Tiềm năng lớn, hàng Việt Nam xuất sang Australia vẫn gặp khó
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Sao Băng/Vietnam+)
Ngày 21/9, tại thành phố Sydney, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney (VSBA) đã phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức thành công buổi hội thảo với chủ đề “Cơ hội đầu tư vào Australia.”
Hội thảo lần này thu hút sự tham dự của đại diện hơn 20 doanh nghiệp đến từ Việt Nam, doanh nghiệp của người Việt Nam tại Australia, một số chuyên gia tư vấn Australia trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, bất động sản…
Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, thuận lợi và khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường “dễ tính nhưng rất nghiêm khắc” này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hữu Cảnh, Chủ tịch VSBA, đã điểm lại tình hình hoạt động của hiệp hội thời gian qua trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney cũng như phương hướng hoạt động của VSBA trong thời gian tới, nhất là việc hỗ trợ thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước có ý định đầu tư, tìm kiếm đối tác làm ăn lâu dài tại Australia.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, đã khái quát tình hình phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Australia kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, những thành tích đạt được và những mặt còn tồn tại cũng như triển vọng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Bà cho rằng chính sách thương mại và thuế của Australia khá minh bạch nhưng hàng rào phi thuế quan (các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…) rất chặt chẽ.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch.
Năm 2014 có 26 trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và nửa đầu năm 2015 là 10 trường hợp.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoàng Thúy nhấn mạnh tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư làm ăn tại thị trường Australia là rất lớn nhưng doanh nghiệp trước hết cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường Australia và những ưu đãi mà hàng xuất khẩu được hưởng trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA).
Tiếp đó, phải xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đặc biệt chú trọng tạo lòng tin với đối tác.
Song song với đó là xây dựng thương hiệu cho mặt hàng, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cạnh tranh trên thị trường Australia.
Chia sẻ những khó khăn trong việc nhập khẩu mặt hàng nông sản vừa qua, ông Hoàng Vi Cao, chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Sydney, cho biết khi công ty ông nhập lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam sang Australia mọi việc đều thuận lợi nhưng đến lô thứ hai thì thất bại do đối tác Việt Nam bỏ mất một số công đoạn và không tuân thủ quy tắc bảo quản (lô vải thiều được bảo quản ở nhiệt độ 10 độ C để tiết kiệm chị phí thay vì ở nhiệt độ 3 độ C theo tiêu chuẩn).
Ông Hoàng Vi Cao cho rằng thị trường Australia không khó tính như mọi người nghĩ, song nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Australia cần phải nắm rõ hai nguyên tắc, đó là nghiên cứu kỹ quy định nhập khẩu của Australia đối với từng loại mặt hàng và cần hiểu rõ thị trường Australia.
Ngoài ra, tại hội thảo, một số chuyên gia tư vấn Australia trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, bất động sản đem đến hội thảo những thông tin bổ ích, thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn hoạt động đầu tư lâu dài tại thị trường Australia, nhất là các quy định, chế tài của Chính phủ Australia áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài…
Với thực trạng xuất khẩu hàng hóa sang Australia như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế nhằm thúc đẩy hoạt động này tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu của phía Australia.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, những cá thể hươu trong mô hình “Chăn nuôi hươu lấy nhung và sinh sản” của Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho thấy sự thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân.
Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh. Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi; số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi địa phương nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường.
Nghề nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành một tập quán sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Những chiếc ghe lớn, hai tầng, chở theo những bầy vịt chạy đồng trên sông nước sau mùa gặt là những hình ảnh thân quen. Trong buổi sáng bình minh, trên những cánh đồng, những người chăn vịt cần mẫn, lam lũ cùng với những đàn vịt cất tiếng gọi nhau gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả ở vùng quê.
Chiều 12/1, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn với sự tham gia của đầy đủ 3 "nhà": Nông dân, DN và nhà quản lý.
Trong năm 2014, dự án Lifsap đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi tại địa phương lắp đặt được 130 công trình hầm biogas, 1 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Bàu Hàm 2 và 1 lò giết mổ vệ tinh tại tỉnh lộ 25 đều đã đi vào hoạt động. Huyện cũng đã phát triển được hơn 100 hộ chăn nuôi heo theo chuẩn ViệtGAP, tăng gấp đôi so với năm 2013.