Tỉ phú nuôi lợn
Qua đó, có nhiều nông dân trở thành tỉ phú và đóng góp tích cực cho nền kinh tế của địa phương.
Điển hình như nông dân Võ Văn Ba ở ấp 2, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho - một tấm gương sản sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền rất đáng biểu dương.
Nhớ lại hoàn cảnh, điều kiện của bản thân trước đây, ông Võ Văn Ba, nông dân ở ấp 2, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn không nghĩ rằng mình có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay.
Ông Ba cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình rất nghèo khó. Năm 1980 khi rời quân ngũ về địa phương, vợ chồng ông chỉ có 4 công đất trồng lúa và hoa màu, thu nhập bấp bênh. Hằng ngày, ông phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Để có đồng vốn tích lũy, ông dành dụm tiền mua lợn nuôi. Từ 1 - 2 con lợn nuôi thả trong vườn, dần dần gia đình ông nhân rộng ra được vài chục con.
Đến năm 2000, khi có nguồn vốn khá, gia đình ông Võ Văn Ba bắt đầu xây chuồng nuôi lợn kiểu trang trại.
Dù qua bao thăng trầm do giá cả lên xuống, dịch bệnh hoành hành nhưng đàn lợn của ông năm sau vẫn nhiều hơn năm trước. Đến nay, trang trại lợn này có 4 dãy chuồng với hơn 500 con lợn; trong đó có khoảng 80 con lợn nái.
Lợn con đều được ông giữ lại để nuôi bán thịt. Nhờ vậy mà ông không tốn nguồn vốn mua lợn con, thường giá rất cao.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, ông Võ Văn Ba rất chịu khó dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, học hỏi nghiên cứu từ báo, đài, tham quan các mô hình chăn nuôi lợn “kiểu mẫu” do Hội Nông dân xã tổ chức.
Ngoài ra, ông còn động viên một người con gái đi học trung cấp thú y để phục vụ chăn nuôi.
Trong thời gian chăn nuôi, trại lợn của gia đình ông Ba có nhiều đợt bị rủi ro do dịch bệnh, có đợt ông thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Tuy vậy, nhưng ông không hề chán nản mà mỗi lần thất bại là người nông dân này rút ra bài học kinh nghiệm để chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn.
Gần đây, tháng nào trại lợn này cũng xuất chuồng được từ 50 - 60 con lợn thịt. Mỗi năm, trại nuôi lợn của ông Võ Văn Bà đã cung cấp cho thị trường trên 100 tấn lợn thịt, đem lại nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng, cho lãi 50%.
Đề cập đến mô hình chăn nuôi lợn kiểu trang trại, ông Võ Văn Ba chia sẻ: “Nênnuôi heo tập trung, nuôi nhiều để khi bị hạ giá, số lượng nhiều giúp mình vẫn có lãi.
Nếu giá cao thì mình thu nhập cao hơn. Trong nuôi lợn, kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi rất quan trọng, người nuôi phải nắm chắc.
Đặc biệt, phòng bệnh quan trọng nhất, phải tiêm ngừa các loại vắc-xin, vệ sinh, sát trùng chuồng trại thường xuyên và định kỳ…”
Trang trại nuôi lợn của ông Ba có quy mô lớn nhưng nhờ áp dụng khí sinh học và thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại nên giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và ít bị dịch bệnh.
Các hầm biogas của trại lợn được ông xử lý để phục vụ cho sinh hoạt, đun nấu của gia đình và hơn 10 hộ dân lân cận.
Đặc biệt để giữ vững thương hiệu đàn lợn thương phẩm, ông Võ Văn Ba không sử dụng chất cấm. Thức ăn mua vào đều được ông chọn các doanh nghiệp sản xuất có uy tín.
Ông Ba nuôi lợn thành công nhưng không giấu nghề mà luôn tận tình giúp đỡ kỹ thuật chăn nuôi lợn khi nông dân địa phương cần hỗ trợ.
Thời gian qua, ông còn cho hơn 100 sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ, Đại học tỉnh Trà Vinh, Đại học Cửu Long… đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn.
Các em được người nông dân này hướng dẫn tận tình như là người thầy thứ 2.
Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết:
“Nông dân Võ Văn Ba là tấm gương tiêu biểu của địa phương, nhiều năm liền vinh dự là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Năm nay, ông được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen”.
So với một số vật nuôi khác thì con lợn nuôi rất khó do đầu ra bấp bênh, hay bị rủi ro do bệnh dịch, ít có nông dân nào “chung thủy” với vật nuôi này.
Tuy vậy, ông Võ Văn Ba ở xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã có hàng chục năm gắn bó với trại lợn và trở thành tỉ phú từ chăn nuôi lợn.
Dù tuổi đã bước sang ngưỡng 60, và kinh tế gia đình đã khá giả, nhưng ông Võ Văn Ba vẫn còn có quyết tâm sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ông cho biết, cố gắng lao động để có thêm nguồn thu nhập vừa nâng cao cuộc sống gia đình vừa làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người nghèo, những mảnh đời cơ cực, gian khó mà gia đình ông đã từng có những tháng ngày như thế.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận (Sở Nông nghiệp & PTNN), tính từ đầu năm 2015 đến ngày 31/7, tổng sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 98.201 tấn, bằng 52% kế hoạch năm. Nhìn chung hoạt động đánh bắt trên biển thời gian qua của bà con ngư dân địa phương còn gặp khó khăn, nhất là trong quý I do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc nên tình trạng tàu nằm bờ khá phổ biến. Kể từ tháng 4 trở lại đây thì thời tiết thuận lợi hơn, do vậy các phương tiện tàu thuyền đã có điều kiện vươn khơi bám biển, đẩy mạnh khai thác vụ cá Nam.
Trồng giống cà tím “Cơm Xanh”, nhưng đến lúc thu hoạch lại bị biến thành giống cà “ngũ sắc”, nhiều hộ dân ở huyện Đông Anh, Hà Nội đã rơi vào tình cảnh trắng tay.
Từ khu đất thùng vũng đấu thầu cách đây hơn 10 năm, anh Lê Đình Hưởng, khu 4, xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã gây dựng được trang trại tổng hợp cho doanh thu vài tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá mụ cọp bằng lồng bè được quản lý và chăm sóc chặt chẽ, cá nuôi phát triển tốt, tại các điểm xây dựng mô hình cá có tỷ lệ sống trên 70%, đạt hiệu quả kinh tế, năng suất cao, có khả năng nhân rộng.
Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mưa lớn kéo dài làm nhiều diện tích dâu tây bị hư hại, khiến cho sản lượng loại đặc sản này giảm mạnh. Do khan hiếm hàng nên đẩy giá dâu tây lên cao gấp 2-3 lần.