Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thương Hiệu Cây Ăn Quả Đạ Huoai Còn Bỏ Ngỏ

Thương Hiệu Cây Ăn Quả Đạ Huoai Còn Bỏ Ngỏ
Ngày đăng: 03/12/2014

Đạ Huoai được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn quả của Lâm Đồng, với diện tích, sản lượng tăng qua từng năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích canh tác. Vấn đề đặt ra là, đến khi nào huyện Đạ Huoai mới xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm cây trái nơi đây.

Việc chuyển đổi diện tích cây điều già cỗi, kém hiệu quả sang một số cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây ăn quả là một lựa chọn đúng và nằm trong chương trình trọng tâm của huyện Đạ Huoai những năm qua. Đồng thời với sự chuyển đổi này, Đạ Huoai còn thực hiện chuyển đổi giống cây ăn trái cho năng suất, chất lượng cao.

“Điều đó góp phần duy trì tốc độ phát triển khá trong lĩnh vực nông nghiệp, dần định hình nền sản xuất nông nghiệp huyện mang tính bền vững và phát triển có chiều sâu theo xu hướng sản xuất hàng hóa” - như nhận định của UBND huyện.

Cũng theo UBND huyện Đạ Huoai, trong tổng số gần 7.067ha cây công nghiệp dài ngày bao gồm cây điều, cà phê, cao su… được canh tác trên địa bàn huyện, cây ăn quả chiếm hơn 40% diện tích. Và hiện tại, diện tích cây ăn quả của toàn huyện là 3.240ha, đạt 102% kế hoạch và tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Ngược thời gian trở về trước, cách đây 5 năm, số liệu thống kê năm 2010 cho thấy, tổng diện tích cây ăn quả của Đạ Huoai mới chỉ đạt 2.256ha, trong đó, cây sầu riêng chiếm phần lớn gần 1.387ha, kế đến là mít các loại 495ha, chôm chôm 373ha, măng cụt 209ha… và các loại cây có múi, cây ăn quả khác. Tại thời điểm năm 2010, năng suất thu hoạch từ vườn cây ăn quả của huyện đạt 73,6 tạ/ha, tổng sản lượng cây ăn quả của toàn huyện đạt 11.654 tấn.

Từ quá trình trồng mới, chuyển một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả khác qua trồng cây ăn quả, song song với việc cải tạo giống theo hướng chất lượng cao, năng suất chất lượng sản phẩm cây trái Đạ Huoai không ngừng được tăng lên thấy rõ. Theo đó, đến năm 2014, huyện Đạ Huoai đã trồng mới 280ha, chuyển đổi 52ha từ cây trồng khác và cải tạo giống 155ha cây ăn quả.

Đặc biệt, diện tích cải tạo giống cây ăn quả theo hướng chất lượng cao đạt trên 1.964ha, chiếm gần một phần ba tổng diện tích cây ăn quả của huyện. Hiện tại, diện tích cây ăn quả cho thu hoạch ở Đạ Huoai là 1.953ha, tăng 54ha. Tính đến cuối tháng 9 năm 2014, sản lượng thu hoạch từ cây ăn trái Đạ Huoai đạt 16.184 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt năng suất bình quân 82,4 tạ/ha, tăng bình quân 8,8 tạ so với 5 năm trước.

Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện nhận định: Việc chuyển đổi cây ăn quả sang giống chất lượng cao đạt 2.886ha, chiếm 88% tổng diện tích cây ăn quả của huyện đã làm gia tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.

Trong đó, không ít hộ có mức thu nhập từ vườn cây trái từ 150 đến 200 triệu đồng/ha, thậm chí một số hộ có mức thu nhập cao từ 450 đến 500 triệu đồng/ha. Điều này khẳng định việc phát triển các loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn huyện là đúng hướng, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.

Vì vậy, huyện Đạ Huoai tiếp tục xác định cây ăn quả cùng cây điều, cao su là 3 dạng cây trồng chủ lực của huyện trong thời gian tới. Riêng đối với cây ăn quả, dự kiến năm 2015, sản lượng ước đạt 17,44 ngàn tấn, tăng 1,2 ngàn tấn so với năm trước và tăng 50% so với năm 2010.

Do đó, để đảm bảo nhịp độ phát triển vườn cây ăn quả ổn định, tăng năng suất và sản lượng trong thời gian tới, Đạ Huoai sẽ tập trung tiến hành cải tạo giống cây ăn quả chất lượng cao, nhất là các loại cây sầu riêng, măng cụt, mít… cho hiệu quả kinh tế để đến năm 2020 đạt 3.040ha trong tổng số diện tích 3.267ha cây ăn quả của huyện. Theo đó nâng năng suất vườn cây ăn quả lên 115,6 tạ/ha, đạt tổng sản lượng 34.126 tấn/năm.

Cây ăn quả đã đứng chân trên vùng đất Đạ Huoai từ rất lâu, thế nhưng cho đến hiện tại, huyện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho cây trái vùng này là một điều đáng tiếc. Bởi vấn đề xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý cho nông sản là “bảo chứng” đối với sự tin cậy của người tiêu dụng.

Tuy nhiên đến nay, Đạ Huoai mới tiến hành chuyển đổi giống, tăng năng suất chất lượng sản phẩm trái cây, còn thương hiệu đối với cây ăn quả còn bỏ ngỏ. Theo UBND huyện, vấn đề này sẽ được huyện tích cực chủ động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2020, huyện Đạ Huoai có thương hiệu về trái cây và các mặt hàng truyền thống khác.

Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/thuong-hieu-cay-an-qua-da-huoai-con-bo-ngo-2378153/


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ cây bưởi diễn và đu đủ Thái Lan Làm giàu từ cây bưởi diễn và đu đủ Thái Lan

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng đối với cán bộ, hội viên nông dân trong xã Hào Lý huyện Đà Bắc- Hòa Bình.

29/12/2015
Trồng dưa hấu cho thu nhập khá Trồng dưa hấu cho thu nhập khá

Từ năm 2006, xóm 13 xã Nghi Long huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xã và huyện chọn làm điểm xây dựng cánh đồng 50 triệu với quy hoạch ban đầu chỉ có 5 ha, cơ cấu vụ xuân trồng lạc, vụ hè thu trồng dưa hấu và vụ đông trồng rau xanh hàng hoá.

29/12/2015
Thoát nghèo nhờ nấm rơm Thoát nghèo nhờ nấm rơm

Từ nhiều năm nay, bà con nông dân xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trồng nấm rơm ở quy mô hộ gia đình rất hiệu quả.

30/12/2015
Làm giàu từ mô hình kinh tế kết hợp Làm giàu từ mô hình kinh tế kết hợp

Để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Xuân và chị Dư Thị Hương xóm Bãi, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhờ trồng trọt kết hợp với nuôi lợn, nuôi gà mỗi năm cho thu nhập 70 – 80 triệu đồng.

30/12/2015
Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu

Cái tên Cường “liều” đã quá quen thuộc với người dân xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Từ đôi bàn tay trắng, không một thước đất cắm dùi, Ngô Quang Cường liều lĩnh bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại ngay từ năm 24 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây Cường đã trở thành một chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất huyện Hiệp Hòa.

30/12/2015