Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Bằng Mô Hình Nuôi Thỏ

Làm Giàu Bằng Mô Hình Nuôi Thỏ
Ngày đăng: 20/01/2015

Đang làm thợ tại một xưởng cơ khí trong xã, có thu nhập ổn định, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hào (27 tuổi), ở thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) quyết định bỏ việc để mở trại nuôi thỏ. Nhờ cần cù, chịu khó và quyết tâm dám nghĩ dám làm, đến nay anh Hào đã gây dựng cho mình một trang trại nuôi thỏ. Đây là một mô hình làm kinh tế khá mới mẻ và sẽ mở ra một hướng làm kinh tế mới cho người dân trong vùng...

Chúng tôi đến xã Cam Chính hỏi thăm về mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Hào thì ai cũng biết và chỉ dẫn rất tận tình. Ít nhiều trong số họ đã từng đến xem, học tập kỹ thuật chăn nuôi hay mua con giống từ trại của anh Hào.
Trong căn nhà xây khang trang nằm ở đầu thôn Đốc Kỉnh, anh Hào đang tất bật với việc làm khô thức ăn cho thỏ. Mặc dù bận bịu với công việc nhưng khi chúng tôi nói đến việc nuôi thỏ làm giàu thì anh rất hào hứng. Anh kể, từ lâu thỏ đã được nuôi ở vùng đất này nhưng phát triển rất nhỏ lẻ, manh mún.
Nhận thấy thỏ thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lại sinh trưởng và phát triển nhanh nên anh đã bắt đầu thích thú với việc nuôi thỏ để làm giàu.
“Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ mua 3 cặp thỏ lai về nuôi thử nghiệm. Sau chưa đầy 2 tháng, số thỏ con mới tách mẹ ngày nào đã đạt trọng lượng gần 3 kg và nếu tính theo giá thị trường lúc đó cũng lãi được 2 triệu đồng. Khi thấy được nguồn lợi kinh tế cao từ việc nuôi thỏ tôi càng quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để tiến hành mở mô hình chăn nuôi với số lượng lớn”, anh Hào nhớ lại.
Tích cóp được số tiền gần 20 triệu đồng từ làm cơ khí, anh bắt tay vào thực hiện kế hoạch nuôi thỏ của mình. Tuy nhiên kế hoạch đó của anh đã gặp phải khó khăn bởi sự ngăn cản từ phía gia đình.
“Lúc đó tôi bàn với bố mẹ vay vốn mở trang trại nhưng bị ngăn cản vì sợ rủi ro, thua lỗ. Hơn nữa thời điểm ấy chẳng có ai trên địa bàn mở mô hình trang trại này”, anh Hào cho biết.
Dẫu bị ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi ý định đó của mình. Anh tiếp tục giải thích, vận động gia đình, bạn bè giúp đỡ và cuối cùng cũng tích cóp được thêm một số tiền khá lớn để lập trang trại. Đầu năm 2013, anh mở mô hình nuôi thỏ để thực hiện ước mơ làm giàu và được làm công việc đúng với niềm yêu thích của mình.
Qua nhiều lần học hỏi kinh nghiệm, anh tiến hành xây dựng chuồng trại theo đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh, kín gió về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, anh ra Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (phường Xuân Khanh, TP Sơn Tây, Hà Nội) mua 150 cặp thỏ lai về nuôi (trong đó có 20 thỏ cái, 5 thỏ đực sinh sản).
Qua tìm hiểu anh biết được giống thỏ lai có năng suất cao, chịu bệnh tốt, sinh sản nhạy và trọng lượng thỏ con lúc mới sinh ra lớn hơn so với giống thỏ thông thường nên rất yên tâm về chất lượng nguồn giống.
Từ ngày bắt tay vào công việc chăn nuôi đàn thỏ, thấy thỏ lớn nhanh từng ngày, anh rất phấn khởi và càng có thêm động lực, niềm tin vào hướng làm ăn của mình. Anh tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ở địa phương như các loại cỏ, lá cây, thân cây chuối, củ sắn, khoai, hạt ngô… cùng với chế độ chăm sóc hợp lý. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn thỏ của anh Hào nhanh chóng tăng trưởng và đạt trọng lượng cao.
“Thỏ lai sinh trưởng và phát triển rất nhanh nên chỉ sau 3 tháng là thấy rõ hiệu quả mang lại. So với thỏ nội địa thì hiệu quả kinh tế mang lại tăng lên gần gấp đôi”, anh Hào tâm sự.
Anh cho biết thêm mặc dù nguồn thức ăn có sẵn, dễ kiếm nhưng quá trình cho ăn phải cẩn thận. Rau cỏ, lá cây khi cắt về còn ướt không được cho ăn ngay mà phải đem phơi cho ráo nước hoặc để héo sau đó cho ăn trực tiếp hoặc trộn cùng cám tránh làm thỏ đau bụng dẫn đến giảm trọng lượng.
Mỗi ngày cho thỏ ăn hai lần theo giờ. Chuồng trại luôn phải được giữ sạch sẽ, dọn dẹp hàng ngày tránh gây bệnh cho thỏ, đặc biệt là bệnh ghẻ dễ mắc và lây lan nhanh. Để luôn đảm bảo nguồn nước uống sạch sẽ, anh lắp đặt hệ thống đường ống nước có các van uống tự động tiết kiệm thời gian chăm sóc, tránh được hiện tượng thỏ bị ướt lông khi dùng bát, khay uống.
Lứa thỏ đầu tiên lúc mới nhập về có trọng lượng từ 1,5 - 1,7 kg/con, sau 6 tháng nuôi đã đạt 4,5 - 5 kg/con và bắt đầu được xuất chuồng. Trung bình giá 1 kg thịt thỏ hơi trên thị trường là 110.000 đồng, anh thu về trên 100 triệu đồng. Cứ sau mỗi lần xuất chuồng, anh Hào lại nhập mới từ 150 đến 200 cặp thỏ giống về nuôi. Lúc cao điểm nhất anh nhập về số lượng 500 con thỏ nuôi vỗ béo nhanh làm đàn thỏ lên tới gần 1.000 con.
“Hiện tại tôi có 20 thỏ mẹ sinh sản, mỗi thỏ mẹ có thể sinh sản từ 7 đến 8 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 đến 9 con. Số thỏ con đó tôi dùng để gây đàn, đồng thời nhập thêm thỏ giống để nuôi lấy thịt nhằm tăng thêm thu nhập”, anh nói.
Hiện tại nghề nuôi thỏ trên địa bàn chưa có ai làm nhiều nên sự cạnh tranh ít, thỏ thịt tiêu thụ mạnh nên công việc làm ăn của anh thuận lợi. Ngoài ra trang trại của anh là địa chỉ tin cậy với người nuôi thỏ. Anh không những sẵn sàng tư vấn kỹ thuật chăn nuôi mà còn bán với giá bình dân (trung bình thỏ con 1 tháng tuổi có giá 140.000 đồng/cặp).
Thời gian gần đây, anh chú trọng vào việc nhân giống bằng cách tăng số lượng thỏ mẹ sinh sản để hạn chế nhập con giống. Việc làm đó sẽ giảm bớt chi phí và thuận tiện hơn trong việc chủ động nguồn giống. Anh Hào cho biết, thỏ lai phát dục khá sớm (từ 2,5 tháng tuổi) nhưng độ tuổi sinh sản tốt nhất là từ 4 đến 4,5 tháng, trọng lượng thỏ khi ấy đạt trên 4 kg. Trước khi thỏ đẻ, cho ăn nhiều cám, rau quả tươi để tránh táo bón.
Khi thỏ đẻ, tăng cường các loại thức ăn, bổ sung các loại quả như ổi, chuối, nước đường để tăng lượng sữa cho thỏ mẹ. Cho thỏ ăn nhiều vào ban đêm do thói quen của thỏ là ngủ ngày, thức đêm. Cần theo dõi kỹ thỏ khi đẻ, bật đèn sưởi ấm nếu trời lạnh và tránh tiếng ồn, tránh ánh sáng, tránh mùi khói lạ.
Khi thỏ con được 12 ngày tuổi thì tiến hành quy trình tách mẹ hoàn toàn, đưa thỏ con sang khu chuồng khác, chỉ cho bú thỏ mẹ theo khung giờ nhất định. Từ lúc này, thỏ con được cho ăn thức ăn bổ sung. Sau 40 ngày từ lúc tách mẹ, thỏ con đủ tiêu chuẩn bán giống và lúc đó thỏ mẹ có thể cho phối giống trở lại.
Ngoài việc chăm sóc, cho ăn đúng cách, anh Hào luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại, quét dọn hàng ngày, phun thuốc sát trùng quanh khu vực nuôi và thường xuyên tiêm vắc-xin phòng bệnh bại huyết, cầu trùng cho thỏ. Nhờ vậy, đàn thỏ của gia đình anh luôn phát triển, sinh trưởng tốt. Hàng năm trừ mọi chi phí nhập giống, thức ăn, mô hình nuôi thỏ của anh cho lãi từ 70 - 80 triệu đồng.
Với niềm đam mê, sự quyết tâm của mình, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Hào không những làm giàu cho mình mà còn mở ra một hướng làm kinh tế khá mới mẻ cho bà con trong thôn.


Có thể bạn quan tâm

Đề nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân vụ lúa không kết hạt Đề nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân vụ lúa không kết hạt

Vụ “Lúa không kết hạt, phải cắt cho bò ăn”, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã báo UBND tỉnh để đề xuất Chính phủ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

05/10/2015
Indonesia và Malaysia sẽ thành lập Hội đồng sản xuất dầu cọ Indonesia và Malaysia sẽ thành lập Hội đồng sản xuất dầu cọ

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nguồn tin hãng Antara ngày 5/10 cho biết hai nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, Indonesia và Malaysia sẽ thành lập một Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) để đảm bảo ổn định giá cả và phát triển ngành công nghiệp này.

05/10/2015
Vì sao phải tái cơ cấu nông nghiệp Vì sao phải tái cơ cấu nông nghiệp

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu chính của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10.6.2013.

05/10/2015
Giá cao su Việt Nam lao đầu giảm 30 USD/tấn Giá cao su Việt Nam lao đầu giảm 30 USD/tấn

Kết thúc tuần 28/9 - 2/10, giá cao su thiên nhiên thế giới và Việt Nam đều chung xu hướng giảm mạnh so với tuần trước đó.

05/10/2015
Bức tranh buồn về kinh tế nông thôn Bức tranh buồn về kinh tế nông thôn

Kết quả cuộc khảo sát đối về kinh tế nông thôn vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố cho thấy nhiều điều đáng suy nghĩ.

05/10/2015