Bất Chấp Cảnh Báo, Hoa Quả Trung Quốc Vẫn Dồn Về Chợ

Có tới 30% số hoa quả TQ kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng, nhưng, lượng hàng rau, củ, quả của TQ chuyển về các chợ TPHCM hay Hà Nội vẫn không giảm.
Trong khi thông tin 17 lô hàng xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo chưa có hồi kết, Chi cục BVTV TPHCM lại công bố có tới 30% số hoa quả TQ kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng, khiến không ít người tiêu dùng (NTD) lo lắng. Tuy nhiên, lượng hàng rau, củ, quả của TQ chuyển về các chợ TPHCM hay Hà Nội vẫn không giảm.
Cơ quan quản lý của TQ vẫn chưa có câu trả lời
Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nhận được thông báo của Cục BVTV về việc 17 lô hàng củ, quả từ TQ xuất sang Việt Nam (VN) bị phát hiện dư lượng hóa chất BVTV vượt quá mức quy định của VN, ngay sau đó, NAFIQAD đã có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm xuất - nhập khẩu để thông báo cho các cơ quan chức năng phía TQ điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc lô hàng và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp, sớm thông báo kết quả thực hiện tới NAFIQAD. Theo đó, tổng số 17 lô hàng củ, quả bị phát hiện có khối lượng 280 tấn gồm: Chanh tươi, nho, hồng, táo, củ cải trắng, quýt, càrốt, cam.
Trong đợt kiểm tra mới nhất của Chi cục BVTV TPHCM tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, lượng hoa quả TQ chiếm tới 90%, chủ yếu là quýt, lê, táo... Qua lấy mẫu kiểm tra, trung bình từ 5 – 10 mẫu/đêm tại các chợ, lực lượng này phát hiện nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu trên hoa quả TQ với số lượng khoảng 30%, còn trái cây có nguồn gốc từ các nước khác gần như không có dư lượng thuốc BVTV.
Nói về 17 lô hàng củ, quả có nguồn gốc từ TQ phát hiện hóa chất vượt quy định, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục Trưởng NAFIQAD - cho biết: “Đây là những lô hàng bị phát hiện trong năm 2013. Khi phát hiện vi phạm, ngoài việc xử lý ở VN còn phải cảnh báo với các nước về hàng hóa của họ nhập vào VN có các vấn đề để họ có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên đến thời điểm này NAFIQAD vẫn chưa nhận được thông báo từ phía TQ”.
Cũng theo ông Tiệp thì đến nay, NAFIQAD vẫn chưa nhận được thông báo về các lô hàng từ các nước có dấu hiệu vi phạm từ phía Cục BVTV trong những tháng đầu năm 2014.
Hàng TQ từ chợ đầu mối tỏa về chợ dân sinh
Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) cho biết, đêm 11.6, lượng rau củ, nông sản có xuất xứ TQ là 272 tấn trong tổng số 1.675 tấn nông sản nhập về chợ, chiếm tỉ lệ 16%. Đối với mặt hàng trái cây, thời gian gần đây, do tâm lý của người tiêu dùng hạn chế dùng trái cây TQ nên các thương lái, tiểu thương cũng giảm đáng kể lượng hàng nhập về chợ.
Trung bình, mỗi ngày có khoảng 2.150 tấn trái cây được đưa về chợ đầu mối Thủ Đức, thì có khoảng 85 tấn là các loại trái cây ngoại nhập, chủ yếu là hàng xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, Úc, New Zealand,... Lượng trái cây có xuất xứ từ TQ nhập về chợ trong khoảng 30 tấn, chiếm tỉ lệ 35% trên tổng lượng trái cây ngoại nhập, chiếm tỉ lệ 1,5% trên tổng lượng hàng trái cây chủ yếu là đào, lê, táo, nho, quýt.
Điều đáng nói là theo các thương lái, hiện lượng hàng trái cây có xuất xứ TQ giảm đáng kể trên thị trường do khách hàng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV nên không chọn mua. Do vậy, các tiểu thương, thương lái giảm lượng hàng nhập về. Nhưng riêng đối với các mặt hàng nông sản như càrốt, tỏi, củ hành, bông cải, bắp cải, củ cải trắng, khoai tây,... lượng hàng nhập về chợ vẫn còn nhiều do phần lớn các nhà hàng, quán ăn vẫn đặt mua.
Ông Đức - một tiểu thương lấy hàng ở chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết: “Một số loại nông sản của TQ có giá bằng 2/3 so với hàng sản xuất trong nước, củ lại to, tròn, bóng, đẹp nên dễ trong khâu tiêu thụ, chế biến. Do vậy, nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn chọn mua các loại nông sản này để chế biến thức ăn cho thực khách”.
Tại chợ đầu mối rau, củ, quả Long Biên (Hà Nội) trung bình mỗi ngày nhập khoảng 200 – 300 tấn. Hoa quả TQ hiện nay tập trung vào các loại táo, nho, dưa vàng, cam, đào. Còn tại chợ đầu mối phía nam, các mặt hàng nông sản TQ tập trung chủ yếu là: Càrốt, đỗ, tỏi, hành, gừng, bắp cải, chanh...
Vì đây là các chợ đầu mối, nên sau khi thương lái đổ buôn tại đây, những tiểu thương tại chợ hoặc người bán rong lấy hàng chuyển về các chợ dân sinh. Đến tay NTD, hàng TQ thật khó nhận biết mặc dù NTD e ngại hàng TQ sợ thiếu an toàn thì cũng phải chấp nhận. Hầu hết họ đều có chung quan điểm, phải kiểm soát chặt ở cửa khẩu, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý kịp thời, khi hàng đã vào sâu trong nội địa thì NTD phải chịu.
Có thể bạn quan tâm

Với trên 21km bờ biển cùng với hàng ngàn ha bãi triều, Đầm Hà (Quảng Ninh) thực sự giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng hải sản, đặc biệt là những loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá song, cá vược, cua, ngao, tu hài...

6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện Quảng Xương ước đạt 8.749 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, bằng 52,1% kế hoạch; sản lượng chế biến đông lạnh đạt 90.000 tấn, sản phẩm khô 7.500 tấn, nước mắm 8.400 lít, sản phẩm dạng mắm đạt 700 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.367 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 56,4% kế hoạch.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS), tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 14.462 ha, tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 47.890 tấn, tăng 1.778 tấn (3,86%) so với cùng kỳ năm 2013; giá trị sản xuất ước đạt 1.034 tỷ đồng, tăng 38.2 tỷ đồng (3,83%) so với cùng kỳ năm 2013.

Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Khi những con ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi vào bờ, cũng là lúc bà con ngư dân vùng biển bắt đầu một mùa ruốc. Người khiến ruốc vào bờ, người cân ruốc, người phơi ruốc tạo nên không khí đông vui tấp nập tại vùng biển Mỹ Á trong những ngày qua. Theo các ngư dân, địa điểm đánh bắt là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km.

Nhựa cánh kiến đỏ (CKĐ) là sản phẩm được tiết ra từ một loại côn trùng sống tập trung ký sinh trên một số loài cây chủ ngắn ngày và dài ngày. Ngày nay, nhựa CKĐ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt là làm chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy – một loại sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì bằng polyetylen.