Tìm Giải Pháp Ổn Định Đầu Ra Cho Con Cá Tra
Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương vừa làm việc với TP Cần Thơ về tình hình thực hiện liên kết vùng và tái cấu trúc ngành nông nghiệp thành phố, đặc biệt là tái cấu trúc ngành cá tra.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, muốn tái cấu trúc và phát triển ngành cá tra bền vững, cần tập trung giải quyết các bất cập dẫn đến tình trạng "bấp bênh" về giá cả đầu ra của con cá tra thời gian qua…
Giá cá tra bấp bênh
ĐBSCL có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá tra và con cá tra đã từng mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển "hoàng kim", kể từ năm 2008 đến nay, ngành cá tra đã rơi vào tình cảnh rất khó khăn do giá cả đầu ra sản phẩm thường xuyên bấp bênh, thị trường xuất khẩu vấp phải nhiều rào cản.
Nhiều nông hộ và doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu đã phá sản và lâm vào cảnh nợ nần, những người còn cầm cự được cũng đang rất khó khăn vì giá thành nuôi cao hơn giá bán cá nguyên liệu; hộ nuôi và doanh nghiệp thiếu vốn và khó tiếp cận vốn ngân hàng. Đó là chưa kể đến rủi ro do các yếu tố môi trường, dịch bệnh.
Ngành cá tra đã và đang giúp giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.
Theo thống kê của ngành chức năng, trong 9 tháng đầu năm 2013, giá cá nguyên liệu chỉ ở mức 18.500-23.500 đồng/kg. Do vậy, có nhiều thời điểm nông dân nuôi cá tra bị lỗ bình quân 1.000-6.000 đồng/kg do giá thành sản xuất cá tra từ 22.500-24.500 đồng/kg.
Tháng 10-2013, giá cá tra nguyên liệu tăng lên mức 24.500-25.000 đồng/kg, nhưng bước sang đầu năm 2014 giá chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg. Đến tháng 4-2014, giá cá tra nguyên liệu tăng lên ở mức 24.500-25.500 đồng/kg, giúp người nuôi cá tra có thể kiếm lời từ 1.500-2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, mức giá này không được duy trì lâu; giá cá tra nguyên liệu hiện giảm trở lại 2.000-2.500 đồng/kg, xuống phổ biến còn 22.500-23.000 đồng/kg, khiến cho nhiều hộ nuôi cá tra không còn cơ hội kiếm lời, nhất là khi nhiều doanh nghiệp chậm trả tiền mua cá của dân trong một thời gian dài.
Trên thực tế, giá cá tra xuất khẩu thời gian qua cũng thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Giá xuất khẩu cá tra phi lê từ khoảng 4 USD/kg đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 2 USD/kg trong nhiều thời điểm của các năm gần đây. Từ đó làm cho giá bán cá tra nguyên liệu trong nước thường xuyên ở mức dưới giá thành sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng phát triển "nóng" làm cung vượt cầu và có nhiều doanh nghiệp "tranh mua, tranh bán", thậm chí cố tình hạ giá bán sản phẩm xuống dưới mức giá thành để xuất khẩu được hàng. Điều đó giúp cho doanh nghiệp có thể giải quyết một số khó khăn trước mắt, nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về lâu dài cho doanh nghiệp và cả ngành cá tra trong nước. Ngành cá tra đang cần tái cơ cấu toàn diện để phát triển bền vững.
Cần giải pháp đồng bộ
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương về tình hình thực hiện liên kết vùng và tái cấu trúc ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng, cần giảm sản lượng nuôi cá tra và tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết vùng.
Gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm để chấm dứt tình trạng phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm. Cần "phân khúc" lại chuỗi giá trị để tránh tình trạng độc quyền khi doanh nghiệp nắm quyền quyết định ở tất cả các khâu từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu. Bởi điều này dễ làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho nông dân.
Ngoài ra, cần tăng cường việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất đầu vào và siết chặt việc quản lý chất lượng sản phẩm, quan tâm công tác xây dựng thương hiệu, hình ảnh đẹp cho con cá tra Việt Nam. Có như vậy, mới từng bước ổn định được đầu ra sản phẩm và phát triển bền vững cho con cá tra tại ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, tái cấu trúc ngành cá tra không nên chạy theo số lượng mà phải tính chuyện phát triển nuôi và xuất khẩu cá tra với số lượng vừa phải để đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao cho đất nước.
Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành đã có các quy định cụ thể về điều kiện nuôi, chế biến cá tra; điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm siết chặt việc quản lý sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Sự ra đời của Nghị định này, cùng sự vào cuộc tích cực của các bên có liên quan, ngành cá tra nước ta sẽ có điều kiện khôi phục và phát triển tốt trở lại. "Thời gian qua, có tình trạng sau khi tham gia nuôi cá tra, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã ép giá thu mua cá của nông dân, lúc giá cao doanh nghiệp bắt cá nhà để xuất khẩu, lúc giá rẻ mới mua cá bên ngoài.
Khi đã ôm luôn cả khâu nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp phải lệ thuộc nhiều vào ngân hàng mới đảm bảo có vốn hoạt động, nhiều lúc để có vốn xoay vòng trả lãi cho ngân hàng doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá xuất khẩu sản phẩm cá tra xuống. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét việc "phân khúc lại" chuỗi giá trị cá tra, không nên để doanh nghiệp ôm cả chuỗi và phát sinh tình trạng độc quyền"- ông Nguyễn Minh Toại lưu ý.
Xét về mặt nào đó, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu kiêm luôn việc nuôi trồng sẽ có ích cho doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn nguyên liệu và phát triển sản xuất đáp ứng nhanh theo các yêu cầu của nhà nhập khẩu hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất dễ gặp các rủi ro, nhất là về vốn.
Nếu doanh nghiệp có vùng nuôi và sản lượng xuất khẩu lớn bị thua lỗ sẽ gây ảnh hưởng lớn cho nền kinh tế-xã hội và có thể bị các công ty nước ngoài thôn tính các vùng nuôi. Chính vì vậy, để phát triển bền vững con cá tra rất cần phải phát huy vai trò tích cực của các nông hộ.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: "Không chỉ đối với con cá tra mà các ngành hàng sản xuất nông sản khác có liên quan đến nhiều địa phương và nhiều khâu trong chuỗi giá trị thì cũng rất cần thực hiện tốt việc liên kết vùng và liên kết giữa các bên có liên quan. Qua đó, mới thực hiện tốt được việc điều tiết sản lượng và quản lý nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm".
Theo ông Quỳnh, thời gian qua dù Nhà nước đã có các cơ chế chính sách khuyến khích, nhưng liên kết giữa các địa phương và trong từng chuỗi giá trị ngành hàng vẫn còn hạn chế do thiếu chính sách tác động và bắt buộc các bên có liên quan phải thực hiện liên kết và phát huy vai trò, nghĩa vụ của mình đối với ngành hàng. Nhà nước cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích trong liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ cá tra và các loại nông sản nói chung.
Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương, cho biết, sau khi có các buổi làm việc và ghi nhận các kiến nghị của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương sẽ có tổng hợp, đề xuất tham mưu với lãnh đạo Trung ương nhằm đưa ra các quyết sách giúp đẩy mạnh liên kết vùng và giúp tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nhất là đối với con cá tra một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại hoa màu khác không chỉ giúp giảm lượng hàng hóa nhập khẩu mà còn cân đối lại lượng lúa gạo hiện dư thừa và bảo vệ độ màu mỡ của đất đai.
Theo anh Quàng Văn Phiêu ở bản Pó Lý, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn (Sơn La): “Chăn nuôi rất quan trọng với kinh tế hộ. Dù nghèo nhưng nếu nuôi thêm được 5-7 mái gà, 1-2 con lợn hoặc 3-4 con dê là mỗi năm tăng thu thêm tiền triệu đấy...”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện phương châm giải quyết đất lâm nghiệp bị bao chiếm đến đâu, thì tổ chức trồng rừng đến đó.
Sau nhiều năm nghiên cứu, lần đầu tiên nông dân huyện Sìn Hồ đã thực hiện trồng thử nghiệm trên diện rộng 146ha ngô vụ đông với các giống chịu lạnh tốt như: CP333, MX4.
Chiều 18/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra sản xuất và tình hình sâu bệnh vụ xuân 2014 tại huyện Thạch Hà và Lộc Hà.