Tiềm Năng Phát Triển Cá Nước Lạnh Ở Kon Tum
“Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên” là cách nói ví von của dân du lịch khi đến nghỉ ngơi, vui chơi giải trí tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), bởi nơi đây có đặc điểm địa lý, khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng... gần như ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Cũng vì có nhiều đặc điểm giống Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt, nên cách đây 3 năm nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Kon Plông để đầu tư các dự án nuôi cá tầm, cá hồi - loài cá chỉ quen thích nghi với vùng nước lạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đào Duy Thế, trên địa bàn huyện có rất nhiều suối, nước rất sạch, khí hậu mát mẻ và có nhiều lòng hồ thủy điện như thủy điện Đăk Đring, Thượng Kon Tum...
Vì thế hàng cá tầm, cá hồi được sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh trên vùng nước lạnh Kon Plông thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lẫn du khách tham quan. Trung bình cá tầm nuôi khoảng 8 - 9 tháng đạt 1 kg, cá hồi sau 6 tháng nuôi đạt khoảng 1 kg, với chi phí đầu tư để nuôi được 1 kg cá tầm từ 100.000 - 150.000 đồng, giá bán cá tầm thương phẩm từ 340.000 - 600.000 đồng/kg, cá hồi từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia thủy sản đến từ Ukraine, Công ty CP Thủy sản Măng Đen (Kon Tum) đã tiến hành ấp trứng hai lần đều thành công với tỷ lệ nở trên 80%. Sự thành công này mở ra triển vọng vào một ngày gần đây huyện Kon Plông sẽ chủ động được nguồn trứng để ấp, để chủ động về con giống.
Với những lợi thế ban đầu đó, cùng với những thế mạnh vốn có của Kon Plông, một Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên, nên giữa năm 2011, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, cụ thể phấn đấu đến năm 2015 sản lượng cá tầm, cá hồi đạt khoảng 500 tấn, đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 tấn.
UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương lập quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh huyện Kon Plông đến năm 2020. Đồng thời, đã được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB- XH) phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện khóa đào tạo nuôi cá tầm để hướng tới việc thành lập 4 HTX nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Hiếu, Pờ Ê, Đăk Long, Măng Cành, sau đó hướng đến hộ gia đình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đào Duy Thế cho biết thêm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới của huyện nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản là chú trọng mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh; xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu cá tầm, cá hồi để thu hút du lịch, dịch vụ là sản phẩm đặc hữu trên thị trường.
Quảng bá thông tin, nội dung quy hoạch để kêu gọi các nhà đầu tư, lập dự án nuôi cá nước lạnh. Tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, có kế hoạch lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện quy hoạch thủy sản.
Tập trung công tác nghiên cứu thức ăn và cho sinh sản nhân tạo cá để giải quyết nguồn con giống tại chỗ, hạ giá thành SX. Đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư, chuyển giao công nghệ nhằm giúp cho các cá nhân, tổ chức nắm bắt đầy đủ về quy trình kỹ thuật nuôi các đối tượng cá nước lạnh...
Cũng theo ông Thế, trong giai đoạn 2015 - 2020, Nghị quyết của HĐND tỉnh Kon Tum, khóa X xác định du lịch Măng Đen trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và cá tầm, cá hồi là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Từ năm 2011, Trung tâm Kỹ thuật Teknia (Phần Lan) và Viện Nghiên cứu NTTS 1 đã tiến hành hợp tác phát triển nuôi các đối tượng cá nước lạnh. Trước đó, Viện Nghiên cứu NTTS 1 đã nhập 50.000 trứng cá hồi vân từ Phần Lan khảo nghiệm tại trại cá Sa Pa, tỷ lệ trứng nở đạt 95%. Lâm Đồng là địa phương thứ hai được Viện 1 lựa chọn triển khai chương trình nuôi thử nghiệm 20.000 con cá hồi. Và Kon Plông (Kon Tum) là địa phương thứ ba thích nghi nuôi hai loài cá này.
Có thể bạn quan tâm
Cụ thể, giá bán buôn đường (có thuế giá trị gia tăng) tại nhà máy đường trong tuần qua ở miền Bắc là 11.163 – 12.350 đồng/kg, miền Trung, Tây Nguyên là 12.100 – 12.385 đồng/kg, còn các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL dao động từ 11.700 – 12.150 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn giá đường tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Qua các lớp tập huấn, bà con được các chuyên gia cung cấp một số kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất cà phê. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là để biết được đất trồng có phù hợp với cây cà phê hay không thì cần phải mang đi xét nghiệm. Sau một thời gian, bà con được hướng dẫn cách bón phân dựa trên kết quả xét nghiệm đất như bổ sung phân chuồng, vi lượng... và phương pháp bón phân cũng rất khác so với làm thông thường.
Với ngư trường rộng và thuận lợi, thêm vào đó là kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng hải sản lâu đời của người dân, Quảng Ninh là địa bàn có sản lượng thuỷ sản cao. Tuy nhiên, hiện nay không ít các đơn vị chế biến thuỷ sản trên địa bàn lại khó mua nguyên liệu ngay trên “sân nhà”. Việc này đã khiến cho hầu hết các đơn vị này chỉ hoạt động được hơn 40% công suất.
Điện Biên có ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào cánh thương lái, tư nhân thu mua nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì vậy, vấn đề tìm “đầu ra” cho nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” luôn là “bài toán” khó với nông dân Điện Biên.
Đối với những hộ nông dân xã Chiềng Đông, quanh năm lam lũ trồng lúa, cây ngô, cây sắn thì đây là lần đầu áp dụng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp nên không ít bỡ ngỡ. Với tổng số tiền 270 triệu đồng dành cho mô hình, Trạm đã cấp 2.000 con gà giống; mỗi hộ được cấp 50 con gà giống (nhập từ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên), 40 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, thức ăn cám công nghiệp, thuốc và vắc xin phòng bệnh.