Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo
“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!
Ý tưởng về một mô hình chăn nuôi kết hợp được anh Hùng nghĩ ra trong một lần xem chương trình truyền hình “thấy người ta làm mô hình VAC hay quá nên tìm cách học hỏi”.
Hành trình tìm cá sấu
Công việc chăn nuôi gà ngốn không ít thời gian của gia đình anh Hùng, trong đó, việc dọn dẹp vệ sinh là vất vả nhất. Mỗi ngày, cả gia đình anh phải thức dậy từ sớm để dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và kiểm tra đàn gà. “Con nào yếu hay bị chết là phải mang ra ngoài cách ly hoặc đưa đi chôn”, anh cho biết. Nhận thấy công việc này làm mất khá nhiều thời gian và cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên anh Hùng bàn với gia đình về việc tìm kiếm một loại vật nuôi tận dụng nguồn thức ăn này để kiếm thêm thu nhập. Sau nhiều đêm trăn trở tìm kiếm loại vật nuôi đáp ứng được các điều kiện về thời tiết, khí hậu của địa phương, anh Hùng phát hiện loài cá sấu là thích hợp nhất. Theo đó, loài động vật này có khả năng chịu đựng với sự khắc nghiệt của thời tiết và không kén thức ăn và đó là lý do khiến anh chọn nuôi cá sấu.
Xác định được loại vật nuôi là chuyện không mấy khó khăn, nhưng để tìm được giống rẻ và tốt thì quả là chuyện không dễ dàng. Những ngày đầu thu năm 2009, anh Hùng lân la dò hỏi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ nhưng không tìm ra nguồn cung cấp giống. Đang bí bách thì một người bạn kể mới đi miền Tây về và phát hiện ở đó có nhiều người nuôi và bán cá sấu giống. “Nghe đến đó, thằng Hùng liền khăn gói lên đường tìm con giống”, ba anh Hùng kể.
Đến miền Tây, tìm được khu vực chuyên bán cá sấu giống, anh Hùng mới vỡ lẽ về loài vật nuôi này. “Để nuôi cá sấu, cần phải có hệ thống chuồng trại đúng quy chuẩn theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, cần phải có giấy phép chăn nuôi do ngành chức năng cấp theo Công ước Cites (công ước về nuôi và buôn bán xuất khẩu các loại động vật hoang dã, quý hiếm mà Việt Nam gia nhập vào năm 1994)… Để bảo đảm cho những kế hoạch phát triển lâu dài, anh Hùng bắt xe trở về Bình Dương để chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho một trại cá sấu “hoàn chỉnh” đúng theo quy định của pháp luật. Một tháng sau, anh Hùng trở lại miền Tây và mang về 50 con cá sấu giống đầu tiên.
Mô hình lý tưởng
Trại gà của gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng nằm trên khu đất rộng gần 2 ha được chia làm 2 dãy, trong đó mỗi dãy nuôi khoảng 12.500 con. Là trại chăn nuôi gà thịt gia công nên nguồn gà thải loại mỗi ngày từ trại này là không ít và “đàn cá sấu sẽ giúp gia đình tận dụng nguồn thức ăn đó”. Sau hơn 2 năm nuôi thử nghiệm đàn cá sấu đầu tiên, giữa năm 2012, anh Hùng quyết định xuất 50 con cá sấu, thu lại hơn 100 triệu đồng lợi nhuận. Từ số tiền đó, anh Hùng bàn với gia đình và đưa ra quyết định táo bạo “mua thêm 200 con cá sấu giống mới về nuôi để tăng thêm thu nhập”.
Hiện đàn cá sấu của anh Hùng đang phát triển khỏe mạnh và lớn nhanh, hứa hẹn những khoản thu nhập đầy hấp dẫn. Sau khi xuất lứa cá sấu đầu tiên, mô hình chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Hùng được nhiều người dân quanh vùng biết đến. Nhiều người nhìn thấy tiềm năng lớn từ mô hình này cũng khăn gói tìm đến học hỏi. Ông Nguyễn Văn Khoa, một hộ chăn nuôi ở xã Phước Hòa (Phú Giáo), kể: “Nghe tin có người nuôi cá sấu kết hợp với trại gà, trại heo, tui tìm đến tận nơi học hỏi liền”. Hiện giờ, gia đình ông Khoa đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống chuồng trại để chuẩn bị đón lứa cá giống đầu tiên. Một mô hình chăn nuôi hiệu quả, được nhiều người tìm đến học hỏi và nhân rộng cũng là điều dễ hiểu.
Theo tư vấn của các chuyên gia kinh tế về lĩnh vực nông nghiệp, việc kết hợp mô hình chăn nuôi khép kín và bổ trợ cho nhau sẽ giúp người chăn nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí và có thêm những khoản thu nhập mới. Hiện nay, ngoài mô hình chăn nuôi kết hợp cá sấu - gà của gia đình anh Hùng, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình khác như chăn nuôi kỳ đà - heo, cá trê - heo, bồ câu - cá trê… và hết thảy những mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ông Trần Hùng Sơn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bến Cát cho biết, địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi kết hợp và đó sẽ là một trong những hướng đi đem lại nhiều nhiều hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Nhận tấm bằng thạc sỹ nơi phố thị, cô gái trẻ Dương Thùy Lương đã trở về quê hương Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để cùng bà con nông dân làm nông nghiệp sạch.
Sau khi bỏ nghề xây dựng, anh Nguyễn Văn Tuyến tại Thái Nguyên đã quyết định về nhà trồng nấm rơm sạch, mỗi tháng kiếm vài chục triệu nhẹ nhàng.
Cấy lúa Hà Phát 3 theo hướng hữu cơ kết hợp thả cá và chăn vịt, người nông dân đã cải thiện kinh tế đáng kể khi mỗi năm thu về 1 tỷ đồng.
Bàn tay chai sần vì khai khẩn đồng đất hoang hóa ở vùng đầm lắc. Sau gần 20 năm đội nắng, dầm mưa, ông mới có được cơ ngơi trị giá vài chục tỷ đồng…
Sau gần 4 năm, đến nay anh đã thành công lớn với mô hình nuôi ốc hương thương phẩm và ốc hương giống, mỗi năm mang về cho anh nguồn lợi trên 10 tỷ đồng.