Nuôi gà theo cách ngày thả lên đồi, tối lùa về chuồng
Sau 8 giờ sáng, anh Thung thường thả đàn gà lên vườn đồi để gà vận động và kiếm ăn thêm thức ăn ngoài tự nhiên, đến 4h chiều lại lùa về chuồng.
Chuồng nuôi gà của anh Thung rất sạch sẽ nhờ áp dụng đệm lót sinh học. Ảnh: Phạm Văn Phú.
Từ năm 2018 đến nay, trang trại của anh Nông Văn Thung ở thôn Trung, xã Vĩ Thượng (huyện Quang Bình, Hà Giang) đã làm 4 dãy chuồng, mỗi dãy chuồng nuôi từ 200 – 250 con gà, chủ yếu là gà trống nuôi theo quy trình đệm lót sinh học. Nhằm đảm bảo vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, bên dưới các nền chuồng, anh Thung đều sử dụng đệm lót sinh học và phun khử trùng định kỳ cho chuồng gà.
Ngoài ra, để gà kiếm thêm các loại thức ăn như cỏ, các loại giun và sâu bọ…, vào những ngày trời nắng, sau 8 giờ sáng, anh Thung thường thả đàn gà lên vườn đồi để gà vận động và kiếm ăn thêm thức ăn ngoài tự nhiên. Theo cách bố trí của anh Thung, mỗi dãy chuồng đều có lối riêng để gà đi lên vườn đồi và sau khoảng 4 giờ chiều thì lùa gà vào chuồng.
Anh Thung cho biết: Để phát triển nuôi gà thành công, khâu đầu tiên là phải chọn giống tốt, đảm bảo vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng định kỳ cho đàn gà. Trong quá trình chăn nuôi gà, gia đình thường xuyên sử dụng đệm lót sinh học.
Việc sử dụng đệm lót sinh học không những đảm bảo vệ sinh chuồng trại mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh giúp gà phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải đảm bảo giữ ấm cho chuồng gà vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Khi gà còn nhỏ, có thể cho ăn thêm cám công nghiệp để gà mau lớn nhằm tăng khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận và dịch bệnh.
Khi gà có trọng lượng từ 0,3 kg/con trở lên, chỉ cho gà ăn các loại thức ăn thông thường như: Ngô, thóc, rau cỏ, giun quế, ốc bươu vàng… để gà mau lớn và có chất lượng thịt thơm ngon. Các loại thức ăn này, gia đình vừa tự túc vừa mua thêm của bà con trong vùng. Gia đình anh Thung thường nuôi gối đầu để đảm bảo vừa có gà đang tuổi lớn, vừa có gà đến tuổi xuất bán.
Anh Thung cho biết: Mỗi dãy chuồng, trong một năm thường xuất bán gà thành 2 lứa. Mỗi lứa xuất chuồng có trọng lượng bình quân từ 700 - 750kg. Trong một năm, mỗi dãy chuồng xuất bán bình quân từ 1,4 - 1,5 tấn gà. Cả 4 dãy chuồng trong một năm xuất bán bình quân từ 5,5 - 6 tấn gà thịt. Giá xuất bán bình quân từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, tổng thu từ 450 - 550 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 250 triệu đồng.
Anh Phù Văn Xuế, Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng cho biết: Mô hình phát triển chăn nuôi gà theo quy mô trang trại của gia đình anh Thung là một điển hình trong xã. Trong những năm qua, xã đã lấy mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Thung làm mô hình điểm để tuyên truyền cho bà con trong xã học tập và làm theo.
Nhờ đó đến nay, xã Vĩ Thượng đã có 3 mô hình phát triển chăn nuôi gà theo quy mô trang trại. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Thung có số lượng đàn gà và thu nhập cao nhất xã. Ngoài phát triển chăn nuôi gà cho thu nhập cao, anh Thung còn là một trưởng thôn gương mẫu, được bà con trong thôn tín nhiệm trong nhiều năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi cá tai tượng trong bể lót bạt và bể xi măng giữa lòng đô thị. Chỉ với 1.500 m2 mặt nước đã đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình ông mỗi năm.
Từ các mô hình hạt nhân do khuyến nông triển khai, phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ ở Đồng Nai.
Mỗi ha khoai mài sau 6 tháng trồng, có thể cho thu nhập từ 650 - 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 350 - 500 triệu đồng, có bao nhiêu được mua hết.