Hướng Đi Nào Cho Rau An Toàn?
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, rất nhiều cây trồng, vật nuôi trong tỉnh đã được phát huy hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, với các loại rau màu thì vẫn còn bấp bênh. Cuộc sống người trồng màu vẫn lắm khó khăn. Nguyên nhân, hoa màu tại rẫy bán ra rớt giá liên tục, lại thiếu vắng rau an toàn (RAT) để nâng giá trị của nó và có thị trường ổn định.
THU NHẬP CAO NHỜ RAU AN TOÀN
Trong lúc có quá nhiều người tiêu dùng lo lắng chất lượng rau xanh thì khái niệm RAT đang được nhiều người chú ý. Là vùng trọng điểm hoa màu của cả khu vực bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu triển khai dự án trồng RAT cách đây một năm. Dự án do Sở KH-CN phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) thực hiện thí điểm. Và vành đai xanh TP. Bạc Liêu là nơi được chọn, bao gồm 3 điểm tại 2 xã, phường: ấp Giồng Giữa, Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành) và khóm Chòm Xoài (phường Nhà Mát) với diện tích 7,65ha.
Không có tiêu chuẩn rau sạch
Vành đai xanh TP. Bạc Liêu có 3.770ha trồng màu. Ước tính mỗi ngày, vùng rau này cung ứng cho thị trường khoảng 25 tấn hoa màu các loại. Tuy nhiên, với hai loại rau an toàn đã được chứng nhận thì lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh), cho rằng trong hệ thống quy trình thực hành nông nghiệp tốt, không có tiêu chuẩn rau sạch, chỉ có tiêu chuẩn rau an toàn. Cao hơn tiêu chuẩn rau an toàn là tiêu chuẩn VietGAP, và cao hơn VietGAP là tiêu chuẩn Global GAP do quốc tế công nhận.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh), cho biết hai loại cây màu là măng tây và hẹ (cả hẹ lá và hẹ bông) đã được Sở NN&PTNT cấp chứng nhận RAT. Có 12 hộ nông dân tham gia dự án trồng cây măng tây và 12 hộ tham gia trồng hẹ an toàn. Theo đánh giá của ông Vĩnh, vành đai xanh TP. Bạc Liêu là vùng chủ lực của tỉnh, cung ứng hoa màu cho nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP. HCM. Ở khu vực này rất thừa rau ăn lá. Do đó, xu hướng của ngành chức năng là tới đây sẽ xây dựng thương hiệu RAT thêm một số loại rau ăn lá ở vành đai xanh nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế mà vùng kinh tế này mang lại cho hàng ngàn hộ dân.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiệu quả kinh tế của RAT thể hiện rất rõ. Với cây măng tây, nếu sản xuất theo tập quán, năng suất bình quân đạt 14,7 tấn/ha/năm. Trong khi sản xuất theo quy trình RAT, năng suất tăng thêm 5,25 tấn/ha/năm (tỷ lệ tăng 55,5%) và lợi nhuận tăng thêm 304,5 triệu đồng/ha/năm. Với cây hẹ lá, nếu sản xuất theo tập quán, năng suất bình quân đạt 105,5 tấn/ha/năm, thì trồng theo quy trình RAT tăng năng suất thêm 22,5 tấn/ha/năm (tăng 27%) và tăng lợi nhuận thêm 135 triệu đồng/ha/năm. Riêng với cây hẹ bông, năng suất tăng thêm 18% và lợi nhuận cũng tăng thêm 24 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình trồng rau an toàn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao mà còn đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự án thí điểm này còn giúp nông dân áp dụng thành thạo quy trình sản xuất RAT, nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân, mở rộng chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, làm cơ sở cho sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
RAU PHÁT TRIỂN CHẬM: DO ĐÂU?
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết “tam nông”, Sở NN&PTNT giải thích, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong việc hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là giá cả của sản phẩm sản xuất an toàn chênh lệch không nhiều so với sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, do chưa có doanh nghiệp nào tham gia tiêu thụ sản phẩm an toàn, người dân thiếu vốn đầu tư, điều kiện kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng… cho nên việc thực hiện Quyết định 01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong tỉnh chưa đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Lê Công Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cái khó lớn nhất trong việc triển khai dự án trồng RAT là tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân. Kể cả hỗ trợ sản xuất thí điểm và khâu tiêu thụ sản phẩm cũng chưa làm được. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp chỉ hỗ trợ nông dân phần kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận RAT, còn kinh phí đầu tư và đầu ra sản phẩm do nông dân “tự bơi”. Ước tính, trung bình 1ha trồng RAT, chi phí xét nghiệm mẫu đất, nước (gồm nhiều chỉ tiêu) khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu việc trồng RAT có nhiều hộ dân trong cùng khu vực tham gia thì chi phí đó có sự chia sẻ. Còn nếu thực hiện riêng lẻ, chi phí xét nghiệm là một gánh nặng.
Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cũng cho rằng, do quy hoạch tổng thể ngành Nông nghiệp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt, toàn tỉnh chưa có vùng nào được quy hoạch để trồng RAT nên việc triển khai dự án RAT gặp rất nhiều khó khăn.
Tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và con người, bác sĩ Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, đề nghị: “Dự án RAT dẫu có khó khăn, tốn kém mấy cũng phải làm. Bởi, sức khỏe của người tiêu dùng là quan trọng hơn hết”.
Có thể bạn quan tâm
Đây là 1 trong 3 mô hình nằm trong dự án CRSD được thực hiện trên địa bàn huyện này nhằm góp phần tái tạo nguồn sò huyết đặc sản đã bị khai thác cạn kiệt ở đầm Ô Loan.
Giống lúa ĐS1, Akita Komachi và Hananomai có nguồn gốc từ Nhật Bản trồng trên cánh đồng của huyện Tây Hòa, Đông Hòa và miền núi Sông Hinh. Đây là vụ đầu tiên đưa vào sản xuất mô hình lúa giống chất lượng tốt, qua đó tuyển chọn giống phù hợp để triển khai sản xuất đại trà nhằm xây dựng thương hiệu cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao.
Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân huyện Thuận Nam tạm ngưng sản xuất vụ hè-thu năm 2014.
Đến nay, Trạm Thú y huyện đã tổ chức phun hóa chất khử trùng và tiêm phòng được 28 ngàn liều vac-xin phòng cúm gia cầm chủng H5N1 Re-6. Dự kiến đến ngày 30-3, Trạm Thú y huyện hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.
Giá heo lên đỉnh điểm 51-52 ngàn/kg, cứ 1 con heo nặng 1 tạ, sau 4 tháng người nuôi lãi bình quân 1 triệu đồng làm nhiều hộ lại đổ xô vào nuôi.