Tìm Đường Bơi Bớt Gập Ghềnh Cho Con Cá Tra
Hoạt động sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu cá tra liên tục vướng trong vòng xoáy chất lượng, giá thành đầu ra và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mặt hàng cá tra trong nhiều năm trước đã tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho khu vực ĐBSCL. Con cá tra đã từng “giúp” người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hoạt động sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu cá tra liên tục vướng trong vòng xoáy chất lượng, giá thành đầu ra và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Một năm 2014 vừa qua đi cũng chưa tìm ra được hướng đi bền vững nhất cho nghề nuôi trồng và chế biến sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL. Còn nhìn về phía trước, vẫn còn những vòng luẩn quẩn cần tháo gỡ.
Là nước xuất khẩu chiếm phần lớn thị trường xuất khẩu cá da trơn thế giới. Thế nhưng đến nay, những hy vọng, mục tiêu đặt ra để hướng nghề nuôi và chế biến cá tra đi vào quy chuẩn, chất lượng vẫn còn là con đường “gập ghềnh” phía trước. Đến nay, sau nhiều lần phát triển “nóng”, con cá tra cũng chỉ “cầm chừng” ở mức độ mạnh ai nấy làm. Tình trạng được mùa, giá thấp cứ đeo đuổi mãi người nuôi.
Nhìn từ thực tế vùng nuôi và phân tích của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho thấy mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ. Trong năm qua, hợp đồng cung cấp và thu mua sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân được ký kết nhưng chưa hiệu quả.
Sự ràng buộc lẫn nhau thông qua hợp đồng đã được ký kết từ đầu vụ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt mà mỗi bên tự hủy hợp đồng, rồi nảy sinh mâu thuẫn lẫn nhau, con đường liên kết lại bế tắc. Nhà máy tự lo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Còn nông dân thì loay hoay tự tìm nhà máy để bán. Cứ thế vòng “luẩn quẩn” cung cầu không gặp nhau, người nuôi lại thua lỗ, nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu cho chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngay các doanh nghiệp cũng thừa nhận doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm trong việc xây dựng chuỗi liên kết dọc. Kinh phí chứng nhận GAP quá cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng nên giá thành sản xuất cao, trong khi đó giá bán cá chưa có sự khác biệt với cá nguyên liệu không thực hiện theo quy phạm thực hành GAP.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, để giải quyết các khó khăn từng bước cho chuỗi sản xuất cá tra, nhà nước còn phải đầu tư vào để giúp cho ngành cá tra tháo gỡ những điểm vướng. Cụ thể là làm sao giúp giảm giá thành sản xuất, quy trình kỹ thuật nuôi và chế biến.
Trong đó, quy trình chế biến cần thống nhất bởi có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp. Kể cả việc tăng giảm hàm ẩm. Qua đó giúp cho người sản xuất có những điều kiện cơ bản nhất để giảm giá thành. Đây là yếu tố để cạnh tranh trên thế giới.
Trong năm qua, tổng diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL trên 5.400 ha, sản lượng thu hoạch hơn 1 triệu triệu tấn. Tuy nhiên, giá cá tra trong năm liên tục biến động. Khi trồi, khi sụt. Khi giá lên, người dân đổ xô nuôi cá. Khi thu hoạch, giá thấp, đành ngậm ngùi “treo ao”.
Chính vì thế, theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, một trong những việc cần thực hiện quyết liệt trong năm nay là cần khuyến cáo chấm dứt tình trạng doanh nghiệp xây nhà máy chế biến tràn lan; đồng thời kiểm soát dòng vốn ngân hàng cho vay vào ngành hàng cá tra tương ứng đúng với nhu cầu sản xuất và sản lượng cá tra xuất khẩu. Bên cạnh đó, kiến nghị nhà nước cần tăng cường kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn; xác định lại tỷ lệ phụ gia có trong cá tra; tăng cường xúc tiến thương mại, không để doanh nghiệp "tự bơi" tìm thị trường.
“Việc tăng cường kiểm soát chất lượng giống, thức ăn là mấu chốt để đưa đến sự cạnh tranh trong vấn đề giá thành xuất khẩu. Nếu chất lượng thức ăn tốt có giá thành thấp, cá tra sẽ có giá bán thấp, bán được nhiều và lợi nhuận sẽ tăng lên. Nếu chỉ quản lý đầu ra mà không quản lý được đầu vào thì cũng rất nguy hiểm”, ông Minh chỉ rõ.
Dù còn nhiều khó khăn, bấp cập, tuy nhiên, những tín hiệu vui trong năm mới cũng tạo sự vững tin cho cả chuỗi sản xuất và chế biến cá tra khi lãi suất ngân hàng giảm, nhiều chính sách ưu đãi. Đồng thời với đó, Việt Nam sẽ hoàn tất các hiệp định thương mại sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nêu rõ kế hoạch sản xuất năm 2015 của toàn vùng, phấn đấu ổn định 5.500 ha, sản lượng cá nguyên liệu 1,1 - 1,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,75 - 1,85 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, điều quan trọng là cần phải gắn việc phát triển nuôi chế biến cá tra phù hợp với tái cơ cấu tổng thể ngành thủy sản, đồng thời phát huy tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thị trường và đấu tranh khắc phục rào cản thương mại. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp không nên chủ quan mà phải tập trung quản lý tốt con giống, nguyên liệu đầu vào, phải đảm bảo chất lượng theo cam kết và những quy định quốc tế.
“Phải khẩn trương triển khai tiêu chuẩn về giống cá tra bố mẹ đã được ban hành để hướng dẫn các địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện để tiến tới việc ra soát công nhận, đánh giá, xã hội hóa việc sản xuất giống với chất lượng đảm bảo. chứ không như hiện nay chỉ có Viện Thủy sản 2 đảm nhận việc nghiên cứu giống cá tra. Tới đây, có thể doanh nghiệp phối hợp với nhà nước để cùng nghiên cứu để đưa ra một giống cá tra chất lượng cao”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng 2 đề án chiến lược gồm lúa và cá tra. Trong đó chú trọng khâu sản xuất cá giống, nghiên cứu đưa ra giống cá tra mới, chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, muốn sản phẩm cá tra phục hồi trở lại đúng giá trị thật không dễ “một sớm một chiều”. Bởi điểm yếu chí tử đã nhận diện nhưng thực hiện chưa tốt, đó là nếu không chú trọng liên kết mà chỉ với lối làm ăn riêng lẻ thì tất yếu cả doanh nghiệp và người nuôi chỉ có thua thiệt mà thôi.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, phá thế độc canh thông qua tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp làm giàu trong điều kiện đất hẹp, người đông là chủ trương đúng đắn được nông dân vùng dự án ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) hưởng ứng, áp dụng một cách rộng rãi với những mô hình canh tác đa dạng: lúa + màu, lúa + dưa, VAC...phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng.
Sáng 27-4, tại cơ quan phía Nam Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (TP. Hồ Chí Minh), Hiệp hội điều Việt Nam tổ chức hội thảo về phương pháp ghép chồi cho cây điều nhằm đánh giá quá trình khảo sát của nhóm chuyên gia đến từ Hiệp hội điều Việt Nam tại vườn điều ghép của 3 hộ ở xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước).
Chùm ngây là loại cây mọc hoang phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong những năm gần đây, loại cây này được sử dụng làm thực phẩm hằng ngày và được bán với giá thành cao. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc việc nhân rộng diện tích, bởi đầu ra cho sản phẩm nhìn chung còn "phập phù".
Lúa đông xuân đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là sâu bệnh đang có chiều hướng phát sinh trên diện rộng và lây lan nhanh.
Một thời, cây quế Trà My là “cây vàng cây bạc” của người dân Quảng Nam. Thế nhưng, do phát triển ồ ạt cây quế lai tại vùng này nên 10 năm qua, cây quế Trà My trở thành... củi. Gần đây, người dân và chính quyền đã nhân lại giống với kỳ vọng tìm lại hương quế Trà My một thời.