Tính Lại Đầu Ra Cho Thanh Long Bình Thuận
Thanh long là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận - điều đó không cần phải bàn cãi. Song, để giải “bài toán” tiêu thụ cho loại trái cây đặc sản lại là vấn đề mà bấy lâu nay địa phương cùng các ngành chức năng vẫn chưa có “đáp án” cụ thể…
Loay hoay với thị trường Trung Quốc
8 tháng đầu năm 2013, sản lượng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận ước thực hiện được 21.582 tấn, đem lại kim ngạch cho địa phương trên 17,7 triệu USD. Con số này nếu so cùng kỳ năm ngoái thì giảm đến gần 20% về lượng, nhưng tăng hơn 10% về giá trị. Thế nhưng ai cũng biết, đầu ra tiêu thụ trái thanh long từ trước đến nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này. Và hiện hàng chục ngàn hộ nông dân vùng chuyên canh thanh long ở Bình Thuận luôn phập phồng với khoản thu nhập, bởi không tự quyết định về giá. Như thời gian gần đây là một ví dụ: Vài tháng trước được thương lái đẩy lên mức kỷ lục hơn 30.000 đồng/kg, nhưng trong tháng 8 này có lúc giá thu mua rớt thê thảm chỉ còn 6.000 đồng/kg…
Việc thương lái Trung Quốc có “làm giá” trái thanh long Bình Thuận hay không thì chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng đặc sản địa phương chấp nhận chuyện “trứng” đang bỏ cùng một “giỏ” là quá rõ ràng. Bởi thế mới có nhiều ý kiến quan ngại: Lỡ thị trường Trung Quốc “trở chứng” với trái thanh long của Việt Nam (phần lớn là của Bình Thuận), không biết nông dân và doanh nghiệp địa phương có còn… sống khỏe?
Nói để thấy rằng trên thương trường, chuyện kinh doanh - mua bán theo kiểu “trứng” bỏ cùng một “giỏ” luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Nhưng thực tế thanh long Bình Thuận đang trong tình cảnh ấy và dường như không còn sự lựa chọn, bởi chúng ta cứ mãi loay hoay với thị trường Trung Quốc. Mà chính các ngành chức năng của địa phương cũng dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chính tiêu thụ trái thanh long của Bình Thuận.
Tính lại đầu ra cho trái thanh long
Theo mục tiêu của địa phương, vào năm 2015 diện tích thanh long toàn tỉnh là 20.000 ha với sản lượng 600.000 tấn, còn đến năm 2020 sẽ ổn định khoảng 20.500 ha tương ứng sản lượng từ 600.000 - 700.000 tấn. Nhưng để đạt mục tiêu này thì Bình Thuận phải nỗ lực rất nhiều, trước tiên là quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch trồng thanh long và không để phát triển tràn lan.
Đối với đầu ra cho sản phẩm, một khi xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu thì các doanh nghiệp cần tìm kiếm giải pháp xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Mặc khác phải chủ động “đẩy” lượng lớn thanh long vào sâu trong thị trường nội địa của quốc gia có số dân hơn tỷ người, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Bắc và phía Tây Nam. Thực hiện được điều này sẽ góp phần hạn chế dần xuất khẩu theo hình thức biên mậu ở cặp cửa khẩu quen thuộc Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Trung Quốc). Từ đó sẽ tính tiếp hướng đẩy mạnh thâm nhập thị trường Trung Quốc cho trái thanh long Bình Thuận qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)- Hà Khẩu (Vân Nam)…
Ngoài thị trường Trung Quốc, Bình Thuận cần tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đến các quốc gia và vùng lãnh thổ ưa chuộng trái thanh long. Đặc biệt với thị trường châu Á mà trọng tâm là Khối mậu dịch tự do Đông Nam Á, hay Khu vực mậu dịch tự do Asean + 6 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, New Zealand). Bên cạnh còn tính đến hướng mở rộng tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Chi Lê hoặc các quốc gia khu vực Trung Đông, Bắc Phi…
Chủ động VietGAP hóa diện tích
Nói gì thì nói, để mở rộng và thâm nhập thành công các thị trường tiềm năng thì trước tiên trái thanh long Bình Thuận phải đảm bảo chất lượng cũng như vượt qua rào cản kỹ thuật thương mại. Do vậy việc địa phương chủ động VietGAP hóa tất cả diện tích thanh long hiện có là một yêu cầu tất yếu. Để từ đó, đặc sản lợi thế của Bình Thuận có cơ hội giữ được uy tín, nâng cao sức cạnh tranh nhằm tìm chỗ đứng bền vững ở tất cả các thị trường, dù là khó tính nhất…
Nếu dự báo trong tương lai gần thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc, nhưng với tiêu chuẩn VietGAP thì trái thanh long Bình Thuận không dễ bị làm khó. Đồng thời với cách tính toán đầu ra như trên đã phân tích, sản phẩm lợi thế của địa phương xuất khẩu sang nước bạn có thể vẫn chấp nhận tiếp tục bỏ “trứng” cùng một “giỏ”. Và khi đó, dù “trứng” có nằm chung “giỏ” nhưng chúng ta sẽ áp dụng giải pháp theo kiểu bỏ “trứng” vào “giỏ” có nhiều “ngăn”, có “đồ đệm” để hạn chế tối đa rủi ro.
Related news
Nhờ sưu tầm trồng nhiều giống dừa chất lượng và có cách chăm sóc phù hợp, vườn dừa của ông Đỗ Thành Thưởng (mọi người thường gọi là ông Tám Thưởng), ở ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm đã đem về thu nhập cao cho gia đình ông.
Năm 2011, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bình Sơn đã phối hợp với UBND xã Bình Phú, triển khai mô hình nuôi thỏ New Zealand tại hộ anh Phạm Tấn Cung ở thôn An Thạch 1, xã Bình Phú, huyện Bình Sơn. Đây là mô hình nuôi thỏ New Zealand thành công đầu tiên tại địa phương này, mở ra triển vọng trong công tác phát triển giống, con vật nuôi mới; tạo ra nghề chăn nuôi mới cho nông dân địa phương.
Hôm 28 tháng 1, ê-kíp mổ của khoa Nam học bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn tiến hành ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ đồng hồ để ghép lại toàn bộ da dương vật và vùng bìu cho nam bệnh nhân N.V.L. Trong lúc làm việc dưới hồ nuôi tôm, anh L. đã bị cánh quạt của chiếc máy quấn vào quần đùi, rồi cuốn luôn dương vật, làm đứt phăng lột hết toàn bộ da dương vật, da vùng bìu
Nổi bật là hộ Nguyễn Văn Rừng thu lãi cao nhất với hơn 111 triệu đồng/ha, hộ Lê Thành Công thu lãi gần 82 triệu đồng/ha, Nguyễn Thành Trí thu lãi 70 triệu đồng/ ha, hộ Trần Văn Quân thu lãi trên 67 triệu đồng/ha... Mô hình này đã giúp nhiều nông hộ ở địa phương có được nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi
UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết hàng chục hộ dân ở hai thôn 2, 3 xã Trà Linh vừa hình thành mô hình trồng sâm tập thể, bao gồm tổ trưởng, tổ phó, thư ký với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng thành viên (như chăm sóc, nuôi trồng, bảo vệ cây sâm…). Đây là mô hình mới nhất tại vùng sâm Ngọc Linh (sâm K5) có giá trị kinh tế rất cao, vì lâu nay chỉ có các vườn sâm riêng lẻ.