Loại cây ngày xưa ăn chống đói, bây giờ trồng làm giàu
Mỗi ha khoai mài sau 6 tháng trồng, có thể cho thu nhập từ 650 - 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 350 - 500 triệu đồng, có bao nhiêu được mua hết.
Anh Tuấn bên ruộng khoai mài sắp tới kỳ thu hoạch. Ảnh: Hoàng Trọng.
Từ trồng thử nghiệm cây khoai mài (hoài sơn) trên phần diện tích 300m2, đến nay gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn (1973) ở xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa diện tích trồng khoai mài của gia đình lên 14 ha.
Tiếp chúng tôi tại vườn khoai mài rộng khoảng 8 ha đang đến kỳ thu hoạch, anh Tuấn cho biết trước đây công việc chính của anh là kinh doanh các sản phẩm chuyên về sức khỏe. Trải nghiệm qua nhiều lĩnh vực và vùng miền, anh được nghe nhiều người dân nhắc đến các cây dược liệu có giá trị cho sức khỏe trong đó có củ khoai mài.
Chợt nghĩ đến nơi quê mình sinh sống có một số hộ dân đang trồng thử cây khoai mài, anh đã liên hệ và dành thời gian đến tham quan, rồi tìm hiểu qua các trang mạng, sách báo. Củ khoai mài sấy khô trong đông y dùng làm thuốc bổ mà hầu như tất cả các toa thuốc bác sỹ đông y kê cho bệnh nhân đều có thành phần của củ này. Ngoài ra trong thực phẩm, củ khoai mài còn chế biến rất nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, được nhiều thực khách ưa chuộng.
Cây khoai mài rất dễ trồng, phát triển rất tốt. Ảnh: Hoàng Trọng.
Năm 2020, sau khi tìm được địa chỉ cung ấp cây giống, anh Tuấn dành thời gian đến học hỏi kỹ thuật và đặt mua 1.000 cây giống với giá 7.000 đ/cây về trồng thử nghiệm trên lô đất 300m2. Mặc dù trồng thử nhưng cây phát triển tốt, thời gian tạo củ đạt kích thước thương phẩm từ 6 - 8 tháng. Kỹ thuật trồng khá đơn giản, chăm sóc dễ, vốn đầu tư ít mà lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ mạnh, không "đụng hàng" dội chợ so với các loại cây trồng khác.
Từ đó, anh Tuấn nhận thấy việc trồng khoai mài theo hướng sản xuất hàng hòa là cách thu lợi cao, nhanh hoàn vốn. Đầu năm 2021, anh Tuấn tạm gác việc kinh doanh và kết hợp cùng người em trai chuyển sang tìm điểm thuê đất trồng cây khoai mài lấy củ với tổng diện tích trồng (cả đất nhà và đất thuê) khoảng 14 ha. Trong đó, có 3 ha trồng tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức; 11 ha trồng tại các xã Tóc Tiên, Sông Xoài, Hắc Dịch (Thị xã Phú Mỹ).
Do khoai mài củ ăn sâu vào lòng đất nên đất trồng phải làm tơi xốp ở độ sâu từ 80 - 120 cm, luống cao 30cm. Ảnh: Hoàng Trọng.
Anh Tuấn cho biết trước khi bắt tay vào trồng với diện tích 14 ha, anh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đơn vị cung ấp cây giống. Giá thu mua củ khoai mài tại vườn là 13.000 đ/kg, không hạn chế số lượng.
Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác, anh Tuấn cho biết, trồng khoai mài trên diện tích lớn nên phải cần trên 20 lao động chăm sóc hàng ngày. Mọi công đoạn từ làm đất, đánh luống, bón phân, xuống giống, chăm sóc cắt cỏ đều được làm bằng máy. Cây khoai mài có củ mọc đâm sâu về phía lòng đất nên phải làm cho đất tơi xốp xuống độ sâu từ 80 - 120cm, sau đó lên luống cao 30cm. Sử dụng phân chuồng ủ hoai bón lót từ 5 – 7 tấn/ha.
Hom cây giống chọn để trồng là những cây có mầm to đều, khoảng cách trồng giữa hai cây cùng hàng là 25cm, khoảng cách giữa hai hàng là 80cm, luống cách luống 1,2m. Mỗi ha có thể trồng từ 25.000 đến 30.000 hom cây tùy theo cách trồng chiếc hoặc trồng đôi.
Anh Tuấn hiện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai mài lên 50 ha. Ảnh: Hoàng Trọng.
Khi thân cây có hiện tượng uốn bò, dùng lưới đan và cây tre cắm theo hình chữ A làm giá thể cho cây leo. Sau 15 ngày trồng, sử dụng phân NPK 30-20-10 bón với liều lượng 15 - 20 kg/ha, chu kỳ 7 - 10 ngày bón bổ sung một lần vào gốc cây. Trên các luống, lắp hể thống tưới phun để cung cấp nước cho cây vào mùa khô.
Đánh giá về năng suất của cây khoai mài, anh Tuấn chia sẻ: Tại vườn cây khoai mài có diện tích 8 ha thuộc xã Tóc Tiên (Thị xã Phú Mỹ), thời gian trồng trên 6 tháng, cây có hiện tượng héo lá rồi chuyển sang khô rụng, tàn lụi là đến kỳ thu hoạch. Năng suất bình quân được định lượng sơ bộ đạt hơn 2 kg/gốc. Sản lượng dự kiến khoảng 50 – 60 tấn/ha.
Với giá 13.000 đ/kg theo hợp đồng bao tiêu của công ty cung cấp cây giống, doanh thu giao động từ 650 triệu đến 800 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư trực tiếp (không tính tiền thuê đất) cho mỗi ha khoảng 300 triệu đồng, lợi nhuận thu về khoảng 350 - 500 triệu đồng/ha, không hề nhỏ so với những cây trồng khác. Dự định trong vụ tới, gia đình anh Tuấn sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng cây khoai mài lên 50 ha.
Mỗi gốc khoai mài cho thu hoạch trung bình khoảng 2kg củ.
Anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong những người trồng, cung cấp cây giống khoai mài và các sản phẩm chế biến từ củ khoai mài tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 650 ha trồng cây khoai mài.
Cây khoai mài dễ trồng, năng suất cao, giá cả ổn định, giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết được nguồn lao động địa phương. Củ khoai mài có nhiều dưỡng chất, giúp cải thiện sức khỏe con người. Trong đông y, củ khoai mài (hoài sơn) dùng làm dược liệu chữa các bệnh suy nhược, điều trị các bệnh về đường ruột, mỏi lưng, hoa mắt, đổ mồ hôi trộm, tiểu đường, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon miệng...
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng nho Hạ Đen của kỹ sư trẻ Hoàng Văn Cương không chỉ bán lấy quả, thu nhập cao mà còn làm vườn sinh thái để phát triển du lịch.
Nuôi cá tai tượng trong bể lót bạt và bể xi măng giữa lòng đô thị. Chỉ với 1.500 m2 mặt nước đã đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình ông mỗi năm.
Từ các mô hình hạt nhân do khuyến nông triển khai, phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ ở Đồng Nai.