Tiếp tục chiến dịch giải cứu dưa giúp nông dân Quảng Ngãi
Theo thông tin từ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, ngày 12-5-2015, Tỉnh đoàn đã làm đầu mối trung gian thu mua gần 20 tấn dưa Hắc Mỹ Nhân cho 4 hộ dân ở xã Bình Thanh Tây với giá 3.100 đồng/kg dưa (bao gồm tiền bốc xếp, rơm lót). Tất cả số dưa này sẽ được Tỉnh đoàn chuyển cho đầu mối ở Hà Nội tiêu thụ giúp nông dân. Kinh phí vận chuyển dưa sẽ được phía đầu mối ở ngoài Hà Nội chi trả. Sau khi bán dưa xong, đầu mối ngoài Hà Nội chuyển tiền về, Tỉnh đoàn sẽ tiến hành chi trả tiền cho bà con theo đúng hợp đồng cam kết ban đầu.
Ông Phạm Ngọc Thạch ở thôn Phước Hòa, xã Bình Thanh Tây- một trong 4 hộ dân được Tỉnh đoàn hỗ trợ thu mua dưa đợt này bày tỏ: Gia đình có 6 sào dưa Hắc Mỹ Nhân đang đến thời điểm thu hoạch, nhưng thương lái chỉ đưa ra giá thu mua khoảng 1.500 đồng/kg, với giá này thì người nông dân chúng tôi lỗ vốn.
Theo ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Thanh Tây, vụ dưa 2015, toàn xã có khoảng 150 hộ trồng dưa với diện tích trên 45ha, chủ yếu là loại dưa Hắc Mỹ Nhân, sản lượng ước đạt khoảng 700 - 750 tấn. Đến thời điểm này, còn khoảng 200 tấn dưa đang vào vụ thu hoạch. Song, do giá thương lái dưa ra khá thấp khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân để giúp bà con nông dân tiêu thụ dưa.
Cũng trong chiều 12.5, anh Đặng Tấn Trình ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã liên hệ được với các đầu mối ở ngoài Hà Nội nên làm trung gian thu mua giúp cho bà con xã Bình Thanh Tây 50 tấn dưa để chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.
Anh Đặng Minh Thảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, chia sẻ: “Hiện nay, theo báo cáo của các Huyện Đoàn Bình Sơn, Đức Phổ thì còn khoảng hơn 1.000 tấn dưa Hắc Mỹ Nhân đang chờ Tỉnh đoàn hỗ trợ tìm đầu mối tiêu thụ. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiêu thụ dưa giúp bà con”.
Để kiểm soát chất lượng dưa, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín và ý nghĩa tốt đẹp của chương trình “Mỗi trái dưa một tấm lòng”, lãnh đạo Tỉnh Đoàn đã cùng với thanh niên trực tiếp kiểm tra và bổ thử các quả dưa Hắc Mỹ Nhân để kiểm tra chất lượng ngay tại ruộng trước khi xuất bán. Hiện đã có đơn vị của Trung ương Đoàn mua ủng hộ bà con 60 tấn dưa Hắc Mỹ Nhân. Trong đó, ở Bình Sơn là 40 tấn, Đức Phổ 20 tấn. Phía lãnh đạo Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi sự tham gia vào cuộc của nhiều cơ quan đơn vị ban, ngành trong tỉnh và các tỉnh bạn. Đặc biệt là từ các “hiệp sĩ cứu dưa” ở đợt trước như các anh Đặng Như Quỳnh, Ngô Anh Tuấn… để tiến hành thu mua và phân phối giúp bà con với mức giá phù hợp nhất.
Trưa ngày 14-5-2015, trao đổi với phóng viên Hànộimới, anh Đặng Như Quỳnh, một đầu mối tiêu thụ dưa lớn tại Hà Nội cho biết: Ngay khi biết thông tin thương lái ép giá dưa của bà con xuống dưới 1.000 đồng/kg, nhóm thiện nguyện của anh đã quyết định quay trở lại Quảng Ngãi thực hiện đợt giải cứu dưa lần thứ 4. Hiện nay, thành viên của nhóm thiện nguyện tại Quảng Ngãi đang khảo sát, tính toán số lượng cụ thể để có kế hoạch điều phối xe chuyên chở. Để làm tốt việc làm có ý nghĩa cao đẹp này, nhóm của anh sẽ xuống từng ruộng dưa để kiểm đếm, ruộng dưa nào tới kỳ thu hoạch thu mua trước, ruộng dưa nào còn non thu mua sau. Bà con nông dân cắt dưa đến đâu, nhóm của anh giám sát, mua dưa tới đó và trả tiền ngay tại ruộng.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh Đặng Như Quỳnh chia sẻ và gửi thông điệp đến các tấm lòng thiện nguyện đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay ủng hộ nông dân tỉnh Quảng Ngãi: “Bà con đang trông chờ chúng ta. Bạn Nguyễn Duy Trinh (thành viên nhóm - PV) báo số lượng khảo sát chính xác nhé để điều phối xe. Đã có 15 xe tải loại 25 tấn sẵn sàng tại khu vực Quảng Ngãi…”.
Có thể thấy, chương trình tình nguyện “giải cứu dưa” của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và các tổ chức cá nhân khác đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đoàn viên, thanh niên, các nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện trên cả nước. Chương trình mang tính tình nguyện xã hội này sẽ góp phần giúp nông dân thoát khỏi cảnh trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần vì không tiêu thụ được nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Cũng giống như các loại gia súc khác, để lựa chọn các cá thể dê làm giống phải chọn qua đời trước (ông bà, bố mẹ). Kiểm tra cá thể con giống về các đặc điểm như ngoại hình, khả năng sản xuất, khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi và chọn lọc qua đời sau của chúng. Đồng thời, phải chọn lựa dê làm giống ở những cơ sở chăn nuôi dê có uy tín, đảm bảo chất lượng.
Những chú bò sữa đầu tiên được nuôi ở Hải Phòng vào giữa năm 2014. Đây là mô hình chăn nuôi mới chưa từng có từ trước tới nay ở thành phố Cảng.
Trước đây, trong chăn nuôi (chủ yếu là nuôi heo) chất cysteamine được phép sử dụng để tăng trọng, tạo nạc. Cysteamine có thể làm heo tăng trọng khoảng 33%, tăng tỷ lệ nạc 4,6%, giảm tỷ lệ mỡ 8,5%. Chất cysteamine có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người và bị EU cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Đó là đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa được UBND tỉnh An Giang chấp thuận, chờ hướng dẫn mới nhằm quy hoạch, phát triển nghề nuôi chim yến theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn dịch bệnh.
Trong lúc chờ kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đi Mỹ đã dè dặt xuất hàng.