Thủy Sản Tăng Giá, Ngư Dân Vươn Khơi
Những ngày qua, giá hải sản liên tục tăng, khiến ngư dân rất phấn khởi. Tại cảng cá khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, tàu thuyền của ngư dân ra vào tấp nập, với những khoang cá đầy ắp.
PV có mặt tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) đúng lúc có gần chục tàu đánh bắt xa bờ đang cặp mạn, hải sản từ dưới hầm chứa chuyển lên bờ bán cho thương lái rất nhộn nhịp.
Tài công Võ Quí Sửu của tàu BV92949TS cho biết, sau 45 ngày ra khơi, đôi tàu hành nghề kéo lưới đôi của anh đánh bắt được gần 50 tấn hải sản các loại.
“Chuyến ra khơi lần này chắc chắn có lời vì giá bán đã tăng thêm. Ví dụ như mực tăng thêm từ 5.000 đến 20.000 đ/kg, cá thương phẩm như cá phèn, cá đổng, cá mối… tăng thêm từ 2.000 đến 5.000 đ/kg, ngay cả cá tạp nhỏ cũng tăng được từ 1.000 đến 2.000 đ/kg.
Sau chuyến này, chúng tôi sẽ ra khơi ngay vì tinh thần anh em đang rất vui, thêm quyết tâm vươn khơi bám biển” – anh Sửu nói.
Trong chuyến này, tàu anh Sửu còn đánh bắt được con cá “khủng” (thuộc họ cá mập), nặng 181 kg, có thương lái bỏ ra 15 triệu đồng mua ngay.
Cũng vừa mới cặp mạn cảng và đang giám sát việc bốc dỡ hải sản, anh Nguyễn Hữu Thạch, tài công tàu BV5644TS vui vẻ cho biết: “Chuyến này đi hơn 45 ngày, đánh bắt được gần 40 tấn hải sản, trong đó có 20 tấn nhờ gửi vào bờ bán sớm nên được giá cao vì “hàng tươi”. Số còn lại được bảo quản trong hầm đá, giờ về bờ cũng bán đúng thời điểm được giá nên chắc chắn bỏ túi vài chục triệu đồng”.
Đặc biệt, đội tàu 16 chiếc của 2 bà chủ Lê Thị Cúc, Lê Thị Huệ (ấp Tân Lộc, xã Phước Tỉnh) thắng lớn nhờ gần đây liên tục trúng cá và trúng giá. Ngồi trên tàu BV92397TS của mình vừa mới vào bờ, chị Cúc chia sẻ: “Chuyến ra khơi lần này đánh bắt được khoảng 180 tấn hải sản, tính ra lời hơn 100 triệu đ”.
Từ đầu năm đến nay, do chủ động trong việc sử dụng tàu dịch vụ hậu cần nên đội tàu đánh bắt xa bờ của chị Cúc liên tục bám biển, hoạt động hiệu quả. Cụ thể, cứ khoảng 10 đến 20 ngày là có tàu chuyên chở đá lạnh, dầu, nhu yếu phẩm ra cung cấp cho đội tàu của chị Cúc và chị Huệ, rồi chở toàn bộ hải sản đánh bắt được vào bờ bán, vì thế đội tàu của 2 chị bám biển dài ngày hơn.
Chị Cúc cho biết: “Nhờ theo dõi thông tin báo, đài về nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ ngư dân trong đánh bắt xa bờ, tôi đã mạnh dạn lên xã đăng ký vào tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Sau đó làm hồ sơ vay 15 tỷ đồng để nâng cấp đội tàu và đóng mới thêm 2 tàu nữa làm tàu dịch vụ hậu cần, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho đội tàu vươn khơi bám biển lâu dài”.
Trao đổi với PV, anh Đinh Đức Lộc, người của vựa thu mua hải sản Đinh Tiên Hảo có trụ sở và kho lạnh ngay tại cảng cá Phước Tỉnh, cho biết: Trước đây giá hải sản xuống thấp là do sức mua giảm từ các DN đầu mối XK qua Trung Quốc. Nhưng từ giữa tháng 7, giá bắt đầu nhích lên và đến nay đã tăng rõ rệt, các DN đẩy mạnh thu mua giúp ngư dân ra khơi đều ít nhiều có lãi.
Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 6.300 tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản, trong đó số tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ có trên 2.500 chiếc. Riêng xã Phước Tỉnh có 1.100 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất từ 90 CV trở lên, với tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 80.000 tấn. Trong đó, hải sản XK đạt 30.000 tấn, đưa tổng giá trị ngành khai thác và chế biến thủy hải sản của địa phương lên tới 1.500 tỷ đ.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tháp Mười có 31 hợp tác xã (HTX), trong đó có đến 30 HTX nông nghiệp và 1 HTX vận tải thủy bộ với tổng số 905 thành viên, vốn điều lệ trên 23 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận hàng năm dao động từ 90 - 125 triệu đồng/năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu mặt hàng tôm vẫn tăng mạnh và có thể đạt 3 tỷ USD vào cuối năm 2014 nếu như dịch bệnh được kiểm soát và thị trường thuận lợi. Nhưng mặt hàng chiến lược số 1 của thủy sản này cũng có không ít điều để nói.
Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã nhân rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ở Đồng Tháp, loại hình nghệ thuật này hiện đang phát triển với sự tham gia ngày càng nhiều của những người yêu nghệ thuật.
Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển HTX phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các HTX và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.