Mấy năm gần đây, dọc theo tỉnh lộ 56B, đoạn qua xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam xuất hiện một chợ lợn ngang nhiên hoạt động tự phát. Suốt cả đoạn đường gần 100m, hai bên đường đều được quây thành chuồng nhốt lợn, thu hút hàng trăm người mua, người bán từ nhiều tỉnh lân cận. Chợ lợn An Nội mỗi ngày luân chuyển từ năm nghìn đến bảy nghìn con lợn, trở thành điểm tiêu thụ lợn lớn nhất miền bắc...
Tự nhiên... thành chợ
An Nội là một trong những xã điểm của huyện Bình Lục trong phát triển mô hình chăn nuôi trang trại. Do có địa bàn dân cư hết sức thuận lợi, lại giáp sông, giáp đường, cho nên người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi. Nhờ phong trào chăn nuôi lợn phát triển đã khiến chợ lợn An Nội được hình thành hết sức tự nhiên.
Chừng năm, bảy năm trước, ban đầu, một vài người dân có nhà mặt đường tỉnh lộ buộc lợn ở ngay mặt đường, rồi cũng có người mua. Dần dần, người dân trong xã, đến kỳ bán cũng mang lợn ra đó để quây nhốt. Các hộ dân có nhà mặt đường cũng quây chuồng trại và bắt đầu tham gia mua đi, bán lại. Thế là thành chợ. Bây giờ thì chợ lợn An Nội đã nổi tiếng, tập trung rất nhiều các lái buôn ở Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Nội... thậm chí lợn còn được chuyển từ trong nam ra An Nội. Theo cách tính trung bình của người dân nơi đây, mỗi ngày An Nội đón và xuất bến hàng trăm lượt xe, từ xe kéo thô sơ đến xe tải nặng. Cảnh mua và bán tấp nập đã khiến cho giao thông đoạn qua xã An Nội thường xuyên ùn tắc trong thời gian "họp chợ".
Vào thời điểm tỉnh Hà Nam chưa công bố dịch lợn tai xanh, mỗi ngày chợ An Nội giết mổ, mua, bán năm nghìn đến bảy nghìn con lợn. Chợ thường họp từ đầu giờ chiều và kéo dài cho đến tận xẩm tối. Không chỉ có những giao dịch mua bán lợn, tại An Nội còn hình thành nên dịch vụ chăm sóc, cho thuê chuồng trại hết sức đặc biệt. Những con lợn còn tồn lại sau mỗi phiên chợ, đều được các lái lợn kiên nhẫn thuê chuồng trại và thuê người chăm sóc đến khi tiêu thụ bằng hết với tiền công gần 100 nghìn đồng/con lợn.
Tiềm ẩn nguy cơ trở thành trạm trung chuyển dịch
Có tận mắt chứng kiến và tham gia vào phiên chợ lợn mới thấy hết mối nguy hiểm về dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào tại những chợ lợn tự phát như ở An Nội. Ðặc biệt trong thời điểm dịch tai xanh trên lợn đang bùng phát. Trong khi người dân khu vực phía nam còn đang hoang mang với thịt lợn được nuôi từ các chất phụ gia, thì người dân miền bắc dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc. Những con lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch được tập trung về An Nội rồi phân bổ đến tay người tiêu dùng qua các đầu mối thương lái mà không qua việc kiểm dịch ở địa phương. Với người dân An Nội, dường như "miễn dịch" với các loại dịch...
Bốn giờ chiều. Những chiếc xe trọng tải nhỏ, xe lôi tự tạo liên tục xuất bến. Phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được lái xe Nguyễn Mạnh Hùng, đến từ Hải Dương. Anh Hùng cho biết: "Nhận vận chuyển lợn từ Hải Dương về chợ lợn Hà Nam, sau đó lại tiếp tục chuyển đến các lò mổ. Tiền công được tính theo trọng lượng hàng và số km vận chuyển. Mỗi ngày ít thì khoảng hơn một triệu đồng nếu nhiều thì công có thể cao hơn". Khi được hỏi về nguồn gốc trước khi lợn xuất bến, hầu hết các lái xe đều không đưa ra được câu trả lời, hoặc chỉ trả lời một cách qua loa là: chỉ biết nhận chở thuê còn lái buôn thu mua ở đâu thì không biết. Chỉ biết rằng khi xe vừa đến chợ có con lợn đã chết từ lúc nào, có con cả bốn móng đều bị lột sạch, máu chảy đỏ cả sàn xe.
Thế nhưng, việc buôn bán không vì thế mà bị gián đoạn, lợn ốm chết được mổ đi bán ngay tại chợ gần, con khỏe hơn tiếp tục đưa đi bán lại. Bà Nguyễn Thị An, một người dân xã An Nội cho biết, giá lợn bệnh rất rẻ, chỉ từ 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/con, thương lái thu mua rồi thuê người mổ ngay tại chợ, sau đó đem tiêu thụ ở những khu vực lân cận thu lợi hàng triệu đồng.
Vẫn biết việc tiêu thụ lợn bệnh là phạm pháp, việc giết mổ tại chỗ không bảo đảm vệ sinh an toàn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhưng do phải đầu tư tiền mua con giống, cộng với thức ăn chăn nuôi tăng giá mỗi ngày (khoảng 300 nghìn đồng/bao), thêm các chi phí phụ khác, khi xuất chuồng người chăn nuôi dường như không có lãi, thậm chí chỉ là hòa vốn, trong trường hợp xấu nhất, lợn bị dịch bệnh, chết hàng loạt thì sự phá sản chính là cái kết dành cho người chăn nuôi.
Ðã có nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu do không có tiền trả nợ ngân hàng, và cũng có không ít chủ trang trại, để giảm tổn thất đã không ngần ngại bắt tay với thương lái tiêu thụ lợn bệnh tại các khu chợ dân sinh. Nhìn những phản thịt ngồn ngộn được bày bán khắp các chợ, người tiêu dùng đến không thể phát hiện ra đâu là thịt lợn bệnh. Do không có dấu kiểm dịch, nên hầu hết thịt bày bán trong các chợ quê đều giống nhau.
Anh Thành, một chủ trang trại lớn, quy mô hàng trăm con, đã có 15 năm trong nghề chăn nuôi của thôn Trung Lang, xã An Nội không giấu được sự lo lắng khi đàn lợn hàng trăm con đã xuất hiện những dấu hiệu phát bệnh. Dù đã rất chú ý vệ sinh chuồng trại và đưa ra những quy định khắt khe như mặc đồ bảo hộ khi cho lợn ăn, không cho người lạ tiếp xúc với đàn lợn, thậm chí đến cả người trong gia đình, nhưng vẫn không tránh khỏi dịch bệnh. Ðàn lợn của anh buổi sáng còn khỏe, ăn rất bình thường nhưng chỉ vài giờ sau đã chết hàng loạt khiến anh không kịp trở tay. Ðã 15 năm nay, chưa bao giờ An Nội lại gặp đại dịch như vậy.
Khi được hỏi về công tác chữa trị và khai báo dịch bệnh với chính quyền và cơ quan thú y khi đàn lợn mắc bệnh, anh Thành cho biết: Thường thì các chủ nuôi tự mình xử lý bằng cách tự chôn, một số người tiếc thì bán rẻ cho các lái buôn, thậm chí còn cho không. Mức độ hỗ trợ của Nhà nước chỉ khoảng hơn 20 nghìn đồng/kg thịt, thêm vào đó là những thủ tục rườm rà khiến cho người dân không chủ động thông báo dịch bệnh cho chính quyền.
Ðể tránh bị phá sản, chủ nuôi phải lựa chọn, tiếp tục "đánh bạc" để nuôi hoặc bán rẻ cho các lái buôn. Mặc dù dịch bệnh đang bùng phát nhưng những lái buôn lúc nào cũng sẵn sàng tìm đến từng hộ để tận thu với giá rẻ. Do không được kiểm dịch cho nên việc tiêu thụ lợn bệnh thật sự là mối nguy hại khôn lường đối với người tiêu dùng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục Tống Ðức Du tâm sự: "Các chủ trương, chính sách hỗ trợ chăn nuôi tại Hà Nam chủ yếu là do tỉnh ban hành và chúng tôi chỉ tiếp nhận và triển khai. Ðiều kiện địa phương còn nghèo cho nên gặp khó khăn trong công tác khuyến khích chăn nuôi cũng như kiểm soát dịch bệnh. Tại khu chợ lợn xã An Nội chúng tôi rất khó quản lý và giám sát. Hiện tại, nó vẫn đang hoạt động một cách tự phát...".
Cũng chính vì chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc, cho nên việc tranh mua, tranh bán, việc giết mổ tự phát đã làm cho môi trường tự nhiên tại An Nội cũng như những khu vực lân cận bị ô nhiễm nặng nề. Cùng với đó là những lỗ hổng trong công tác kiểm dịch đã trở thành mối họa tiềm ẩn về một đại dịch có thể bùng phát, đe dọa tính mạng của người dân tại An Nội và nhiều địa phương trong cả nước.
Với quyết tâm đưa chăn nuôi trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, việc hình thành một chợ có quy mô như An Nội giúp người dân nông thôn thuận lợi hơn rất nhiều trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tìm mua nguồn giống... Thế nhưng, huyện Bình Lục nói chung và xã An Nội nói riêng còn lúng túng chưa tìm được hướng đi cụ thể cũng như có kế hoạch phát triển chăn nuôi với quy mô tổng đàn lớn.
Bên cạnh đó là công tác phòng ngừa dịch bệnh vẫn chưa được coi trọng. Mặc dù tỉnh Hà Nam đã có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như đầu tư 600 triệu đồng cho một trang trại chăn nuôi tập trung, hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi làm đệm lót sinh học với mức 165 nghìn đồng/m2 để giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, tỉnh cũng có dự án xây dựng một khu chợ lợn quy mô có dây chuyền chế biến, giết mổ, cũng như kiểm dịch, vừa bảo đảm vệ sinh, không gây mất trật tự và ùn tắc giao thông. Dự án với quy mô 10 ha gồm những cơ sở buôn bán lợn sống, và chế biến sản phẩm từ thịt theo một dây chuyền khép kín.
Vẫn biết, dự án này sớm đi vào hiện thực cũng đồng nghĩa với việc chợ lợn An Nội hiện nay sẽ bị xóa sổ, hoạt động mua bán lợn và phòng ngừa dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Nhưng, từ nay đến ngày đó, chợ lợn An Nội vẫn là điểm nhức nhối, cần được các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm soát, nhất là khi dịch tai xanh trên đàn lợn đang bùng phát mạnh ở miền bắc.