Tính kế sách mới cho ngành lúa gạo Việt Nam
Đáng ngại trước những thị trường mới nổi
Theo Bộ NN-PTNT, trong 30 năm qua, từ chỗ thiếu lương thực Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu bình quân khoảng 6 - 7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 - 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo GS-TS Vũ Văn Viết, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tăng trưởng sản xuất lúa gạo của chúng ta trong thời gian qua chủ yếu chạy theo chiều rộng và sản lượng, trong khi còn rất yếu về chế biến sâu nên giá trị từ hạt gạo chưa cao, còn nhiều tổn thất sau thu hoạch.
Nhưng điều đáng lo là hiện nay năng suất cả lúa lai và lúa thuần hiện đã tới hạn, khó có thể tăng thêm được nữa. “Diện tích sản xuất lúa gạo mặc dù đã được quy hoạch nhưng vẫn có thể có xu hướng giảm, mà nếu không thể tăng trưởng về năng suất thì không thể tăng thêm sản lượng nữa” - GS-TS Vũ Văn Viết chia sẻ. Lúa gạo Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc nâng cao chất lượng
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang có những dấu hiệu kém khả năng cạnh tranh so với nhiều quốc gia và thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia, Malaysia… và vẫn đứng sau các nước có truyền thống về lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ.
Điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là chất lượng không cao nên phải bán giá thấp, chỉ tiếp cận được những thị trường dễ tính như Philippines, châu Phi… nhưng trong tương lai cũng có thể bị các thị trường lúa gạo chất lượng hơn thay thế, nếu chúng ta không thay đổi.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan 10 - 15 USD/tấn. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất lúa lại cao hơn rất nhiều các nước, hiện ở mức 13%, trong khi Thái Lan từ 6,1% - 9,1%, Ấn Độ 6%.
Phải bán giá rẻ trong khi hiện nay “đầu ra” cho hạt gạo lại đang khó khăn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn còn giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lúa gạo Việt Nam đang có nguy cơ mất dần vị thế nhưng cơ chế xuất khẩu và sản xuất còn nhiều nghịch lý.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, chia sẻ, xuất khẩu gạo từ đầu năm tới nay mặc dù chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải xin phép mới được xuất. Đây là một nghịch lý cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, mức hạn điền không quá 3ha đối với trồng lúa cũng đang là rào cản cho nông dân tham gia sản xuất lớn.
Phải tái cơ cấu và “lột xác” mạnh mẽ hơn
Tại nhiều cuộc họp về phát triển nền nông nghiệp theo hướng thúc đẩy giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trăn trở nêu ra câu hỏi với các chuyên gia và các cơ quan quản lý: liệu chúng ta có thể tăng thêm năng suất lúa gạo, đẩy mạnh sản lượng thủy sản không? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đã đến lúc không thể chạy theo số lượng, sản lượng mà phải chuyển sang nâng cao giá trị, chất lượng nông sản gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng hàng rào kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh… bằng việc tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT cũng xác định trong những năm tới, lúa gạo vẫn được xem là thế mạnh của ngành nông nghiệp. Trong Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa.
Tuy nhiên, để nâng cao vị thế và giá trị của hạt gạo Việt Nam nhằm đủ sức cạnh tranh với các đối thủ mới nổi, xâm nhập vào những thị trường khó tính, đòi hỏi phải có quy hoạch mang tầm quốc gia và xây dựng được bản đồ lúa gạo, trong đó xác định rõ vùng nào trồng lúa phục vụ xuất khẩu, vùng nào phục vụ tiêu dùng trong nước, vùng nào có thể được phép chuyển đổi sang cây trồng khác.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã cho phép chuyển đổi một phần diện tích từ trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sang trồng bắp và cây ăn quả có giá trị cao hơn so với lúa. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, đây là một chủ trương đúng và vẫn đảm bảo quy hoạch diện tích đất lúa, lúc cần thiết vẫn có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa.
Còn theo TS Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay nông dân trồng lúa đang rất thiếu kiến thức, nhất là thị trường.
Vì vậy cần tập trung nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa cho người trồng lúa, xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng lúa gạo, cần tổ chức lại sản xuất lúa, hướng mạnh vào xây dựng bộ giống chất lượng cao, mang thương hiệu riêng của Việt Nam. “Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, tránh tình trạng trói buộc dẫn tới quyền lợi chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như hiện nay” - TS Trần Văn Khởi đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời điểm hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi vụ 1. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng thời điểm này đang giảm mạnh khiến cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
Dồn về khai thác thủy sản vùng ven biển Sầm Sơn và Tĩnh Gia, 15 tàu cá công suất từ 68 CV đến 120 CV của ngư dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bị lực lượng chức năng tỉnh bắt giữ và xử lý.
Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), tận dụng nguồn nước chảy quanh năm của dòng sông Trà Khúc, 9 năm qua ông Trần Kim Sanh đang có thu nhập cao, ổn định (mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng) nhờ nuôi cá chình trong lồng bè ven sông, sau đây là kinh nghiệm quý báu về nuôi cá chình qua nhiều năm của ông Sanh để bà con tham khảo.
Sau thời gian giá cá lóc nguyên liệu giảm mạnh, chỉ còn ở mức 27.000-28.000 đồng/kg (tháng 4/2014), hiện nay, giá cá lóc đã tăng trở lại từ 40.000-42.000 đồng/kg. Với giá cá lóc thương phẩm như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lợi nhuận từ 8.000-10.000 đồng/kg; nếu 01 ha, nông dân nuôi đúng kỹ thuật, lợi nhuận sẽ trên 01 tỷ đồng/ha.