Tiếp Sức Cho Mùa Lạc...
Mấy năm trước, trong chuyến đi Quảng Trạch (Quảng Bình) nghe giới thiệu giống lúa mới, anh Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình (TCTNNQB) cho biết cùng với giống lúa, công ty đang tìm kiếm giống lạc mới nhằm thay thế giống lạc cũ năng suất quá thấp… Bước đầu công ty đã lai tạo được giống SVL1 bắt đầu trồng thử nghiệm...
Bẵng đi mấy năm, một ngày đầu tháng 6, Kỳ gọi điện cho tôi nói về giống lạc SVL1 trên đồng lạc các huyện phía bắc tỉnh. Tôi thực sự chia sẻ với Kỳ thành công bước đầu về giống lạc mới. Tôi chưa quên điều anh nói năm trước, cái ý tưởng đang nung nấu trong tư duy những người làm công tác giống của tỉnh. Rằng, cây lạc mà nông dân tỉnh ta, mà cụ thể là nông dân các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa đang gieo trồng cho năng suất quá thấp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT những năm qua năng suất thứ cây quan trọng này cũng chỉ xấp xỉ 20 tạ/ ha. Nhiều địa phương chỉ sòm sèm 18-19 tạ/ ha. Cùng với năng suất thấp, các giống lạc mà nông dân các huyện phía bắc đang sản xuất còn bị các loại dịch bệnh, trong đó nan giải nhất là bệnh chết ẻo. Trong khi, ngoài cây lúa, ngô, lạc là những thứ cây chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt khi làm lúa không có được lãi và đang được nông dân “xem xét lại”thì quả thực việc tìm kiếm những giống cây bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp là vấn đề bức thiết... Trở lại giống lạc mà TCTNNQB đang ấp ủ, anh Kỳ cho biết, đây là giống do công ty sản xuất với nguyên liệu nhập từ các nước phát triển về, được các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu lai tạo, được đưa vào trồng thử nghiệm mùa đầu tiên là vụ đông-xuân năm 2011-2012 với 5 sào ở huyện miền núi Tuyên Hóa.
Và qua ba mùa vụ gieo trồng theo quy trình chọn lọc, thử nghiệm giống mới, từ trình diễn đến đại trà, SVL1 đã thể hiện “đẳng cấp” của mình... Riêng vụ đông-xuân 2013-2014, diện tích SVL1 trồng trên diện tích 150 ha trên các vùng trọng điểm lạc các huyện phía bắc tỉnh, cụ thể ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch) 25ha, hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa 125ha, riêng tại xã Đồng Hóa là 15ha. Và, chúng ta cùng tìm đến các “thượng đế” là nông dân trồng lạc và các cán bộ ngành Nông nghiệp để nghe họ nói gì về SVL1.
Tại xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa), nơi TCTNNQB chọn để “hội quân” và trình diễn giống SVL1, bà Nguyễn Thị Ánh Đào, hộ nông dân trong xã tham gia trồng lạc theo mô hình của công ty, cho hay: “Gia đình tôi trồng 5 sào lạc giống SVL1, đúng vào thời tiết đầu vụ khá khắc nghiệt, nhưng tỷ lệ hạt nảy mầm cao, khỏe, đặc biệt sức chịu hạn của giống lạc khá tốt, tỷ lệ cây lạc chết yểu thấp, sức chống chịu các bệnh đốm nâu, rỉ sắt, bệnh lở cổ rễ... cao hơn rất nhiều so với các giống lạc truyền thống L23, L14. Qua thu hoạch cho năng suất 1,7 tạ/sào (3,4 tấn/ha), tăng hơn 0,7 tạ/sào so với các giống lạc L23, L14”. Bà Đào là một trong mấy chục hộ trồng lạc SVL1 tại Đồng Hóa.
Còn ông Nguyễn Thăng Long, cán bộ khuyến nông xã sau khi đo chiều cao cây lạc giống SVL1 và giống lạc cũ L23 đối chứng bên cạnh đã có nhận xét khá chi tiết: “Giống SVL1 có thân cây cao hơn hẳn, ít bị ngã rạp. Tính năng suất bình quân là 30 tạ/ha với giá bán tại ruộng 1,2 triệu đồng/tạ thì nông dân thu được 36 triệu đồng/ha. Trừ chi phí sản xuất còn lãi được gần 20 triệu đồng.
Với con số này thì cao hơn hẳn so với trồng ngô, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, thân lạc còn dùng ủ để làm thức ăn cho trâu bò hoặc ủ làm phân xanh bón ruộng”. Cũng theo ông Long, năm tới, ông sẽ đề nghị UBND xã chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ bản diện tích trồng lạc dùng giống SVL1 để tăng thu nhập cho bà con.
Chứng kiến việc thu hoạch đối chứng với những giống lạc khác ngay “tại trận” và cũng là địa phương tham gia trồng giống lạc SVL1, chị Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc (Minh Hóa) chia sẻ: “Hóa Phúc là địa phương có diện tích đất trồng lạc lớn nhất của huyện.
Những năm qua, bà con trồng trên 10 ha với các loại giống cũ cho năng suất không cao và cây lạc hay bị chết ẻo. Vụ đông-xuân này, chúng tôi đưa vào trồng hơn 2ha. Cây lạc giống mới SVL1 phát triển tốt, tỷ lệ chết ẻo thấp và cho năng suất cao nên bà con rất mừng. Hy vọng sẽ là cây trồng chủ lực cho bà con cải thiện thu nhập”.
Ngoài ra, chị Hương cũng cho biết thêm địa phương đang thực hiện dự án ủ phân xanh vi sinh với nguyên liệu là cây lạc sau khi thu hoạch ngay tại chân ruộng. “Cách làm này nhằm tăng lượng phân bón hữu cơ cho cây trồng và khuyến khích bà con hạn chế sử dụng phân vô cơ để cải tạo đất. Qua đó tạo cho bà con tư duy mới: hạ mức đầu tư, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”- chị Hương nhấn mạnh.
Từ thực tiễn, đã có những nhận xét tổng quát về giống lạc SVL1, đó là thời gian sinh trưởng từ 120-125 ngày (các giống lạc khác từ 125-130 ngày); đến kỳ thu hoạch lá vẫn xanh, độ tàn lá chậm; ra hoa tập trung và nhiều; quả màu vàng sáng, hạt có vỏ lụa màu hồng, vỏ hạt mỏng; tỷ lệ vỏ 28,5% (trong khi đó các giống lạc L23, L14 mà nông dân đang trồng có tỷ lệ trên 33%); tỷ lệ nhân 71,2%, tỷ lệ khô/tươi 70%....
Cùng với những vấn đề trên, điều quan trọng nhất là năng suất, qua khảo sát ở các xã, theo anh Kỳ, năng suất của giống lạc SVL1 so sánh với các loại giống lạc khác (SVL1/L23) trên diện tích 1 ha là: xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) 35,5 tạ/24,8 tạ, Cao Quảng (vụ hè- thu) 24,3 tạ/16,9 tạ, Châu Hóa 30 tạ/22 tạ, Phúc Trạch (Bố Trạch) 25 tạ/ 16 tạ...
Huyện Tuyên Hóa hiện có gần 1.150ha đất trồng lạc và đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Theo ông Nguyễn Tri Phương- Trưởng phòng NN-PTNT huyện đánh giá: “Giống lạc SVL1 có thế mạnh là tỷ lệ quả cao, ít lép. Trọng lượng quả nặng hơn các giống khác.
Chính vì vậy, giống lạc này tạo được lợi thế cho bà con nông dân khi thu hoạch và bán cho thương lái ngay tại chân ruộng. Khi giống SVL1 đã thuyết phục người nông dân thì việc triển khai đưa giống mới vào sản xuất sẽ rất nhanh chóng”.
Cả tỉnh ta hiện nay có diện tích hơn 5 nghìn ha lạc và hàng nghìn hộ nông dân trồng lạc. Nếu có sự thay đổi về năng suất cây lạc ắt hẳn sẽ có những tác động tích cực cho chính người nông dân. Tuy nhiên, để giống SVL1 đến với người nông dân, ngoài cái thuyết phục họ là năng suất, nên chăng công ty cũng cần có những chính sách về giá phù hợp để khuyến khích nông dân nghèo, đồng thời tiếp tục đồng hành cùng nông dân trên đồng lạc. Hy vọng rằng SVL1 sẽ tiếp sức cho nông dân tỉnh nhà trong những mùa lạc tới.
Có thể bạn quan tâm
Nằm dọc dài theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, Hướng Hóa (Quảng Trị) từ một huyện nghèo nay đã trở nên sầm uất với những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực.
5 năm qua ở Hà Tĩnh "Ngày thứ 7 NTM" đã thành thông lệ, Ðoàn kiểm tra NTM do Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu, đi ô tô chung, về cơ sở nắm tình hình ở các địa phương. Cách làm này đã giúp cơ sở và người dân tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Người ta gọi Gio Linh (Quảng Trị) là miền đất lửa. Bởi nơi đây khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán… còn trong chiến tranh, mỗi con người từng sống trên mảnh đất chưa đầy 500km2 này đã phải hứng chịu gần 10.000 tấn bom đạn.
Thay vì SX truyền thống “mùa nào thức ấy”, nhiều địa phương ở Bắc Giang áp dụng tiến bộ kỹ thuật tạo ra sản phẩm rau quả trái vụ nhằm nâng cao thu nhập.
8 năm rời công tác quản lý, ở tuổi 73, cựu Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Đức Triều thanh thản vui thú điền viên. Những người từng làm việc với ông, quen biết ông đều có chung nhận xét ông là người tận tụy với công việc, sống nhân ái và hết sức nghĩa tình.