độc quyền các mặt hàng tiêu dùng lớn có tiếng tại TP Hồ Chí Minh, dưới chị là gần 40 nhân viên. Năm 2006, một người bạn “rủ rê” chị chung vốn trồng hoa tại Đà Lạt, sẵn yêu hoa từ nhỏ, chị Phương lập tức nhận lời.

24/09/2014
Không Thiếu Gạo Xuất Khẩu Không Thiếu Gạo Xuất Khẩu

Thị trường lúa gạo ĐBSCL đang nóng lên trước tin Việt Nam ký hợp đồng xuất 200.000 tấn gạo sang thị trường Philippines và tiếp theo là Indonesia.

24/09/2014
Gừng Được Giá Gừng Được Giá

Đồng bào dân tộc Mông ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn… của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang rất phấn khởi, bởi gừng tươi được giá, lại rất dễ tiêu thụ.

24/09/2014
Mường La (Sơn La) Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Mường La (Sơn La) Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng

Phát huy lợi thế trong vùng hồ Thủy điện Sơn La và các công trình thủy điện trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Mường La (Sơn La) chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng cho các xã vùng lòng hồ, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân...

25/09/2014
Những Quy Định Mới Của Luật Hiện Đại Hóa An Toàn Thực Phẩm Của Mỹ (FSMA) Những Quy Định Mới Của Luật Hiện Đại Hóa An Toàn Thực Phẩm Của Mỹ (FSMA)

Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) đã được Tổng thống Obama ký thành luật từ ngày 1/4/2011, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa đưa ra được các quy định cụ thể trong vòng 18 tháng sau khi đạo luật được thông qua.

25/09/2014