Thương Lái Trung Quốc Hóa Du Khách Mua Cua Biển

Nhiều thương lái Trung Quốc tiếp tục lách luật, núp bóng danh nghĩa khách du lịch có thời hạn để thu gom cua biển tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ban đầu, họ tạo uy tín qua việc chi trả sòng phẳng.
Qua theo dõi sổ ghi chép lưu trú tạm vắng, tạm trú của Công an thị trấn Năm Căn, hiện có bảy người quốc tịch Trung Quốc đăng ký tạm trú tại thị trấn này, trong đó 4 người thuê khách sạn, còn lại thuê mướn nhà dân trong vùng. Họ có đủ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu khách du lịch (thời hạn 6 tháng).
Tìm hiểu thực tế của Tuổi Trẻ, cả bảy khách du lịch quốc tịch Trung Quốc nêu trên đang ngấm ngầm giao dịch mua cua biển với các chủ vựa cua bản địa, chủ yếu qua điện thoại hoặc giao dịch miệng, không có hợp đồng mua bán. Với kiểu làm ăn này, trong năm 2012 hàng chục chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn đã dính bẫy lừa của một nữ thương lái Trung Quốc tên thường gọi là A Kiều.
Bà này cũng trong vai khách du lịch, lần mò đến Năm Căn, tạo uy tín buổi đầu qua việc chung chi tiền bạc sòng phẳng, về sau viện cớ đối tác bên Trung Quốc thanh toán tiền chậm, trả “gối đầu” cho những vựa cua. Khi số tiền thiếu các chủ vựa cua đến hơn chục tỉ đồng (theo đơn tố cáo của người dân với công an), A Kiều trốn bặt tăm khỏi địa phương cho đến nay.
Thiếu tá Mã Thiện Hùng - phó trưởng Công an thị trấn Năm Căn - cho biết những người Trung Quốc nêu trên là khách du lịch, giấy tờ hợp pháp. Trong khi đó, các giao dịch mua cua không có hợp đồng, các phần việc như chào giá, thu gom, đóng thùng, chuyển hàng đi… đều do các vựa cua ở địa phương tiếp tay nên ngành chức năng không có cơ sở để xử lý nếu có sự cố quỵt nợ xảy ra.
Sau khi mắc lừa A Kiều, một số chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn vẫn tiếp tục giao dịch mua bán với thương lái Trung Quốc tên A Dũng, A Sin, A Quý… nhưng đã dè chừng hơn. Ông Đỗ Chí Hùng - chủ vựa Sáu Tỷ (khu vực 2, khóm 1, thị trấn Năm Căn), tiết lộ: nhà vẫn còn bán cua cho thương lái Trung Quốc nhưng tiền bạc phải sòng phẳng theo kiểu “tiền trao cháo múc”, giao tiền trước khi giao hàng để tránh bị lừa, quỵt nợ như trước.
Ngoài Năm Căn, thương lái Trung Quốc hiện núp bóng khách du lịch để mua cua biển ở một số huyện khác như Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Đầm Dơi… ước số lượng trên 40 người.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 19/7, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai chính sách về hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi thuộc lĩnh vực trồng trọt, theo Quyết định 16/QĐ-UBND ngày 6/7/2012.

Hiện nay một số địa phương trên địa huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xảy ra tình trạng tôm bệnh, tập trung tại thị trấn Sịa (4 ha), xã Quảng Phước (3 ha) và xã Quảng Công (1 ha) với số lượng tôm bị bệnh trên 120 vạn con. Trước tình hình trên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã cử cán bộ kỹ thuật tiến hành lấy mẫu giáp xác tại các hồ nuôi để kiểm tra các chỉ tiêu môi trường. Kết quả kiểm tra mầm bệnh bằng phương pháp PCR cho thấy các hồ nuôi tôm trên bị nhiễm bệnh vi rút đốm trắng. Để khống chế dịch bệnh, không để lây lan sang các hồ khác, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành lập biên bản đóng cống các hồ nuôi xen ghép tôm cá, tiến hành thả cá ở những hồ này. Đối với những hồ nuôi chuyên tôm, tiến hành xử lý rãi hóa chất Chlorin để tiêu diệt mầm bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật mới tiếp tục thả nuôi.

Một thời gian dài, cây hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao của nông dân xã Văn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những vườn tiêu hàng nghìn gốc của bà con nơi đây bỗng dưng chết rụi…

Hiện nay có rất nhiều mô hình làm kinh tế của đoàn viên, thanh niên trong huyện Cái Nước (Cà Mau) mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình nuôi thỏ giống của anh Nguyễn Văn Trạng, Bí thư Chi đoàn ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước.

Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.