Tìm giải pháp giúp con tôm phát triển bền vững
Người nuôi tôm gặp khó
Báo cáo tình hình nuôi tôm nước lợ trong 6 tháng đầu năm 2015, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết: Vụ tôm nước lợ năm nay diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết như nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sớm, mưa trái mùa, nguồn nước cấp nước bị ô nhiễm… khiến dịch bệnh phát triển, làm chết tôm nuôi, giảm sản lượng thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi. Đặc biệt là giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh (giảm 20% - 30%) so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm không giảm, nhiều loại còn tăng giá. Vì vậy, những tháng đầu năm 2015 tiến độ triển khai vụ nuôi tôm nước lợ chậm so với kế hoạch, chưa đạt cả về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch. Tính đến thời điểm này, 28 tỉnh trên phạm vi cả nước đã thả nuôi 616.480ha, bằng 96% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch chỉ đạt 230.910 tấn (đạt hơn 32% kế hoạch và bằng 87% so với cùng kỳ). 6 tháng đầu năm 2015, tôm nước lợ chế biến xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2014).
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết: “Chưa có lúc nào Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh… bi đát như thế này. 6 tháng đầu năm, các thành viên trong hiệp hội chỉ thả được 20% diện tích (tổng diện tích là 2.700ha), trong số diện tích được thả nuôi chỉ thành công được 50%”. Bà Hồ Thị Kiểng (Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú) cho biết: “Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu nhưng đã rất cố gắng phấn đấu vượt qua, nghiên cứu phát triển công nghệ, giúp gia tăng giá trị các mặt hàng”. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giảm đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc, cho rằng các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam không còn là một mình một chợ như trước đây. Vì vậy, cần những khu công nghiệp công nghệ cao, tạo vùng nuôi tốt, đưa ra những sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu vào thị trường lớn và tiến tới sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không phải làm ra rồi bán như hiện nay”.
Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, việc tiêu thụ sản phẩm tôm sụt giảm do giá tôm nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm. Nguồn cung từ các nước trong khu vực tăng, giá tôm nguyên liệu sản xuất trong nước có giá thành cao hơn so với các nước trong khu vực nên giảm sức cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp chế biến trong nước vẫn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào (chiếm khoảng 15%) sẽ là yếu tố cạnh tranh đáng kể đối với người sản xuất trong nước. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan. Ngoài ra, do biến động tỷ giá ngoại tệ, sự tăng giá mạnh của đồng USD cũng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Cần tối ưu hóa giá thành
Dù 6 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến - xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng xuất khẩu tôm vẫn có một số tín hiệu khả quan. Cụ thể: Cuối tháng 6 vừa qua, nguồn tôm của Ấn Độ giảm, nguồn cung của Indonesia không đạt như kế hoạch, sản lượng tôm của Thái Lan chỉ gần bằng năm ngoái… “Nguồn cung thế giới có dấu hiệu giảm sút, mức độ tiêu thu tôm thẻ chân trắng đến cuối năm có thể tăng. Chúng ta có thuận lợi về chế biến sâu, các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu tôm... Đó là những bối cảnh, xu hướng có thể nhìn thấy được. Từ đây đến cuối năm chúng ta cần xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, con số này có thể đạt được”, ông Trương Đình Hòe nhận định.
Đánh giá về tình hình phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận “không được sáng sủa lắm”. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tình hình cuối năm có vẻ được cải thiện hơn do quan hệ cung cầu. Chúng ta đang ký kết một loạt hiệp định tự do thương mại, thuế rất thấp hoặc bằng 0, vì vậy cơ hội xuất khẩu tôm cũng có nhiều điểm sáng trong thời gian tới.
Để giúp ngành tôm phát triển, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường cung cấp cho doanh nghiệp và nông dân. Thực hiện nghiêm túc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cố gắng hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giám sát dịch bệnh, chất lượng vật tư, thuốc thú y thủy sản. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành thủy sản. “Tôi yêu cầu Cục Thú y trong tháng này lập kế hoạch kiểm tra, giám sát tất cả các trại giống. Tất cả các tỉnh đồng loạt kiểm tra thuốc thú y thủy sản. Tôi ủng hộ thành lập khu công nghiệp công nghệ cao. Hoan nghênh doanh nghiệp tổ chức liên kết, chia sẻ rủi ro với người nông dân. Chúng ta cần giúp để người nông dân đứng lên chứ không để đứng bơ vơ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.
Theo Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 17.374ha (bằng 53% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 2,8% tổng số diện tích tôm nuôi cả nước (diện tích tôm nuôi cả nước là 603.813ha). Trong số diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có 8.979ha bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp…
Có thể bạn quan tâm
Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp thu mua cá lóc cỡ 0,5 - 0,8kg/con với giá dao động 35.000 đồng - 38.000 đồng/kg (tăng hơn tuần trước 2.000 đồng/kg), giá cá tra thương phẩm từ 24.000 đồng - 24.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), giá lươn kích cỡ 200 - 300 gram/con bán trên - dưới 150.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), giá tôm loại I là 260.000 đồng/kg, loại II là 210.000đ/kg và loại III là 180.000 đồng/kg...
Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Những năm gần đây, thời tiết rét đậm, rét hại thường xảy ra, làm ảnh hưởng tới đàn gia súc, gây thiệt hại cho nông dân trên địa bàn thành phố (Tp) Lào Cai. Để chủ động đối phó với thời tiết và rút kinh nghiệm từ những vụ rét trước, Tp. Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống đói, rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc khi mùa đông về.
Có 4 điểm cần chú ý để phối trộn thức ăn TMR như phải cân thức ăn chính xác, thời gian trộn và trình tự đưa nguyên liệu thức ăn vào trộn. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng thức ăn TMR đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt việc quản lý thức ăn đã phối trộn cũng như cách thức cho ăn mới đảm bảo việc sử dụng thức ăn TMR hiệu quả.
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã quyết định giảm giá bán phẩm, sau nhiều lần giá xăng dầu lao dốc. Thế nhưng, các đại lý kinh doanh mặt hàng này vẫn quyết giữ giá bán, gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi.