Tín Hiệu Khả Quan Cho Xuất Khẩu Cao Su
Năm 2014 tiếp tục là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) nói riêng. Tuy nhiên, Vinachem đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch mà điểm sáng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu sản phẩm cao su.
Các chỉ tiêu đều đạtNăm 2014, các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của Vinachem đều đạt, trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 42.392 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2013; doanh thu đạt 46.016 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013; nộp ngân sách đạt 2.523 tỷ đồng, tương đương năm 2013; lợi nhuận đạt 2.776 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/ tháng.
Các sản phẩm chủ yếu như phân bón, cao su, apatit… vẫn giữ vững và ổn định năng lực sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ, nhất là mặt hàng phân bón.
Vinachem đã đạt mốc sản lượng kế hoạch sản xuất phân bón các loại tương đương với năm 2013, trong đó: supe lân đạt 978 nghìn tấn, bằng 99,2% so với năm 2013; lân nung chảy đạt 580 nghìn tấn, bằng 108,1% so với năm 2013; phân đạm urê trên 546 nghìn tấn, bằng 109,1% so với năm 2013; phân DAP đạt 284,421 nghìn tấn, tăng 31,3% so với năm 2013 và phân hỗn hợp NPK đạt gần 1,9 triệu tấn, bằng 100,8% so với năm 2013.
Năm 2015, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 45.446 tỷ đồng, tăng 7,2%; doanh thu phấn đấu đạt 49.240 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận phấn đấu không thấp hơn năm 2014 và tiền lương tăng hơn 5% so với năm 2014.
Tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cao su
Năm 2014 là một năm thuận lợi với ngành sản xuất sản phẩm cao su, đặc biệt là xuất khẩu. Do giá cao su nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức thấp giúp các đơn vị chủ động nguồn cung cấp, giảm giá thành sản phẩm dẫn đến nâng sức cạnh tranh.
Các đơn vị là Công ty Cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina) và Cao su Đà Nẵng (DRC) đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lốp radial toàn thép công nghệ cao. Đây là cơ hội để hai đơn vị tăng sản lượng tiêu thụ, tăng doanh thu khi mà nhu cầu dùng lốp radial công nghệ cao thay thế lốp bias truyền thống đang tăng nhanh.
Cũng chính sản phẩm lốp radial đã đem lại doanh thu xuất khẩu cao cho các doanh nghiệp với sản lượng xuất khẩu sản phẩm cao su tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, do giá giảm nên giá trị xuất khẩu không tăng, ước đạt 63,9 triệu USD, bằng 100% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn.
Trong đó, Casumina xuất khẩu đạt 42,3 triệu USD, DRC đạt 18 triệu USD (tăng 15,8%), Cao su Sao Vàng đạt 3,5 triệu USD. Các loại săm lốp xuất khẩu cũng đều tăng trong đó, lốp ôtô đạt 527 nghìn chiếc, tăng 3,5%; săm ôtô đạt 265 nghìn chiếc, tăng 6,4%, lốp xe máy đạt 1,2 triệu chiếc, tăng 19,6% so với năm 2013.
Doanh thu xuất khẩu đã góp phần rất quan trọng với việc thực hiện kế hoạch của mỗi đơn vị. Ông Phạm Hồng Phú - Tổng giám đốc Casumina - cho biết, năm 2014, công ty tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu. Thị trường chính của Casumina vẫn là các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, các nước Trung Đông, Cuba… Năm 2015, Mỹ là thị trường mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu của công ty.
Mới đây nhất, ngày 5/1, Casumina đã thỏa thuận với đối tác Mỹ về việc xuất khẩu lốp xe radial toàn thép sang thị trường này trong năm 2015. Theo đó, tổng số lượng lốp xe mà công ty xuất sang thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm đạt khoảng 200.000 chiếc, với tổng giá trị lên tới gần 57 triệu USD. Để đạt được đơn hàng này, từ năm 2014, công ty đã đổi mới công nghệ và đầu tư sản xuất sản phẩm độc đáo là lốp ôtô toàn thép.
Việc sản xuất loại lốp xe mới này đã tạo cơ hội cho công ty mở ra hướng đi tiếp cận với kỹ thuật công nghệ cao, loại bỏ dần các chủng loại sản phẩm ít tính năng, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại, tăng tiện ích cho người tiêu dùng. Đây cũng là bàn đạp giúp Casumina mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và các nước lân cận.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, hiện tượng “vàng đầu” trên cam sành ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đó đã gây hoang mang, lo lắng cho không ít nhà vườn ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Bởi loại bệnh này chưa xác định rõ nguyên nhân và chưa có thuốc khống chế hữu hiệu.
Nhiều nhà vườn kêu trời vì giá xoài hiện đang giảm mạnh. Tại chợ Vĩnh Long, xoài đổ đống giá chỉ vài ngàn đồng/kg, tại các chợ huyện Long Hồ, Mang Thít nhiều loại xoài giá chỉ từ 5.000- 10.000 đ/kg. Theo các thương lái, xoài đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng chỉ tiêu thụ nội địa nên thị trường “ăn không hết”.
Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đã dư sức sản xuất những giống lúa thơm chất lượng cao để làm ra gạo trị giá 600 - 800 USD/tấn.
Thay vì sản xuất tự phát, manh mún, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định đã tập hợp lại thành CLB Nuôi trồng thủy sản 2, để các thành viên liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm hạn chế thấp nhất rủi roi...
Buổi chiều trên đồi A1. Chúng tôi nhìn về cánh đồng Mường Thanh, bây giờ đang là tháng Tư, lúa đương thì con gái. Cả không gian xa và rộng trải dài một màu xanh bất tận, vút tầm mắt... Nơi đây cho hạt gạo tám Điện Biên lừng danh.