Tỉ Phú Chăn Bò
Ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) có những thanh niên chăn bò có thu nhập lên tới 1-2 triệu đồng/ngày. Có người trở thành tỉ phú từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp từ nghề nuôi bò thuê.
1 Mới qua tuổi 30 nhưng anh Vũ Văn Chinh (Mộc Châu, Sơn La) đã có trong tay nhiều tỉ đồng. Sở hữu một trang trại rộng gần 3 ha, 30 con bò sữa, mỗi ngày anh Chinh vắt được vài tạ sữa tươi. “Mỗi tháng, tiền bán sữa được 115 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, thuê người làm…, tôi bỏ túi 60 triệu đồng. Mỗi ngày, ngủ dậy thò chân xuống đất là tôi đã có 2 triệu đồng bỏ túi rồi”, anh Chinh vui vẻ khoe.
Để trở thành ông chủ bò có thu nhập tốt như ngày hôm nay, anh Chinh đã phải trải qua một thời gian dài gian khó gây dựng, bắt đầu là từ nghề chăm bò thuê. “Một lần từ Thái Bình lên Mộc Châu thăm người bà con vào những ngày mùa hè, mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió, cùng những con bò sữa “đẻ” ra tiền nơi đây đã có một sức hút ghê gớm đối với tôi. Quyết định ở lại, tôi mong ước mình sẽ trở thành tỉ phú chăn bò”, anh Chinh nhớ lại.
Biết rõ nuôi bò sữa không phải là nghề của người nghèo vì mỗi con bò giá cũng vài chục triệu đồng, nhưng chàng trai quê lúa vẫn tự tin rằng mình có thể đi lên từ hai bàn tay trắng. Chinh bắt đầu bằng việc chăm bò thuê cho các ông chủ nuôi bò sữa với mục đích học hỏi kinh nghiệm và tích lũy vốn liếng. “Tôi làm đủ việc, từ ủ thức ăn, cho bò ăn, tắm cho bò, dọn dẹp chuồng trại đến vắt sữa bò và chở sữa đi bán. Mỗi tháng tiền công cũng được một vài triệu đồng. Sau nhiều năm vắt sữa bò thuê, tôi cũng dành dụm được chút ít, vay ngân hàng, Công ty bò sữa Mộc Châu cho vay thêm 20 triệu đồng nữa, tôi đánh liều mua một con bò sữa về nuôi”, anh Chinh kể.
Trong thời gian chăm bò thuê, Chinh gặp và đem lòng yêu cô gái đồng nghiệp đang làm thuê cho một chủ trại bò gần đó. Hai người đến với nhau, trở thành vợ, thành chồng sau một đám cưới đạm bạc nhưng giàu nghĩa, giàu tình. Chinh và vợ tiếp tục công việc chăm bò thuê và vay mượn rồi mua thêm được một con bò nữa về nuôi. Hai vợ chồng chăm chỉ, chịu khó chăm sóc 2 con bò và rồi những con bò cũng không phụ công chăm sóc của chủ, ngày ngày cho sữa đều đặn. “Sau một thời gian, chúng tôi đã trả hết nợ, rồi tiếp tục đầu tư mua thêm từng con bò một. Đến nay, có được cơ ngơi như thế này, tôi thấy mình thật may mắn”, anh Chinh nói.
2 Thoạt nhìn Phan Doãn Huấn (30 tuổi) đang cưỡi trên lưng trâu, đánh xe đi chở thức ăn cho đàn bò sữa, ít ai biết chàng trai sở hữu khuôn mặt hiền hiền này đã từng tốt nghiệp khoa Điện tử viễn thông của ĐHQG Hà Nội và có một công ăn việc làm ổn định tại thủ đô. “Sinh ra ở Mộc Châu, bố mẹ nuôi bò sữa, lớn lên bên những đồi cỏ mênh mông, mùi hôi hôi của bò, uống sữa bò, tôi “yêu bò” từ khi nào cũng chẳng rõ. Đi học, tốt nghiệp ra trường rồi đi làm, tôi vẫn luôn hướng về những con bò ở Mộc Châu. Vì thế, tôi đã quyết định trở về quê lập nghiệp với nghề nuôi bò sữa”, Huấn nói.
Biết anh trở về quê chăn bò, bạn bè nói ra nói vào, có người còn cho rằng anh bị điên, khùng. “Cũng tiếc công việc và cuộc sống ở thủ đô nhưng đến giờ, tôi vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn”, Huấn quả quyết. Nhìn Huấn âu yếm những con bò, dọn dẹp chuồng bò, chở cỏ cho bò ăn, chúng tôi biết, anh đang rất hạnh phúc với công việc của mình. Cơ ngơi mà Huấn đang có nói lên rằng anh đã đúng với quyết định trở về quê lập nghiệp.
Hiện Huấn đã có trong tay vài chục con bò, mỗi tháng cũng bỏ túi vài chục triệu đồng, mỗi ngày thu nhập trên 1 triệu đồng “là chuyện bình thường”. Trên hết, ngay tại mảnh đất quê hương, chàng cử nhân công nghệ thông tin chăn bò đã tìm được hạnh phúc của đời mình ngay trong một cuộc thi… hoa hậu bò sữa Mộc Châu. “Nàng bò của tôi đoạt giải. Nàng bò nhà cô ấy cũng đoạt giải nhưng giải bé hơn. Gặp nhau. Tự dưng chúng tôi đến với nhau. Rồi tự dưng thành vợ, thành chồng”, Huấn dí dỏm kể.
3 Cư dân mới nhất gia nhập đội ngũ những người chăn bò có thu nhập “khủng” ở Mộc Châu là anh Nguyễn Nhật Cường (30 tuổi. Quê ở Hòn Gai (Quảng Ninh), cách đây 6 tháng, Cường quyết định khăn gói lên Mộc Châu tìm cơ hội lập nghiệp sau một lần tới thăm người anh họ đang nuôi bò sữa trên cao nguyên này. “Tận mắt thấy người anh nuôi bò, bán sữa mỗi ngày thu về bạc triệu, tôi ham lắm. Cả hai vợ chồng đều tốt nghiệp các trường cao đẳng nhưng loay hoay mãi vẫn chưa xin được việc làm. Đi xin việc chỗ nào người ta cũng đòi “vé” này “vé” nọ, thấy chán, tôi đem “vé” đó lên Mộc Châu làm vốn nuôi bò”, Cường nói.
Chân ướt chân ráo từ vùng biển lên vùng núi non, lại là người ngoại đạo trong việc nuôi bò sữa nhưng được những cư dân lâu năm, giàu kinh nghiệm nơi đây và Công ty bò sữa Mộc Châu hỗ trợ về kỹ thuật, vốn liếng, bảo hiểm vật nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh, bao tiêu đầu ra nên không quá khó để Cường bắt được nhịp. Bây giờ, Cường đã tự biết ủ chua thức ăn, tự tay vắt sữa bò. “Lần đầu tiên đưa tay nắm bầu vú bò để vắt sữa tôi ngượng chín mặt. Vợ đứng bên cạnh nên tôi lóng ngóng mãi vẫn không sao làm được cái việc mà bất cứ chàng trai chăn bò nào ở cao nguyên đều làm thuần thục. Nhưng giờ thì tôi đã có thâm niên vài tháng vắt sữa bò rồi”, Cường kể.
Là cư dân mới nhưng thu nhập của Cường từ công việc nuôi bò sữa cũng khiến nhiều người… giật mình. Mỗi ngày, Cường vắt được 2,4 tạ sữa, trả hết chi phí, vẫn còn thu về trên 1 triệu đồng. “Người ta bảo chẳng mấy chốc nữa tôi sẽ trở thành người chăn bò đi xe “mẹc”. Nếu ông trời thương, điều đó, tôi nghĩ sẽ trở thành hiện thực”, Cường tự tin.
Có thể bạn quan tâm
Hơn tuần nay, một số loại trái cây được bán trên thị trường Phú Yên với mức giá khá cao. Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của mặt hàng này.
Cuối năm 2012, HTX Vân Nam (Quang Bình - Hà Giang) triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô thâm canh trên đất dốc tại huyện Quang Bình”. Mô hình được thực hiện với mục tiêu chung đó là góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo sản phẩm hàng hóa; giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao thu nhập...
Ngày 01/4, tại UBND xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện và các đoàn thể tổ chức míttinh tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhân Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam (01/4). Sau buổi míttinh, các cán bộ ngành Nông nghiệp, lãnh đạo huyện và lực lượng đoàn viên thanh niên đã đến xã An Thạnh Nam thả 3 triệu con tôm sú giống xuống sông Hậu.
Với quyết tâm tìm hướng đi mới, anh Đào Văn Suốt thôn Tân Hòa - xã Sông Phan là người đầu tiên thử nghiệm mô hình trồng mít cao sản hay còn gọi mít siêu sớm trồng xen tiêu cho hiệu quả cao ở xã Sông Phan - Hàm Tân (Bình Thuận
Giá cà phê trong nước đang ở mức hơn 43 triệu đồng/tấn, tăng trung bình hơn 100.000 đồng/tấn so với mức giá trung bình của tháng 1 và tháng 2, đã làm cho các nhà nhập khẩu cà phê của Việt Nam giảm lượng mua và chuyển hướng sang nhập khẩu ở những thị trường khác.