Tiến bộ kỹ thuật sản xuất vụ đông
Đẩy năng suất ngô đạt trên 6 tấn/ha, khoai tây 30 tấn/ha
Hội nghị giới thiệu tiến bộ kỹ thuật SX vụ đông các tỉnh phía Bắc vừa được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức tại Hải Dương. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã tham dự.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại hội nghị, đó là làm thế nào để tăng diện tích và năng suất cây ngô. TS. Đặng Ngọc Hạ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô nêu quan điểm cần mở rộng phương pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất để trồng ngô. Bởi đó là xu hướng của thế giới.
Ở nước ta nhiều nơi đã làm, với mục đích giúp chống xói mòn, giữ độ phì nhiêu, giữ ẩm đất đồng thời tranh thủ thời vụ (đặc biệt là vụ đông) và những vùng bãi ven sông sau mưa lũ, tiết kiệm công lao động.
Ở Mỹ, mặc dù ngô không trồng ở những vùng đất quá dốc như ở Việt Nam nhưng giảm năng suất do xói mòn (8%) gần tương đương với hạn (10%) và cao hơn sâu đục thân (5%).
Ở nước ta, việc sử dụng thuốc trừ cỏ đã phổ biến đối với lúa. Còn với ngô thì khá phổ biến ở phía Nam, còn ở phía Bắc, đặc biệt là ngô trên đất lúa thì hầu như chưa được sử dụng. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính làm cho năng suất ngô vụ đông còn rất thấp (khoảng 44 tạ/ha), mặc dù đã trồng các giống tốt nhất hiện có ở nước ta.
Có một gói kỹ thuật được TS. Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đưa ra nhằm đẩy năng suất ngô đông trên đất hai lúa đạt trên 60 tạ/ha, đó là áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ việc chủ động lịch thời vụ, lựa chọn giống ngô tốt, SX cây con bằng bầu cải tiến, chế độ phân bón, quản lý nước, cỏ dại, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sơ chế... Tuy nhiên, chưa nhiều địa phương đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật này.
Đối với khoai tây (một trong những cây trồng chiến lược trong vụ đông), theo TS. Trương Công Tuyện, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có củ (Viện Cây lương thực - cây thực phẩm), hiện tại ở nhiều vùng SX, năng suất khoai tây chỉ đạt 11 - 12 tấn/ha, còn rất thấp so với tiềm năng năng suất. Hiện chúng ta đã có nhiều mô hình thâm canh khoai tây đạt năng suất 25 - 30 tấn/ha nhờ xây dựng được hệ thống nhân giống khoai tây chủ động từ nguồn nuôi cấy mô tế bào theo chu kỳ 3 cấp.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong SX khoai tây (làm đất, lên luống, rạch hàng, vun xới và thu hoạch) đã giúp giảm số công lao động từ 450 công/ha xuống còn 150 công/ha; góp phần giảm giá thành từ 20 - 25% so với củ giống nhập khẩu.
Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết SX khoai tây theo chuỗi. Trong đó, doanh nghiệp sẽ cung ứng giống 100% cho nông dân theo kế hoạch đã được thống nhất trước chu kỳ SX; tập huấn và giúp đỡ nông dân về thuốc BVTV, theo dõi thường xuyên chu kỳ chăm sóc.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong SX là rất cần thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, với điều kiện ở nước ta, việc áp dụng những công nghệ quá cao (ví dụ như nhà kính), chi phí đầu tư hàng tỷ đồng rất khó nhân rộng ra đại trà. Các đơn vị KHCN cần chuyển giao cho nông dân những công nghệ SX đơn giản hơn, ví dụ như nhà màn, nhà lưới, sử dụng cột bê tông; hệ thống tưới nhỏ giọt cải tiến tùy theo chủng loại cây trồng...
Với mô hình liên kết này, giá khoai tây luôn ổn định, không bị dao động bởi thị trường vì trong hợp đồng có một điều khoản: Nếu giá khoai tây thị trường mà xuống thấp thì vẫn trả giá hợp đồng đã ký. Ngược lại giá khoai tây thị trường lên cao thì Cty sẽ trả thêm 70% phần vượt khung so với giá hợp đồng đã ký. Nhờ đó, nông dân rất yên tâm SX và SX theo kế hoạch chung của HTX.
Cẩn trọng khi mở rộng diện tích trồng hoa
Theo TS. Đặng Tiến Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh có thể đứng vào loại cao nhất trong các cây trồng vụ đông. 1 ha hoa truyền thống thu nhập đạt 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, hoa mới có thể cho thu từ 3 - 4 tỷ đồng/ha/vụ, trong đó lợi nhuận đạt 20 - 30%.
Tuy nhiên, do ngành hoa ở miền Bắc chưa có tổ chức hiệp hội riêng, nên chính quyền và người dân thiếu thông tin, không biết nên chọn những đối tượng nào, quy mô bao nhiêu cho phù hợp.
Bắt đầu từ năm 2015, có một số doanh nghiệp lớn như Vincom, Anh Trí... đã đầu tư trồng hoa, mặt khác năm nay tình hình kinh tế có chiều hướng khó khăn, nên việc đầu tư mở rộng diện tích, hoặc chạy theo các loại hoa những năm trước cho hiệu quả cao để đầu tư trồng cho năm 2015 sẽ là một điều nguy hiểm.
Dự báo, dịp Tết Nguyên đán năm nay hoa đào sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do gặp phải thời tiết bất thuận, cây đào bị chết nhiều, tỷ lệ nở hoa đúng dịp tết thấp hơn so với những năm trước.
TS. Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy xu hướng chuyển dịch trong SX vụ đông là: cây lương thực ngày càng đẩy về khu vực trung du và miền núi, nơi có nhiều lao động, địa thế cao. Còn ở vùng ĐBSH, nếu chỉ trồng ngô, đậu tương, lúa... năng suất và giá cả thấp thì khó có thể cạnh tranh. Hiện chỉ còn rau màu giá trị cao là nhiều dư địa để phát triển nhưng đầu ra lại bất cập bởi mức tiêu thụ có hạn".
Hiện tại, các loại rau màu ôn đới tại thị trường miền Nam chủ yếu do Lâm Đồng cung ứng, số lượng không lớn. Do đó, Bộ NN-PTNT cần bàn luận với Bộ GTVT để xây dựng cơ chế đặc thù trong vận chuyển sản phẩm rau màu vụ đông của khu vực ĐBSH vào tiêu thụ ở vùng ĐBSCL và các tỉnh thành lân cận với giá cả thấp (tập trung vào thời điểm chính vụ). Bởi đây là thị trường rất có tiềm năng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: "Thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương do Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, nông sản nước ta sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan.
Do đó, ngay từ bây giờ các đơn vị trong ngành phải nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ tiên tiến, nhất là khâu giống, vật tư nông nghiệp để đưa vào SX nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả SX".
Có thể bạn quan tâm
Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ mãi duy trì kiểu độc quyền xuất khẩu gạo như hiện nay thì chỉ làm cho giá gạo ngày càng xuống thấp và người chịu thiệt vẫn là nông dân
Ngày 06/5/2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Hội Nông dân phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi sò huyết thương phẩm cho bà con nông dân. Tham dự lớp tập huấn có trên 40 hội viên, nông dân tại địa phương.
Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.
Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.