Tính Lại Đầu Ra Cho Thanh Long Bình Thuận

Thanh long là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận - điều đó không cần phải bàn cãi. Song, để giải “bài toán” tiêu thụ cho loại trái cây đặc sản lại là vấn đề mà bấy lâu nay địa phương cùng các ngành chức năng vẫn chưa có “đáp án” cụ thể…
Loay hoay với thị trường Trung Quốc
8 tháng đầu năm 2013, sản lượng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận ước thực hiện được 21.582 tấn, đem lại kim ngạch cho địa phương trên 17,7 triệu USD. Con số này nếu so cùng kỳ năm ngoái thì giảm đến gần 20% về lượng, nhưng tăng hơn 10% về giá trị. Thế nhưng ai cũng biết, đầu ra tiêu thụ trái thanh long từ trước đến nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này. Và hiện hàng chục ngàn hộ nông dân vùng chuyên canh thanh long ở Bình Thuận luôn phập phồng với khoản thu nhập, bởi không tự quyết định về giá. Như thời gian gần đây là một ví dụ: Vài tháng trước được thương lái đẩy lên mức kỷ lục hơn 30.000 đồng/kg, nhưng trong tháng 8 này có lúc giá thu mua rớt thê thảm chỉ còn 6.000 đồng/kg…
Việc thương lái Trung Quốc có “làm giá” trái thanh long Bình Thuận hay không thì chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng đặc sản địa phương chấp nhận chuyện “trứng” đang bỏ cùng một “giỏ” là quá rõ ràng. Bởi thế mới có nhiều ý kiến quan ngại: Lỡ thị trường Trung Quốc “trở chứng” với trái thanh long của Việt Nam (phần lớn là của Bình Thuận), không biết nông dân và doanh nghiệp địa phương có còn… sống khỏe?
Nói để thấy rằng trên thương trường, chuyện kinh doanh - mua bán theo kiểu “trứng” bỏ cùng một “giỏ” luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Nhưng thực tế thanh long Bình Thuận đang trong tình cảnh ấy và dường như không còn sự lựa chọn, bởi chúng ta cứ mãi loay hoay với thị trường Trung Quốc. Mà chính các ngành chức năng của địa phương cũng dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chính tiêu thụ trái thanh long của Bình Thuận.
Tính lại đầu ra cho trái thanh long
Theo mục tiêu của địa phương, vào năm 2015 diện tích thanh long toàn tỉnh là 20.000 ha với sản lượng 600.000 tấn, còn đến năm 2020 sẽ ổn định khoảng 20.500 ha tương ứng sản lượng từ 600.000 - 700.000 tấn. Nhưng để đạt mục tiêu này thì Bình Thuận phải nỗ lực rất nhiều, trước tiên là quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch trồng thanh long và không để phát triển tràn lan.
Đối với đầu ra cho sản phẩm, một khi xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu thì các doanh nghiệp cần tìm kiếm giải pháp xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Mặc khác phải chủ động “đẩy” lượng lớn thanh long vào sâu trong thị trường nội địa của quốc gia có số dân hơn tỷ người, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Bắc và phía Tây Nam. Thực hiện được điều này sẽ góp phần hạn chế dần xuất khẩu theo hình thức biên mậu ở cặp cửa khẩu quen thuộc Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Trung Quốc). Từ đó sẽ tính tiếp hướng đẩy mạnh thâm nhập thị trường Trung Quốc cho trái thanh long Bình Thuận qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)- Hà Khẩu (Vân Nam)…
Ngoài thị trường Trung Quốc, Bình Thuận cần tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đến các quốc gia và vùng lãnh thổ ưa chuộng trái thanh long. Đặc biệt với thị trường châu Á mà trọng tâm là Khối mậu dịch tự do Đông Nam Á, hay Khu vực mậu dịch tự do Asean + 6 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, New Zealand). Bên cạnh còn tính đến hướng mở rộng tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Chi Lê hoặc các quốc gia khu vực Trung Đông, Bắc Phi…
Chủ động VietGAP hóa diện tích
Nói gì thì nói, để mở rộng và thâm nhập thành công các thị trường tiềm năng thì trước tiên trái thanh long Bình Thuận phải đảm bảo chất lượng cũng như vượt qua rào cản kỹ thuật thương mại. Do vậy việc địa phương chủ động VietGAP hóa tất cả diện tích thanh long hiện có là một yêu cầu tất yếu. Để từ đó, đặc sản lợi thế của Bình Thuận có cơ hội giữ được uy tín, nâng cao sức cạnh tranh nhằm tìm chỗ đứng bền vững ở tất cả các thị trường, dù là khó tính nhất…
Nếu dự báo trong tương lai gần thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc, nhưng với tiêu chuẩn VietGAP thì trái thanh long Bình Thuận không dễ bị làm khó. Đồng thời với cách tính toán đầu ra như trên đã phân tích, sản phẩm lợi thế của địa phương xuất khẩu sang nước bạn có thể vẫn chấp nhận tiếp tục bỏ “trứng” cùng một “giỏ”. Và khi đó, dù “trứng” có nằm chung “giỏ” nhưng chúng ta sẽ áp dụng giải pháp theo kiểu bỏ “trứng” vào “giỏ” có nhiều “ngăn”, có “đồ đệm” để hạn chế tối đa rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Các gia đình thuộc diện nghèo tỉnh Sóc Trăng sẽ được hỗ trợ nuôi bò sữa nằm trong khuôn khổ dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2013 - 2020.

Theo các chủ bè cá, giá cá điêu hồng tăng trở lại là do sản lượng cá cung cấp cho thị trường thời điểm này khan hiếm, bởi trước đó nhiều bè cá thua lỗ đã "treo" bè. Hiện nhiều thương lái đến vùng nuôi cá điêu hồng ở Cồn Thới lùng sục để mua cá điêu hồng loại lớn từ 1-1,2 kg để cung cấp cho thị trường, nhưng cá loại này rất khan hiếm do giá cá điêu hồng đang trên đà tăng nên các chủ bè tiếp tục neo cá lại để chờ giá cá cao hơn.

Nếu như những năm trước đây, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy một hải lý, ngư dân ven biển Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã có thể cào được cả tấn ốc gạo. Thì năm nay, mọi người phải đi thuyền vào tận Đức Phổ và tỉnh Bình Định mới tìm được sản vật này của biển…

Trong mùa mưa bão, diện tích nuôi trồng thủy sản là vùng có nguy cơ ngập úng lớn nhất, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản ở ven đê. Tuy nhiên, các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa mưa bão như các hộ dân vẫn làm hiện nay dường như chưa thể khiến họ an tâm...

Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.