Dồn Điền Đổi Thửa Ở Chương Mỹ Bội Thu Những Mùa Vàng

Chương Mỹ có diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa (DĐĐT) lớn nhất thành phố. Cũng nhờ DĐĐT, bà con đã có những mùa vàng bội thu.
Biến đất cằn thành tiền tỷ
Về xã Hữu Văn, ngay từ xa, chúng tôi đã ấn tượng với khu trang trại có tường rào chạy dài tít tắp của anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Mỹ Hạ. Theo lời anh Hải, kể từ khi xã có chủ trương DĐĐT, anh đã mạnh dạn thuê lại ruộng đất của bà con với mức 200kg thóc/sào/năm để xây dựng trang trại chăn nuôi có hệ thống trang thiết bị hiện đại. Với quy mô rộng 3ha, anh nuôi 70.000 con gà đẻ, 3.000 con lợn. Doanh thu của trang trại đạt tới 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Hỏi chuyện, chúng tôi được biết toàn xã Hữu Văn có hơn 360ha đất nông nghiệp. Trước đây, bình quân mỗi hộ có 6 - 7 thửa ruộng. Năm 2012, Đảng ủy xã Hữu Văn ra nghị quyết chuyên đề và triển khai thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Chia sẻ thành công của xã, ông Phùng Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hữu Văn cho biết: “Sau gần 1 năm thực hiện DĐĐT, đồng ruộng của xã đã “thay da đổi thịt”, năng suất lúa vụ xuân 2013 đạt 64 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi được gần 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vàn cao sang các mô hình trang trại đa canh, trồng cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư…”.
Còn trên các khu đồng đồi gò của xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ những ngày cuối năm này cũng rực rỡ một màu vàng của cam Canh, bưởi Diễn đang độ chín rộ. Ông Lê Anh Kiều - Chủ tịch UBND xã Trần Phú vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam Canh của gia đình, vừa chia sẻ: Nhờ được chăm sóc tốt, mỗi cây cam cho 100 - 120kg quả. Với diện tích 1ha, thu nhập từ trồng cam của gia đình ông Kiều năm nay ước đạt 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 700 triệu đồng. “Sau khi chuyển sang trồng cây ăn quả, thu nhập cao gấp hàng chục lần trước đây” – ông Kiều cho biết.
Hướng đến sản xuất hàng hóa
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong tháng 12, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện DĐĐT xong 2.496ha còn lại và giao ruộng cho nhân dân trước 20.12 để kịp sản xuất vụ xuân 2014. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hoàn thành cấp giấy chứng nhận sau DĐĐT cho người dân .
Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, diện tích đất cần thực hiện DĐĐT toàn huyện là 10.443ha. Tính đến nay, huyện đã dồn được xấp xỉ 2.000ha tại 29 xã, thị trấn, trong đó có 177/215 thôn, xóm đã thực hiện xong DĐĐT. Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: “Phương án DĐĐT của các địa phương được xây dựng cụ thể, chi tiết, có sự tham gia đóng góp ý kiến dân chủ, công khai của nhân dân. Nhờ đó, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan”.
Cái được nhất sau DĐĐT ở Chương Mỹ là nhân dân các xã, thị trấn rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa và UBND huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức lấy ý kiến nông dân xã Phú Lộc về việc tham gia dự án “cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê 4C trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú”.
Với nhiều ưu điểm vượt trội như: năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu đổ ngã tốt, đặc biệt hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao... giống lúa đỏ mang tên Ngọc đỏ hương dứa, được một nông dân ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) sáng tạo đang thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và một số đối tác nước ngoài.

Người trồng mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa trải qua một vụ mía khó khăn do giá đường xuống thấp, nắng hạn kéo dài. Trong vụ mía 2015 - 2016, nông dân trồng mía hy vọng Công ty Cổ phần (CP) Đường Ninh Hòa có nhiều chính sách nhằm giảm khó khăn trong sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía.

Sa nhân là cây dược liệu quý đã gắn bó lâu đời với người dân xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La). Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, giá bán cao nên cây sa nhân đã và đang là cây trồng đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho nhiều gia đình ở Tân Lập.

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía ở ĐBSCL đang dần bị phá bỏ và thay thế bằng các cây trồng khác.