Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sống Khỏe Với Mô Hình Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến

Sống Khỏe Với Mô Hình Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến
Ngày đăng: 06/08/2014

Nuôi tôm quảng canh cải tiến (bao gồm cả luân canh tôm - lúa) được xem là mô hình nuôi tôm sú có hiệu quả ổn định, do ít dịch bệnh so với nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn nước tự nhiên ngày càng ô nhiễm, cộng với những bất ổn nội tại, nên cần phải thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, để mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến tiếp tục phát triển bền vững.

Sống khỏe với đầm tôm quảng canh

Trong những năm gần đây, mặc dù điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến khá thuận lợi, phần lớn các hộ nuôi đều có lợi nhuận khá. Ông Nguyễn Văn Trí, nông dân có đầm nuôi luân canh tôm - lúa hơn 2 hecta ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, năm ngoái ông đã thả 200 ngàn con tôm sú giống với giá 20 đồng/con được mua từ Vũng Tàu vào tháng 12/2012. Sau khi thu hoạch tôm, tiến hành cải tạo đầm nuôi tiếp tục gieo sạ 250 kg lúa giống với giá 13 ngàn đồng/kg.

Kết thúc vụ sản xuất năm 2013, ông đã thu hoạch được 900 kg tôm sú với giá bán bình quân khoảng 120 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, ông còn thu hoạch được 8 tấn lúa với giá bán 5.000 đồng/kg và 900 kg tôm, cua, cá tự nhiên với giá bán bình quân 60 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông lãi hơn 120 triệu đồng.

Theo ông Trí, thời gian thu hoạch tôm nuôi quảng canh cải tiến ở địa phương này tùy thuộc vào việc chăm sóc, số vụ nuôi trong năm và hình thức nuôi của mỗi hộ. Đối với nuôi tôm 1 vụ/năm, thời gian nuôi mỗi vụ thường kéo dài từ 150-160 ngày, còn nếu nuôi tôm 2 vụ/năm, thời gian nuôi thường từ 90 - 100 ngày.

Năng suất tôm trung bình đối với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến mỗi vụ ở địa phương này khoảng 370 kg/ha, còn mô hình luân canh tôm - lúa có năng suất tôm mỗi vụ khoảng 327 kg/ha và năng suất lúa trung bình khoảng 3,7 tấn/ha. Năng suất tôm, cua, cá tự nhiên bình quân mỗi vụ thu được từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, luân canh tôm-lúa đạt hơn 50 kg/ha.

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Thủy sản, hiện nay toàn tỉnh có là 2.098 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến (bao gồm luân canh tôm - lúa), tập trung chủ yếu ở huyện Tân Phú Đông. Trong đó, trung bình mỗi hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến có diện tích đất là 3,9 ha, luân canh tôm - lúa là 1,8 ha. Thời gian cải tạo ao nuôi tôm trước khi thả tôm giống trong mô hình quảng canh cải tiến và luân canh tôm - lúa thường từ 2 - 3 tuần, tập trung vào tháng 10 - 11 hàng năm.

Phần lớn hộ nuôi tôm đều thực hiện cải tạo ao trước khi thả giống với các công đoạn như nạo vét bùn đáy ao, bón vôi khử trùng và diệt tạp. Số vụ nuôi trung bình nuôi tôm quảng canh cải tiến và luân canh tôm - lúa là 1 vụ/năm với 90,8% số hộ thả giống từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau và chỉ có 9,2% số hộ có thả giống vụ 2 vào các tháng 4, 5.

Các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến thường thả tôm giống với mật độ 12 con/m2, còn hộ nuôi tôm luân canh tôm - lúa thả tôm giống với mật độ 10 con/m2. Kích cỡ tôm giống thả nuôi trung bình là post 15 với giá tôm sú giống bình quân khoảng 29 đồng/con. Tôm giống chủ yếu có nguồn gốc từ Vũng Tàu, miền Trung, trại sản xuất giống ở địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo chiết tính của nhiều hộ nuôi, tổng chi phí đầu tư cho một hecta nuôi tôm quảng canh cải tiến mỗi vụ khoảng 7 triệu đồng/ha, luân canh tôm - lúa là 11 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến mỗi vụ bình quân đạt 40 triệu đồng/ha, luân canh tôm - lúa là 50 triệu đồng/ha. Trong đó, nuôi luân canh tôm - lúa mang lại tỷ lệ thành công cao nhất với trên 70% số hộ nuôi có lợi nhuận, còn tỷ lệ thành công của mô hình nuôi quảng canh cải tiến đạt khoảng 50%.

Một kỹ sư quản lý thủy sản ở huyện Tân Phú Đông nhận xét, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến có hiệu quả rất ổn định. "Một gia đình với 2 đứa con chỉ cần có đầm tôm quảng canh cải tiến hay luân canh tôm lúa khoảng 3-4 hecta là có thể sống khỏe. Bởi với mô hình này, hôm nào khỏe chỉ cần xả nước đầm tôm quảng canh ra bắt tôm, cua, cá tự nhiên bán cho thương lái là có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày" - kỹ sư này cho biết.

Cần hỗ trợ để mô hình phát triển bền vững

Hiện nay, Tiền Giang chưa có quy hoạch riêng vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, luân canh tôm-lúa, nên mầm bệnh từ các mô hình nuôi có thể ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bị ảnh hưởng nhiều nhất do không có điều kiện sát trùng nguồn nước trước khi thả tôm giống.

Hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi thủy sản chủ yếu là sử dụng chung với sản xuất nông nghiệp nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý thức của người nuôi trong việc lựa chọn con giống thả nuôi có chất lượng chưa được quan tâm đúng mức, đa số còn thả nuôi con giống chưa qua kiểm dịch, chất lượng giống thấp với giá rẻ.

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Thủy sản, hầu hết người nuôi tôm quảng canh cải tiến chỉ dựa vào nguồn kinh nghiệm bản thân, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều vào trong canh tác, thiếu sự liên kết, hợp tác trong cộng đồng người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan; chưa có nguồn lúa giống phù hợp, năng suất cao cho vùng đất đang canh tác.

Không có vốn đầu tư sản xuất, hầu hết các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Do diện tích nuôi rất lớn nên hệ thống ao lắng trong nuôi tôm quảng canh cải tiến, luân canh tôm lúa chưa được hộ nuôi quan tâm, trong khi đó nguồn nước cấp vào ao chủ yếu lấy trực tiếp từ kênh rạch và phụ thuộc vào thủy triều để lấy nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi.

So với những năm trước đây, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó, tôm thường xuất hiện bệnh nhiều nhất là đốm trắng, giai đoạn tôm thường xuất hiện bệnh là từ lúc thả cho đến giai đoạn tôm được 30 ngày tuổi.

Tuy nhiên, người nuôi thường thiếu kiến thức về phòng trị bệnh, chưa chú ý đến chất lượng tôm giống, thời tiết không ổn định, nguồn nước xấu.

Để mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, các cơ quan chức năng cần tổ chức các khóa tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản, điểm trình diễn mô hình nuôi cho người dân nhằm nâng cao ý thức sử dụng tôm giống chất lượng cao, kích cỡ lớn, thả giống với mật độ vừa phải đối với các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến, vận động người dân xây dựng mô hình nuôi tôm mang tính cộng đồng, có trách nhiệm.

Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch nạo vét lại hệ thống kênh, rạch đảm bảo nguồn nước luôn lưu thông tốt, đủ nước để phục vụ cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Các ban ngành, trường, viện có liên quan cần quan tâm nghiên cứu tìm ra các giống lúa có chất lượng tốt, năng suất cao, kháng được sâu bệnh, có khả năng thích nghi trong vùng nhiễm phèn, mặn.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất; hỗ trợ con giống cho vùng nuôi luân canh tôm - lúa để góp phần thúc đẩy mô hình nuôi phát triển ngày càng bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Nuôi Tôm, Cua Kết Hợp Ở Cà Mau Làm Giàu Từ Nuôi Tôm, Cua Kết Hợp Ở Cà Mau

Mỗi năm huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có hơn 10.000 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ nhờ cần cù, chịu khó, áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và thực hiện tốt chủ trương đa cây, đa con, đã trở nên giàu có. Ông Nguyễn Văn Thượng ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân là một điển hình.

24/09/2012
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Trắm Ở Thái Nguyên Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Trắm Ở Thái Nguyên

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Định Hoá (Thái Nguyên) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

24/09/2012
Nhiều Diện Tích Lúa Mới Xuống Giống Bị Thiệt Hại Do Mưa Nhiều Ở Sóc Trăng Nhiều Diện Tích Lúa Mới Xuống Giống Bị Thiệt Hại Do Mưa Nhiều Ở Sóc Trăng

Trong gần 2 tuần qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có mưa liên tục làm nhiều vùng nông dân đang xuống giống vụ lúa mùa và thu đông bị thiệt hại do nước ngập sâu nguy cơ gây thiệt hại trắng hàng trăm ha.

24/09/2012
Áp Dụng Tốt Các Biện Pháp Canh Tác Để Tăng Năng Suất Lúa Áp Dụng Tốt Các Biện Pháp Canh Tác Để Tăng Năng Suất Lúa

Thời điểm này, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã xuống giống cho vụ thu đông, cũng đang vào mùa mưa, với nhiều trận mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển cây lúa. Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL lưu ý bà con một số giải pháp để có thể bảo vệ vụ mùa thu đông và chuẩn bị tốt cho vụ mùa đông xuân.

24/09/2012
Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi

Ông Lê Văn Tám ở thôn 1 xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có vụ thu hoạch bội thu, khi 2.000 gốc ổi cho lứa quả đầu tiên sau gần 2 năm nỗ lực chăm bón. Cứ hai ngày một lượt, khách hàng từ dưới phố lên chọn quả hái khoảng 300 kg. Với giá 6.000 đồng/kg, mỗi lần xuất bán như vậy, ông có 1,8 triệu đồng.

24/09/2012