Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiền Giang Khai Thác Lợi Thế Cây Sơ Ri

Tiền Giang Khai Thác Lợi Thế Cây Sơ Ri
Ngày đăng: 26/07/2014

Sự kiện Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Nichirei Suco Việt Nam đưa vào hoạt động nhà máy chế biến ngay trên vùng nguyên liệu sơ ri Gò Công (Tiền Giang) đã mở ra cơ hội mới cho loại đặc sản của vùng đất nhiễm mặn này.

Thay đổi kỹ thuật canh tác

Ngay sau khi nhà máy chế biến sơ ri được khởi công, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Văn Thông, người gắn bó cả đời với cây sơ ri Gò Công, đồng thời là Chủ nhiệm HTX Sơ ri Bình Ân (Gò Công Đông).

Trong những ngày cuối đời do căn bệnh ung thư hoành hành, nhưng khi nghe thông tin xây dựng nhà máy chế biến sơ ri ở xã Bình Nghị, ông vui vẻ nói rằng, HTX có 14 ha/77 hộ trồng sơ ri Gò Công, sơ ri ngọt Bến Tre và sơri Brazil, có năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm.

Giá sơ ri hiện nay chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg loại xô. Nhà máy chế biến trái cây Nichirei Suco Việt Nam được thành lập trên địa bàn sẽ là cơ hội để người trồng sơ ri phấn khởi hơn - bởi, đại diện nhà máy cho biết sẽ mua với giá có lợi cho nông dân.

"Sự độc quyền một thời gian dài của 1 doanh nghiệp chuyên thu mua sơ ri của nông dân sẽ không còn nữa. Giờ đây, có một công ty thu mua sơ ri mới thành lập sẽ tạo nên tính cạnh tranh và giá cả, có lợi hơn cho nông dân."- ông Nguyễn Văn Thông đã từng nói với chúng tôi như thế.

Có lẽ đến lúc cuối đời, cơ hội mở ra cho trái sơ ri làm cho ông vui nhất. Nhưng tiếc rằng, ông không thể chứng kiến được ngày nhà máy chế biến sơ ri Nichirei Suco Acerola chính thức đi vào hoạt động một cách ổn định ngay trên chính quê hương ông.

Với việc ra đời của nhà máy chế biến sơ ri ngay chính vùng đất Gò Công Đông chắc chắn sẽ giúp cho người dân thay đổi phương thức canh tác cũ. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi chỉ có thế mới đáp ứng được các tiêu chuẩn cho chế biến và nhất là xuất khẩu theo tiêu chuẩn rất khắt khe của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Hai, xã Bình Ân (Gò Công Đông), một trong những xã có diện tích trồng sơ ri lớn nhất của huyện đã nói rằng: "Từ khi có nhà máy Nichirei Suco Acerola thu mua trái sơ ri, chúng tôi bắt đầu áp dụng kỹ thuật canh tác mới.

Nếu hộ dân nào bán sơ ri cho nhà máy sẽ được cán bộ kỹ thuật của công ty xuống hướng dẫn về cách chăm sóc, bón phân, phun thuốc. Nói chung kỹ thuật canh tác sơ ri theo cách mới cũng gần giống theo quy trình VietGAP".

Chính từ những tín hiệu mới cho đầu ra cho trái sơ ri, mới đây lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông có buổi làm việc với Công ty Nichirei Suco Việt Nam nhằm tìm hiểu thêm về hoạt động và nhằm mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sơ ri sau này.

Theo lãnh đạo Công ty Nichirei Suco Việt Nam, hiện công ty thu mua qua đại lý, với giá 4.300 đồng/kg từ các nhà vườn, cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp xuống vườn sơ ri hướng dẫn người trồng kỹ lưỡng về kỹ thuật, từ khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện có hiện tượng người thu mua hoặc nhà vườn hái trái không đảm bảo về mặt chất lượng, độ chín, kích cỡ không đồng đều, mua trái của những nhà vườn chưa được hướng dẫn kỹ thuật gây khó khăn cho công ty khi chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, phía công ty đề nghị mở rộng diện tích trồng sơ ri trên địa bàn để đảm bảo sản lượng cho nhà máy hoạt động từ nay đến cuối năm khoảng 1.500 tấn và năm 2015 từ 2.000 - 2.500 tấn. Việc thực hiện hợp đồng rất cần nguời trồng, đại lý thu mua tuân thủ qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, để đảm bảo sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm cho việc xuất khẩu của công ty, từ đó tạo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người trồng sơ ri vùng Gò Công.

Tận dụng lợi thế

Đã từ lâu, cây sơ ri là một trong những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng nhiễm mặn của vùng đất Gò Công, nhưng một thời gian dài lại không khai thác được lợi thế vốn có. Sơ ri Gò Công đã có từ lâu đời và được tỉnh xác định là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh.

Chỉ sơ ri ở Gò Công mới mang đầy đủ hương vị đặc sắc của nó mà chưa có nơi nào có thể so sánh được. Từ đó, sơ ri được xem là một trong những loại cây ăn quả đặc sản của địa phương, đầy tiềm năng phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, hiện nay toàn huyện có trên 220 ha, với trên 1.215 hộ trồng sơ ri; sản lượng khoảng 9.000 tấn trái mỗi năm, riêng sơ ri chua đáp ứng được nhu cầu chế biến xuất khẩu của Công ty Nichirei Suco Việt Nam là gần 5.000 tấn mỗi năm, tập trung ở các xã Bình Nghị, Bình Ân, Tân Đông...

Việc xây dựng nhà máy chế biến sơ ri được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và các địa phương có diện tích trồng sơ ri lớn của tỉnh. Bởi chính điều này sẽ giúp khắc phục được những tồn tại đối với cây sơ ri hàng chục năm qua. Có lẽ chính vì thế, khi làm việc với Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh đã nói rằng, trên thế giới, Brazil và Việt Nam có diện tích trồng sơ ri lớn nhất, riêng tỉnh Tiền Giang có vùng chuyên canh sơ ri trên đất nhiễm mặn ven biển Gò Công (thuộc huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công) với diện tích khoảng 300 ha, phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua, cây sơ ri vẫn chưa phát huy hiệu quả, chưa được khai thác tốt tiềm năng theo hướng bền vững, chưa làm cho nông dân trồng sơ ri cảm thấy an tâm.

Cũng có thực tế là người dân chưa xác định được giống tốt để cho trái đồng đều, đẹp, chất lượng cao; chưa áp dụng đúng quy trình sản xuất để cho năng suất cao, ổn định theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; thị trường tiêu thụ trái sơ ri không ổn định, chủ yếu còn bán dưới dạng sản phẩm tươi, phục vụ cho thị trường nội địa là chính nên giá trị thấp.

"Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích trồng sơ ri lên trên 500 ha, sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm. Việc tổ chức xây dựng Nhà máy chế biến trái sơ ri của Công ty Nichirei Suco Việt Nam là hoạt động thiết thực, nhằm đẩy mạnh sản xuất cây sơ ri, tạo nên thị trường tiêu thụ trái sơ ri ổn định, góp phần giúp nông dân trồng sơ ri tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.

Đồng thời, khi nhà máy của Công ty Nichirei Suco Việt Nam đi vào hoạt động sẽ giải quyết thêm nhiều lao động ở địa phương, sản phẩm của công ty khi được xuất khẩu sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh." - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh.

Nhà máy sơ chế sơ ri Nichirei Suco Acerola được xây dựng trên diện tích 5.200 m2, được trang bị hệ thống thu và sàng lọc cũng như hệ thống đông lạnh quả sơ ri để có thể đưa sản phẩm trái sơ ri đặc sản của Gò Công ra thị trường thế giới. Nhà máy có sức chứa khoảng 100 tấn sơ ri lạnh, với công suất rửa và đông lạnh khoảng 3 tấn/ngày, công suất chứa thành phẩm lên đến 30 tấn.

Tổng vốn đầu tư cho nhà máy chế biến sơ ri trên 90 tỷ đồng. Ông Terada Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty Nichirei Suco Việt Nam cho biết, việc xây dựng nhà máy mới lần này nằm trong chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ sơ ri trên thế giới của Tập đoàn Nichirei (Nhật Bản) nói chung cũng như của Công ty Nichirei Suco Việt Nam nói riêng.

Hợp tác xã Sơ ri Gò Công gặp khó khăn

Liên quan đến câu chuyện tiêu thụ sơ ri hiện nay, vừa qua, bà Châu Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX Sơ ri Gò Công (xã Long Thuận, TX. Gò Công) nói rằng, hoạt động của HTX hiện rất khó khăn do trước đây trên cùng một vùng nguyên liệu chỉ có một đầu mối thu mua là Công ty TNHH Thịnh Phát nên giá ổn định, cùng một mức giá. Từ khi Công ty Nichirei Suco Việt Nam mở nhà máy chế biến bà con rất mừng, nên muốn mở rộng diện tích trồng sơ ri.

Khi mới đi vào hoạt động, do chưa ổn định nên công ty chỉ mua ở khu vực huyện Gò Công Đông với giá 4.700 đồng/kg, sau này còn 4.300 đồng/kg và ký hợp đồng thu mua với người trồng ở huyện Gò Công Đông. Riêng HTX Sơ ri Gò Công nằm trên địa bàn TX. Gò Công, nên công ty không ký hợp đồng thu mua, do diện tích trồng sơ ri ở huyện Gò Công Đông tương đối lớn và sợ khả năng công ty không đảm đương hết sản lượng.

Sau khi công ty đi vào hoạt động chính thức, lãnh đạo TX. Gò Công và xã Long Thuận đã liên hệ với công ty để hợp đồng tiêu thụ sơ ri cho HTX, bởi thời điểm này Công ty TNHH Thịnh Phát chỉ thu mua khi có đơn đặt hàng, nên rất hạn chế về số lượng, giá lại thấp hơn.

Đến khi làm việc trực tiếp với Công ty Nichirei Suco Việt Nam, công ty từ chối do năm nay chỉ thu mua khoảng 2.000 tấn, đến năm 2015 khi hoạt động ổn định mới mở rộng vườn trồng. "Tuy nhiên, có nghịch lý là công ty không mua trực tiếp của HTX nhưng lại cho những đại lý qua thị xã mua trực tiếp với nông dân.

 Lúc này, người dân bắt đầu chuyển sang bán cho Công ty Nichirei Suco Việt Nam do bán cho Công ty TNHH Thịnh Phát gặp khó khăn. Điều này dẫn đến thực tế là diện tích trồng sơ ri thực chất thuộc HTX không còn nữa, nhưng HTX không thể trách người dân được. Trước đây, mỗi ngày HTX thu mua vài trăm kg sơ ri, nhưng hiện tại chỉ một, hai trăm kg.

HTX từng có 89 xã viên trồng sơ ri chua nhưng hiện nay gần như không còn xã viên nữa, do hầu hết đã ký hợp đồng mua bán với Công ty Nichirei Suco Việt Nam. Do đó, nếu không giải quyết được những khó khăn hiện nay, chỉ còn cách là giải thể HTX Sơ ri Gò Công" - bà Châu Thị Tuyết tâm tư.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân phải vươn lên hội nhập Nông dân phải vươn lên hội nhập

Những nông dân Việt Nam xuất sắc hôm nay là những người đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu.

15/10/2015
Quản chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi Quản chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quản lý chặt việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

15/10/2015
Kế nào tạo động lực cho tam nông Kế nào tạo động lực cho tam nông

Hôm 13.10, bên lề ngày làm việc đầu tiên của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu xung quanh các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển nhanh và bền vững…

15/10/2015
Hiệp định TPP cơ hội không tự biến thành lợi ích Hiệp định TPP cơ hội không tự biến thành lợi ích

Hiệp định TPP sẽ mang đến cơ hội song sẽ không thể tự biến thành lợi ích nếu nhà nước và doanh nghiệp không biết cách tận dụng.

15/10/2015
Liên kết để tồn tại Liên kết để tồn tại

Nhiều DN và trang trại ở Đông Nam bộ vẫn cho rằng, nếu liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị thực sự, gà trắng Việt Nam vẫn có thể đứng vững.

15/10/2015