Tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm lao đao
Nhiều diện tích hồ nuôi tôm ở xã Triệu Phước bỏ trống chờ cải tạo chuẩn bị thả nuôi tiếp vụ sau
Về xã Triệu Phước (Triệu Phong) những ngày này dễ dàng nhận thấy nỗi buồn trên khuôn mặt những người nông dân đã gửi gắm bao hi vọng vào một vụ tôm thắng lợi giờ bỗng dưng mất trắng. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Triệu Phước có đến 38 ha diện tích nuôi tôm của người dân bị nhiễm bệnh, chiếm nhiều nhất trong tổng số hơn 50 ha thiệt hại của toàn huyện.
Nhiều vùng nuôi như An Cư, Dương Xuân, Hà La dịch bệnh xảy ra đồng loạt. Ở vùng cù lao Bắc Phước (bao gồm cả 3 thôn là Duy Phiên, Hà La, Dương Xuân), người dân đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất ruộng để đào ao nuôi tôm, nay dịch bệnh bùng phát, đời sống của bà con đang đứng trước muôn vàn khó khăn.
Anh Trần Văn Dương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dương Xuân, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cho biết: “Dịch bệnh bùng phát trên tôm làm các hộ nuôi ở Hợp tác xã Dương Xuân thiệt hại 26 ha, nhiều nhất trong toàn xã. Bình quân mỗi héc ta người dân đầu tư 100 triệu đồng tiền vốn mua con giống, nếu không bị dịch bệnh thì mỗi héc ta cũng thu được 300 triệu lãi ròng. Vụ tôm này bà con mất trắng, nhiều người đổ nợ vì nuôi tôm”.
Không chỉ riêng Triệu Phước, tại các xã Triệu An, Triệu Lăng (Triệu Phong), Hải An (Hải Lăng) dịch bệnh trên tôm cũng diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng xã Hải An đã có đến 60 ha tôm chết vì dịch bệnh lây lan nhanh. Nhiều hộ nuôi vẫn tiếp tục thả nuôi vụ 2 trong khi thời tiết biến đổi thất thường, cộng với việc khi có dịch bệnh không xử lý dập dịch mà thải nước trực tiếp ra môi trường càng khiến dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng. Hiện tại, hầu hết các ao đầm đang bỏ trống chờ cải tạo lại chuẩn bị thả nuôi tiếp vụ sau.
Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh đối với hơn 79 ha trên tổng số hơn 223 ha tôm bị bệnh trong thời gian qua, thì các bệnh chủ yếu là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đầu vàng và đốm trắng.
Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, xen lẫn các đợt mưa, nhiệt độ giảm đột ngột, kéo theo các yếu tố môi trường khác như độ mặn… còn do các hộ nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, nhất là trong xử lý nguồn nước ao nuôi, không kiểm soát các vật chủ trung gian mang mầm bệnh...
Đối với các hộ nuôi tôm thâm canh, chủ yếu xảy ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do quản lý, chăm sóc chưa tốt, dẫn đến ô nhiễm đáy ao và nước ao nuôi...
Năm 2014, tại xã Triệu Phước dịch bệnh trên tôm cũng bùng phát nhưng các đơn vị chức năng đã kịp thời đưa hóa chất xử lý dập dịch nên không gây thiệt hại lớn. Năm nay, tỉnh không có kinh phí mua hóa chất phòng chống dịch bệnh thủy sản nên khi phát hiện dịch bệnh xảy ra, hầu hết các hộ nuôi đã không báo cho cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân mà tự xử lý hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Vì vậy ước tính số diện tích bị bệnh thực tế có thể còn lớn hơn số liệu đã thống kê, thậm chí có hồ nuôi bị bệnh đến lần thứ 2, gây thiệt hại lớn cho người dân và nguy cơ lây nhiễm cho vùng nuôi trên diện rộng.
Bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục thú y cho biết: “ Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trong vụ nuôi tới thì người dân cần xử lý ao nuôi đúng quy trình, mua con giống phải đảm bảo qua kiểm dịch, đặc biệt không được xả nước thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn tỉnh có chiến lược đầu tư quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, có nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản khi có dịch xảy ra”.
Trước mắt, các cơ quan chức năng đang tiến hành thống kê thiệt hại để đề xuất tỉnh có phương án hỗ trợ kịp thời cho người nuôi tôm bị ảnh hưởng trong vụ nuôi vừa qua. Để hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan, Chi cục Thú y khuyến cáo người nuôi tôm cần tăng cường kiểm tra ao nuôi về môi trường nước, bùn trong ao và sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Khi phát hiện dịch bệnh cần thực hiện nghiêm việc khai báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Các hộ nuôi cũng cần ý thức cao hơn nữa trong việc theo dõi, giám sát vật nuôi, nhất là tránh để nguồn nước nhiễm bệnh lan ra ngoài, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Vấn đề chất lượng cà phê xuất khẩu không chỉ riêng của Lâm Đồng mà là điểm yếu cố hữu của ngành cà phê Việt Nam. Tỷ lệ cà phê nước ta tham gia đấu thầu ở Sàn Giao dịch Luân Đôn (LIFEE) đạt tiêu chuẩn chỉ dưới 50%. Tổng kết ở 10 cảng châu Âu cho thấy, Việt Nam chiếm tới 88% tổng số cà phê không đạt tiêu chuẩn của cả thế giới, chỉ có 53% cà phê Việt Nam xuất khẩu cho Nestlé đạt tiêu chuẩn. Kraft Foods cũng khuyến cáo điều chỉnh chiến lược mua cà phê Việt Nam
Tại Thông báo số 129/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đổi mới chính sách bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất, khi thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Bến Tre, hàng loạt vườn ca cao xen dừa đang bị nấm Phytophthora palmivora và bọ xít muỗi tấn công làm hư trái, chết cây. Nấm bệnh còn lan sang cả vườn dừa gây rụng trái non hàng loạt
Sau 4 tháng triển khai, Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 (Đắk Lắk) cho biết đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ có nguồn gốc tự nhiên tại lòng hồ 300 ha của nhà máy này.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân sáng 18-4 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đề nghị tăng gấp đôi đầu tư cho lĩnh vực này trong giai đoạn tới. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần huy động thêm nguồn lực xã hội, không thể chỉ trông chờ ngân sách.