Thương lái Trung Quốc lại săn lùng hạt ươi
Việc này khiến nhiều người dân tại các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy đổ xô vào vùng rừng giáp ranh với Campuchia tại huyện Sa Thầy, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hái ươi về bán.
Ngày 17/5, đại lý thu mua nông sản N.L trên địa bàn huyện Ngọc Hồi vẫn còn khoảng hơn 5 tạ hạt ươi khô chờ bán. Ông L., chủ cơ sở này cho biết, không chỉ có thương lái ở TP Kon Tum, TP HCM, Hà Nội đến hỏi mua hạt ươi, mà còn có cả thương lái người Trung Quốc.
“Mấy hôm trước có cả người Trung Quốc đi ô tô vào tận đây đặt hàng. Nhưng số lượng lớn quá mà gần cuối vụ rồi nên tôi không đồng ý”, ông L. nói.
Bà H., một đại lý thu gom lớn tại huyện Ngọc Hồi, cho biết lúc cao điểm mỗi ngày bà thu mua 2,5-3 tấn ươi và bán sang Trung Quốc. “Tôi chỉ nghe nói hạt ươi có tác dụng mát gan, thanh lọc cơ thể, chữa vôi cột sống. Còn bên Trung Quốc họ mua làm gì thì tôi cũng chịu”, bà H nói.
Theo người dân ở đây, những năm trước cũng có hạt ươi nhưng rất ít. Năm nay là năm nhuận nên ươi mới vào chính vụ. “Cứ 4 năm mới có một lần, nhưng giờ rừng hết rồi nên chúng tôi phải đi rất xa mới hái được quả ươi”, anh H.T.K (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) cho biết.
Nhóm 6 người của ông T.V.N (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) sau gần một tuần lặn lội vào khu vực rừng giáp ranh Campuchia, đã nhặt được hơn 200 kg hạt ươi mang về bán với giá 190.000 đồng/kg. Ông N. cho biết đây là lần thứ năm ông đi tìm ươi trong năm nay.
“Bốn chuyến trước chúng tôi đi rồi về chia nhau, mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng”, ông N. nói. Những cây ươi bay (quả già tự rụng) sẽ bán được giá cao hơn loại ươi phải chặt hạ cây để hái.
Người dân ở xã Sa Loong chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng đi lấy ươi một mùa bằng cả năm thu nhập từ nương rẫy, nên có rất nhiều người cùng đổ xô vào rừng chặt ươi lấy hạt. “Những ngày đầu mùa người ta đi vào rừng này kiếm ươi như đi trẩy hội, càng cuối vụ số người vào rừng hái ươi càng ít. Nguyên nhân là do phải đi xa mới tìm được, và nếu không may gặp trận mưa thì hạt ươi sẽ nở không còn giá trị”, ông N. cho biết.
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, thực tế tình trạng khai thác ươi không nhiều. “Người dân vào rừng chỉ nhặt hạt ươi bay chứ không chặt hạ cây. Nhưng hiện tại đã có mưa nên không ai vào rừng lấy ươi nữa”, vị này cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết hạt ươi là lâm sản phụ nên người dân có thể vào rừng nhặt loại rụng, nhưng nghiêm cấm việc chặt hạ cây để lấy hạt. Hiện Chi cục chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân vào rừng chặt hạ cây ươi. Nếu nhận được thông tin sẽ yêu cầu Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn.
Cũng theo ông Bình, những năm trước đây, trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua các loại cây kim cương, lá sâm. Riêng việc mua hạt ươi thì chưa nhận được thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 21.7, tại Phú Yên, Bộ NNPTNT tổ chức sơ kết thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” 6 tháng qua.
Đây là đề nghị của Sở NNPTNT TP.HCM với UBND thành phố trong báo cáo về tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.
Nhờ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và tập trung thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi… nên những năm qua lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của huyện Quế Sơn đã có bước đột phá mạnh mẽ. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo tiền đề quan trọng giúp địa phương xây dựng thành công mô hình nông thôn mới…
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt cho vay vốn đóng mới nâng cấp tàu, vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Chúng tôi có dịp đến nhiều địa phương để cảm nhận sự đổi thay trong phát triển nông nghiệp của người dân Triệu Phong (Quảng Trị). Đây là kết quả của nhiều chính sách mà cấp ủy, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương áp dụng vào thực tế trong suốt thời gian qua.