Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mãng Cầu Tân Phú Sẽ Biến Mất?

Mãng Cầu Tân Phú Sẽ Biến Mất?
Ngày đăng: 13/06/2013

Mãng cầu ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) được coi là trái cây đặc sản vì mùi vị thơm ngon. Một số vườn mãng cầu của huyện từng đạt giải trái ngon, giống tốt các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, diện tích mãng cầu giảm hơn 2/3.

Cây mãng cầu ở huyện Tân Phú được trồng tập trung ở xã Phú Lộc. Nhiều nông dân đã từng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh để mãng cầu ra hoa trái vụ, cho thu nhập 60 - 90 triệu đồng/hécta/năm. Song gần 2 năm trở lại đây, giá cả thất thường kèm theo sâu bệnh khiến nông dân đua nhau chặt mãng cầu.

Đua nhau chặt bỏ

Về xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) dịp này, rất khó tìm những vườn chuyên canh mãng cầu như trước. Bởi người dân đã chặt bỏ để trồng mới hoặc xen canh cà phê, tiêu, dó bầu...

Ông Trần Phước Hội (ấp 4, xã Phú Lộc) - một trong những nông dân từng gắn bó lâu năm với cây mãng cầu cũng đang lần lượt chặt bỏ vườn mãng cầu 2 hécta. Trước đây, ông Hội rất thành công với mô hình thâm canh xử lý cho cây ra hoa trái vụ, nhưng hiện mãng cầu sâu bệnh nhiều, giá giảm mạnh, trong khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày một tăng, tính ra hiệu quả kinh tế thấp hơn một số cây trồng khác nên ông đành chặt bỏ.

Ông Hội cho biết: “Lợi nhuận thu được từ trồng mãng cầu hơn 1 năm nay rất thấp, trong khi chi phí đầu vào lại cao. Do đó, tôi đã chặt bỏ gần hết mãng cầu để trồng cà phê và tiêu. Tới đây, có thêm vốn đầu tư, tôi sẽ tiếp tục chặt bỏ hết mãng cầu để trồng tiêu”.

“Trước đây, 1 hécta mãng cầu lãi trên 80 triệu đồng/năm, nhưng giờ chỉ còn 20 triệu đồng/năm. Vì thế, tôi chặt bỏ để trồng cây dó bầu” - ông Nguyễn Văn Kính, ấp 1, xã Phú Lộc, người hai lần đạt giải nhì mãng cầu ngon, giống tốt vùng Đông Nam bộ, cho biết.

Tương tự, anh Nguyễn Văn On (ấp 2, xã Phú Lộc) - thành viên của Câu lạc bộ mãng cầu xã Phú Lộc, nói: “Hai năm nay, lợi nhuận của cây mãng cầu chỉ bằng nửa cây cà phê nên tôi trồng xen cà phê trong vườn mãng cầu. Hiện tại, tôi chặt bỏ dần mãng cầu để cây cà phê phát triển”.

Khó giữ cây đặc sản

Ông Nguyễn Tấn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, cho biết: “Năm 2009, diện tích cây mãng cầu toàn xã là 900 hécta, nhưng hiện chỉ còn khoảng 200 hécta. Chưa kể, đa số các vườn mãng cầu còn lại đều trồng xen cà phê, tiêu”.

Mãng cầu Tân Phú được thị trường ưa chuộng vì chất lượng tốt, mùi vị đậm đà và ít hạt. Để giúp loại trái cây này có thể vươn xa, chiếm lĩnh thị trường, năm 2011, Sở Khoa học - công nghệ đã hỗ trợ kinh phí và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm mãng cầu Phú Lộc. Ngoài ra, cây mãng cầu Tân Phú còn được phê duyệt đề án hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để phát triển mở rộng vì được xếp vào loại cây đặc sản.

Ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú cho biết: “Cây mãng cầu có ưu điểm chịu được khô hạn hơn các cây trồng khác nên huyện đang khuyến cáo người dân giữ lại và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh, vì qua thời điểm khó khăn này có thể giá sẽ tăng trở lại. Còn chặt bỏ để trồng cây khác cũng khó đảm bảo lợi nhuận vì giá cả nông sản nào hiện cũng bấp bênh”.

Dù có khuyến cáo, nhiều nông dân vẫn quyết tâm chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác, vì cho rằng mãng cầu giờ đây không còn hiệu quả. Nếu không có những giải pháp kịp thời để định hướng cho nông dân thì không bao lâu nữa cây mãng cầu ở Tân Phú sẽ bị xóa sổ.

Hiện nay, giá mãng cầu bán lẻ tại các chợ lớn của TP. Biên Hòa dao động mức 25-30 ngàn đồng/kg. Song giá mãng cầu các nhà vườn Tân Phú bán xô (cả trái đẹp lẫn xấu) chỉ còn 6-8 ngàn đồng/kg. Theo các nhà vườn thì thương lái chỉ mua với giá trên vì chê mãng cầu bị sâu bệnh nhiều nên trái xấu và nhỏ, quá trình vận chuyển tỷ lệ hao hụt cao.


Có thể bạn quan tâm

Người Thì Đói Mà Đất Bỏ Hoang… Người Thì Đói Mà Đất Bỏ Hoang…

Nhận định ấy không phải là không có cơ sở, bởi cùng sống trong một môi trường, hoàn cảnh, điểm xuất phát như nhau; nhưng những người dân chăm lao động, không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước thì cuộc sống đã khá giả...

30/07/2014
Vươn Lên Từ Thất Bại Vươn Lên Từ Thất Bại

Trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2009-2014 của huyện Tủa Chùa đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, trong đó có cựu chiến binh Lê Mạnh Cường, ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tủa Chùa.

30/07/2014
Tập Trung Phòng, Chống Bệnh Đạo Ôn Hại Lúa Tập Trung Phòng, Chống Bệnh Đạo Ôn Hại Lúa

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống lúa vụ 3 gần 110.000ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Trong thời gian gần đây, do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn và thối thân vi khuẩn phát triển, lây lan trên diện rộng.

30/07/2014
Giá Lúa Hè Thu Tăng Mạnh Giá Lúa Hè Thu Tăng Mạnh

Ngày 28/7/2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam ra thông báo điều chỉnh giá gạo xuất khẩu. Theo đó, giá tối thiểu đối với gạo loại 25% tấm đóng bao 50kg/bao, theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam là 410 USD/tấn/FOB, tăng 35 USD/ tấn/FOB so với lần công bố vào ngày 18/7. Mặc dù năng suất lúa vụ hè thu có giảm so với cùng kì năm ngoái, song với mức giá hiện tại nhiều nông dân vẫn rất phấn khởi vì lợi nhuận được đảm bảo.

30/07/2014
Nông Dân Sản Xuất Rau Màu Mùa Lũ Đón Giá Nông Dân Sản Xuất Rau Màu Mùa Lũ Đón Giá

Nông dân sản xuất rau màu huyện Hồng Ngự cho rằng, nếu sản lượng nông sản không bị “dội hàng” thì thu nhập từ sản xuất hoa màu, đặc biệt sản xuất trong mùa lũ...

30/07/2014