Trong những ngày này, về miệt Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông (Tân Phước), những vùng trồng chuyên canh khoai mỡ nổi tiếng nhất Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), mọi người đều bắt gặp không khí lao động sản xuất nhộn nhịp mùa thu hoạch nông sản. Người cào cỏ, kẻ đào, người xếp khoai vào sọt để cân rồi chuyển xuống ghe xuồng theo chân thương lái đưa đi tiêu thụ khắp các nơi. Bà con năm nay hết sức phấn khởi vì trúng mùa trúng giá.
Anh Chín Hải, người chuyên canh khoai mỡ ở Thạnh Mỹ cho biết: "Lâu lắm rồi, nông dân tụi tôi mới giành một vụ khoai thắng lợi mỹ mãn. Khoai đầu vụ có giá 12.000 - 13.000 đ/kg, cao nhất từ trước đến nay, vào vụ thu hoạch rộ, khoai vẫn giữ giá 8.000 đ - 9.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi ha bà con đạt lợi nhuận ròng hàng trăm triệu đồng". Anh Chín Hải hiện trồng 3 ha khoai mỡ, có thâm niên gần 20 năm gắn bó với cây khoai mỡ, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thâm canh năm nào anh cũng đạt năng suất cao.
Vụ khoai 2012, anh trồng các giống khoai tím than, tím bông lau chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, năng suất bình quân trên 10 tấn/ ha, giá bán gần 12.000 đ/kg, sau vụ sản xuất anh lãi ròng trên 200 triệu đồng. Anh Chín Hải còn biết xây dựng cơ cấu mùa vụ và cây trồng hợp lý thông qua mô hình khoai mỡ + đậu phộng. Sau vụ khoai, anh trồng tiếp thêm 1 vụ đậu phộng (lạc). Cây đậu phộng tuy trồng ở đây năng suất không cao, nhưng bù lại tái tạo độ phì cho đất canh tác để sang năm trồng tiếp khoai mỡ bội thu.
Cùng thành công với anh Chín Hải còn có rất nhiều nông dân năng động khác của vùng chuyên canh khoai mỡ Tân Phước khác như: Lê Việt Hà, Phạm Văn Đực... Anh Lê Việt Hà (Tân Hòa Đông, Tân Phước) trồng 2 ha khoai mỡ, đạt sản lượng 25 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. Ông Đực Hai, cũng ở Tân Hòa Đông, trồng 5 ha khoai mỡ, sau vụ thu hoạch bỏ túi gần nửa tỉ đồng. Các nông dân giỏi trên có chung đức tính: Cần mẫn, nhạy bén áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh vào quá trình sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao, biết lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp.
Hơn thế nữa, bà con còn biết bố trí lịch thời vụ hợp lý, chủ động xuống giống sớm, để có khoai thu hoạch bán vào mùa nghịch được giá cao hơn. Cách làm của những nông dân giỏi trồng khoai mỡ: Thông thường khoai chính vụ xuống giống tháng 10 - 11 âl năm trước để đến tháng 5 - 6 âl năm sau thu hoạch. Bà con làm khác hơn một chút. Đắp đê bao lửng nhằm chủ động bơm tát chống úng, làm đất, xuống giống khoai vào tháng 9 - 10 âl, sớm hơn một tháng so với chính vụ để thu hoạch vào sau Tết Nguyên đán - thời điểm khoai mỡ rất có giá.
Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước cho biết, khoai mỡ là cây trồng truyền thống thích hợp với đặc thù đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, cho năng suất cao. Tân Phước đã định hình vùng trồng khoai mỡ chuyên canh hàng ngàn ha tại các xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh - lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho sản lượng mỗi năm hàng chục ngàn tấn khoai mỡ cung ứng cho thị trường tiêu thụ các tỉnh phía Nam. Hiện nay, khoai mỡ Tân Phước đang vào vụ thu hoạch rộ, kéo dài cho đến tận tháng 5 âl tới. Đáng mừng là sau trận lũ lụt lớn 2011 vừa qua, trà khoai của Tân Phước phát triển tốt, trúng mùa, khoai chất lượng tốt và giá tiêu thụ cao kỷ lục. Gần như 100% hộ nông dân trồng khoai đều bội thu.