Tiềm Năng Xuất Khẩu Cá Rô Phi
Khi nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đang gặp khó khăn thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi xuất khẩu trở nên cần thiết. Cá rô phi là một đối tượng xuất khẩu có nhiều tiềm năng.
Ở An Giang, ngư dân Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) thả nuôi cá rô phi từ năm 1996. Sau đó, để khuyến khích phong trào nuôi đối tượng mới này, ngày 21-8-2002, Bộ Thủy sản đã kết hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sản xuất và xuất khẩu cá rô phi. Tại hội nghị này, kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách là sẽ ưu tiên nâng giá trị xuất khẩu cá rô phi lên ngang bằng với cá tra.
Cụ thể, trong những năm trước mắt, sẽ đưa khoảng 13.000 – 15.000 héc-ta vào nuôi cá rô phi để đạt sản lượng 120.000 – 150.000 tấn. Song, việc triển khai không mấy thành công và phong trào xuất khẩu cá rô phi ở tỉnh dừng lại. Nguyên nhân ở thời điểm này, việc phát triển nuôi cá tra gặp nhiều thuận lợi (giá xuất khẩu tốt), ngư dân nuôi có lãi nên đã tập trung mở rộng quy mô, trong khi cá rô phi là đối tượng nuôi mới nên ngư dân rất ngần ngại.
5 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, phát triển thả nuôi đối tượng cá rô phi đã được ngư dân trong tỉnh quan tâm. Song, do quy mô nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp chế biến cũng ngần ngại trong việc tiếp thị bán sản phẩm này cho khách hàng các nước, bởi khi có đơn hàng thì việc thu gom cá nguyên liệu gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cá rô phi chỉ dừng lại ở việc thả nuôi và tiêu thụ nội địa.
“Phường Long Sơn là địa phương nuôi nhiều cá rô phi. Giá bán hiện nay thấp nhất là 31.000 đồng/kg, giá thành nuôi khoảng 25.000 đồng/kg. Cá rô phi nuôi với tỷ lệ 1,8 kg thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng. Nếu các doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu thì việc phát động nuôi cá rô phi nhằm đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu của tỉnh là việc làm không khó” - ông Đỗ Văn Sáu, ngư dân phường Long Sơn (TX. Tân Châu), cho biết.
“Về đặc điểm khí hậu, An Giang là nơi thích hợp trong việc nuôi và phát triển đối tượng cá rô phi xuất khẩu. Riêng về con giống, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã triển khai cho cộng đồng tổ chức sản xuất với quy mô đại trà nên khi triển khai nuôi cá xuất khẩu thì con giống để thả nuôi không sợ thiếu”- Thạc sĩ Vương Học Vinh, Trưởng bộ môn Thủy sản (Trường đại học An Giang), nói. Ở An Giang trong những năm gần đây, ngoài Công ty Cổ phần An Xuyên sản xuất cá rô phi xuất khẩu thì các doanh nghiệp khác cũng tham gia nhưng sản lượng không nhiều. Nguyên nhân là do cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu bị thiếu. Hiện tại, Công ty Cổ phần Nam Việt đang “mở mũi” đẩy mạnh nuôi và chế biến cá rô phi xuất khẩu. Bình quân mỗi ngày, công ty sản xuất khoảng 10 tấn nguyên liệu, mở ra một triển vọng mới cho ngư dân An Giang.
“Điều quan trọng nhất, quyết định đến việc phát triển nuôi và chế biến cá rô phi xuất khẩu ở An Giang là giá thành và chất lượng sản phẩm. Nếu giá thành nuôi nằm ở mức 25.000 đồng/kg cá thương phẩm thì chúng ta có thể cạnh tranh được với các nước khác trên thế giới. Nếu giá thành cao hơn thì sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ kém đi. Muốn vậy, việc triển khai nuôi phải được tổ chức với quy mô lớn, quy trình khép kín để giảm chi phí, hạ giá thành. Đồng thời, cần tăng cường quảng bá cá rô phi của Việt Nam để đối tác nước ngoài biết đến” - ông Nguyễn Trung Can, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần An Xuyên, nói.
Cá rô phi (Tilapia) là loài cá tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh. Từ lâu, cá rô phi trở thành nguồn protein chủ yếu ở nhiều quốc gia phát triển. Thịt cá ngọt, bùi, giàu khoáng chất, ít mỡ, lượng đạm vừa phải, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Cá rô phi là một trong 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất ở Mỹ, chỉ đứng sau tôm và cá hồi. Việt Nam là quốc gia thích hợp cho việc nuôi và xuất khẩu cá rô phi với nhiệt độ từ 27 – 32 độ C. Thời gian thả nuôi từ 4,5 – 6 tháng, mật độ nuôi tùy theo nguồn nước mà có thể thả nuôi từ 150 – 200 con/m3.
Thế giới đang ưa chuộng cá rô phi nhưng gần như chỉ có Trung Quốc và Đài Loan độc chiếm việc xuất khẩu. Nếu năm 1990, sản lượng nuôi cá rô phi trên toàn thế giới mới đạt trên 400.000 tấn thì năm 2012, sản lượng nuôi đạt 4,2 triệu tấn. So với cá tra thì sản lượng nuôi cá rô phi vượt khá xa. “Giá xuất khẩu cá rô phi vào Mỹ hiện nay dao động ở mức từ 3,8 đến 4,2 USD/kg và thị trường của cá rô phi trên thế giới rất lớn. Để nuôi xuất khẩu, chúng ta cần tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, xã, xã Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) đã đưa thêm nhiều loại dưa vào trồng. Sau khi trồng thử nghiệm, cây dưa rất phù hợp vùng đất này, là cây trồng ngắn ngày vừa cho năng suất cao, vừa chất lượng, quả nhiều và ngọt, chi phí thấp, mang lại lợi nhuận cao, thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần cây hoa màu khác.
Ngoài Trung Quốc, vải thiều Việt Nam đã tìm được chỗ đứng tại một số thị trường lớn như Mỹ, Australia...
Đó là ý kiến của Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục Trưởng Cục trồng trọt tại hội thảo rải vụ xoài cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2015 (lần 2) do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 16/7. Hơn 120 đại biểu đến từ các tỉnh: Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang đến dự.
Nhờ trồng chanh đào, nhiều nông dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Người nuôi tôm hùm Khánh Hòa đang lao đao vì giá giảm chưa từng thấy vào cuối vụ xuất bán. Hiện tôm hùm đã giảm giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.