Tìm lời giải cho bài toán bớt lúa thêm bắp
Các số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, ước tính nước ta đã nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn bắp (tăng 2,41 lần), với kim ngạch gần 600 triệu đô la Mỹ (tăng 87,2%).
Do vậy, đã có ý kiến lo ngại rằng, lượng bắp nhập khẩu cả năm có thể đạt khoảng 4,5 triệu tấn, còn kim ngạch có thể vượt qua con số 1 tỉ đô la Mỹ.Tuy nhiên, rất có thể dự báo này là thiếu cơ sở, bởi hai lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, bắp nhập khẩu là để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Sản xuất mặt hàng này sáu tháng đầu năm tuy đạt con số rất ấn tượng hơn sáu triệu tấn nhưng chỉ nhúc nhích tăng 3,8%.
Do vậy, nếu như sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng “sốc” hơn 30% như kịch bản năm 2013 thì tổng sản lượng cả năm cũng chỉ dao động xung quanh ngưỡng 14 triệu tấn và mức tăng chung cũng rất khó vượt qua ngưỡng 4%.
Thứ hai, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy vụ đông xuân năm nay nước ta mất mùa bắp, nhưng do diện tích vẫn tăng, nên sản lượng giảm không đáng kể.
Còn hiện tại, diện tích trồng bắp vẫn tiếp tục tăng nhẹ.
Những thực tế này cho phép khẳng định nhập khẩu bắp tăng cao như vậy không phải do cung trong nước giảm mạnh, trong khi chăn nuôi theo quy mô công nghiệp tăng, kéo theo nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.
Nhập khẩu bắp tăng chỉ có thể là do giá bắp nhập khẩu “rơi tự do”.
Giá bắp nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm ngoái tuy diễn biến theo xu hướng giảm song vẫn còn trên ngưỡng 300 đô la Mỹ/tấn.
Thế nhưng, từ tháng 12 năm ngoái đến nay, giá bắp nhập khẩu chỉ dao động xung quanh 260 đô la Mỹ/tấn.
Điều này có nghĩa là, tồn kho bắp của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang rất lớn, cho nên nhập khẩu gần như chắc chắn sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới, cho dù giá bắp thế giới, theo dự báo của các định chế tài chính quốc tế, sẽ tiếp tục giảm.
Điều kiện để chuyển đổi thành công
Bên cạnh việc phải tăng năng suất bắp, vấn đề tổ chức sản xuất và hệ thống hậu cần cũng là những yếu tố rất quan trọng.
Nếu như năm nay đã là năm thứ ba nông dân trồng lúa nước ta gặp khó và có thể năm 2015 cũng chưa hết khó, thì năm nay người trồng bắp mới bắt đầu nếm vị đắng này.
Thị trường bắp, cũng như thị trường lúa gạo nước ta, với thị trường thế giới không khác gì những chiếc bình thông nhau.
Do vậy, ý kiến cho rằng cần giảm mạnh diện tích lúa để tăng mạnh diện tích bắp do tiền xuất khẩu gạo không đủ để nhập khẩu bắp và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là...
không tưởng.
Trong điều kiện cùng gặp khó như vậy thì loại cây nào có sức cạnh tranh tốt hơn sẽ đỡ khó khăn hơn và ngược lại.
Xét trên phương diện này, tuy vẫn chưa ở “mức đỉnh” của thế giới, nhưng với năng suất đứng đầu khu vực Đông Nam Á, rõ ràng cây lúa nước của nước ta có sức cạnh tranh vượt trội so với bắp, bởi năng suất bắp của nước ta vẫn còn thấp xa so với năng suất bình quân của thế giới.
Mặc dù vậy, với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiềm năng phát triển cây bắp là không hề nhỏ.
Năng suất bắp ở đây có thể cao gần gấp đôi so với năng suất bình quân của cả nước và “ngang ngửa” với năng suất bắp của Mỹ.
Trong khi đó, không phải ở địa phương nào của vùng ĐBSCL cây lúa cũng có sức cạnh tranh như nhau.
Bằng chứng là, để nông dân có lãi 30%, trong khi giá lúa vụ đông xuân vừa qua ở Sóc Trăng chỉ cần đạt 4.209 đồng/ki lô gam thì ở Bến Tre phải cao chót vót 5.569 đồng/ki lô gam, hoặc ở Hậu Giang và Đồng Tháp phải đạt hơn 5.400 đồng/ki lô gam...
Vì vậy, để giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo, cần chuyển bớt những vùng sản xuất lúa không có hiệu quả sang sản xuất bắp.
Nhưng điều kiện tiên quyết để chuyển đổi thành công là năng suất bắp phải đủ cao để nông dân không phải đối mặt với thua lỗ khi giá thế giới hạ như hiện nay.
Không những vậy, cho dù các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có thể mua bắp trong nước với giá cao hơn giá nhập khẩu, bởi chất lượng bắp trong nước cao hơn, nhưng rõ ràng là họ không thể mua gom bắp của những nông dân sản xuất nhỏ lẻ ở các khu vực khác nhau.
Do vậy, cần phải hình thành các khu vực chuyên canh bắp.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi “ngán” bắp trong nước là bắp mua của nông dân có độ ẩm rất cao, mà quá trình phơi sấy lại rất rườm rà, phức tạp.
Cần khắc phục điểm yếu này.
Nói tóm lại, nhu cầu bắp của nước ta chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhưng để bắp trong nước giành được thị trường này, nó phải có sức cạnh tranh.
Bên cạnh việc phải tăng năng suất bắp, vấn đề tổ chức sản xuất và hệ thống hậu cần cũng là những yếu tố rất quan trọng.
Làm được như vậy thì bài toán bớt lúa, tăng bắp mới có lời giải.
Nếu không, nông dân nước ta sẽ tiếp tục khó khăn với cây trồng đang rất được kỳ vọng này.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, liên tục có thêm các tỉnh, thành phố công bố xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm. Tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) nói riêng cũng như cả tỉnh nói chung, công tác phòng chống dịch đang được tích cực triển khai nhưng giá cả và sức mua mặt hàng này đã tụt dốc, khiến người nuôi lỗ nặng.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa" được Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa thực hiện trong giai đoạn 2012-2014. Sau thành công của mô hình trồng thử nghiệm trong vụ đông xuân năm 2012 – 2013, đề tài tiếp tục được mở rộng và đạt kết quả khả quan.
Vùng đất cát ven biển Phan Rang, Ninh Hải (Ninh Thuận) thời tiết quanh năm nắng gió rất thuận lợi cho nghề trồng tỏi phát triển.
Cây tỏi sạch bệnh hơn, năng suất cao hơn trong khi lượng giống và phân bón giảm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn... Đó là kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa”.
Thời gian qua, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo uy tín cho người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.