Tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm lao đao
Nhiều diện tích hồ nuôi tôm ở xã Triệu Phước bỏ trống chờ cải tạo chuẩn bị thả nuôi tiếp vụ sau
Về xã Triệu Phước (Triệu Phong) những ngày này dễ dàng nhận thấy nỗi buồn trên khuôn mặt những người nông dân đã gửi gắm bao hi vọng vào một vụ tôm thắng lợi giờ bỗng dưng mất trắng. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Triệu Phước có đến 38 ha diện tích nuôi tôm của người dân bị nhiễm bệnh, chiếm nhiều nhất trong tổng số hơn 50 ha thiệt hại của toàn huyện.
Nhiều vùng nuôi như An Cư, Dương Xuân, Hà La dịch bệnh xảy ra đồng loạt. Ở vùng cù lao Bắc Phước (bao gồm cả 3 thôn là Duy Phiên, Hà La, Dương Xuân), người dân đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất ruộng để đào ao nuôi tôm, nay dịch bệnh bùng phát, đời sống của bà con đang đứng trước muôn vàn khó khăn.
Anh Trần Văn Dương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dương Xuân, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cho biết: “Dịch bệnh bùng phát trên tôm làm các hộ nuôi ở Hợp tác xã Dương Xuân thiệt hại 26 ha, nhiều nhất trong toàn xã. Bình quân mỗi héc ta người dân đầu tư 100 triệu đồng tiền vốn mua con giống, nếu không bị dịch bệnh thì mỗi héc ta cũng thu được 300 triệu lãi ròng. Vụ tôm này bà con mất trắng, nhiều người đổ nợ vì nuôi tôm”.
Không chỉ riêng Triệu Phước, tại các xã Triệu An, Triệu Lăng (Triệu Phong), Hải An (Hải Lăng) dịch bệnh trên tôm cũng diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng xã Hải An đã có đến 60 ha tôm chết vì dịch bệnh lây lan nhanh. Nhiều hộ nuôi vẫn tiếp tục thả nuôi vụ 2 trong khi thời tiết biến đổi thất thường, cộng với việc khi có dịch bệnh không xử lý dập dịch mà thải nước trực tiếp ra môi trường càng khiến dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng. Hiện tại, hầu hết các ao đầm đang bỏ trống chờ cải tạo lại chuẩn bị thả nuôi tiếp vụ sau.
Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh đối với hơn 79 ha trên tổng số hơn 223 ha tôm bị bệnh trong thời gian qua, thì các bệnh chủ yếu là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đầu vàng và đốm trắng.
Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, xen lẫn các đợt mưa, nhiệt độ giảm đột ngột, kéo theo các yếu tố môi trường khác như độ mặn… còn do các hộ nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, nhất là trong xử lý nguồn nước ao nuôi, không kiểm soát các vật chủ trung gian mang mầm bệnh...
Đối với các hộ nuôi tôm thâm canh, chủ yếu xảy ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do quản lý, chăm sóc chưa tốt, dẫn đến ô nhiễm đáy ao và nước ao nuôi...
Năm 2014, tại xã Triệu Phước dịch bệnh trên tôm cũng bùng phát nhưng các đơn vị chức năng đã kịp thời đưa hóa chất xử lý dập dịch nên không gây thiệt hại lớn. Năm nay, tỉnh không có kinh phí mua hóa chất phòng chống dịch bệnh thủy sản nên khi phát hiện dịch bệnh xảy ra, hầu hết các hộ nuôi đã không báo cho cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân mà tự xử lý hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Vì vậy ước tính số diện tích bị bệnh thực tế có thể còn lớn hơn số liệu đã thống kê, thậm chí có hồ nuôi bị bệnh đến lần thứ 2, gây thiệt hại lớn cho người dân và nguy cơ lây nhiễm cho vùng nuôi trên diện rộng.
Bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục thú y cho biết: “ Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trong vụ nuôi tới thì người dân cần xử lý ao nuôi đúng quy trình, mua con giống phải đảm bảo qua kiểm dịch, đặc biệt không được xả nước thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn tỉnh có chiến lược đầu tư quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, có nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản khi có dịch xảy ra”.
Trước mắt, các cơ quan chức năng đang tiến hành thống kê thiệt hại để đề xuất tỉnh có phương án hỗ trợ kịp thời cho người nuôi tôm bị ảnh hưởng trong vụ nuôi vừa qua. Để hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan, Chi cục Thú y khuyến cáo người nuôi tôm cần tăng cường kiểm tra ao nuôi về môi trường nước, bùn trong ao và sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Khi phát hiện dịch bệnh cần thực hiện nghiêm việc khai báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Các hộ nuôi cũng cần ý thức cao hơn nữa trong việc theo dõi, giám sát vật nuôi, nhất là tránh để nguồn nước nhiễm bệnh lan ra ngoài, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Related news
Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2014, cả nước đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm gia cầm H5N1. Cùng với đó, virus cúm A/H7N9 cũng đang rình rập xâm nhập nước ta khi số người mắc cúm A/H7N9 tại một địa phương của Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.
Chợ heo Bà Rén nằm nép mình bên đầu cầu Bà Rén, gần Quốc lộ 1A thuộc xã Quế Xuân (Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hình thành từ những năm 1970, đây là một trong những chợ heo lớn nhất nước.
Dáng dấp chẳng khác gì những con ngựa lọc cọc kéo xe, thồ hàng ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, hay ngựa giải trí - thể thao dành cho du khách đến cao nguyên Đà Lạt, thế nhưng, những con ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) - Bộ Y tế có một nét khác biệt vì chúng sinh trưởng chỉ để thực hiện sứ mệnh… hiến máu cứu người.
Sáng 3/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán), một số chợ ở thành phố Long Xuyên (An Giang) hoạt động mua bán gà sống với tên gọi là “gà thả vườn” có số lượng hàng trăm con diễn ra khá nhộn nhịp.
Nghe cứ ngỡ là loại heo cảnh nhưng thực ra đó là đàn lợn có mẹ là giống lai kinh tế màu trắng được phối với con lợn đực to tới hơn 1 tạ có màu vàng da bò rất đẹp.