Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thương Hiệu Cây Ăn Quả Đạ Huoai Còn Bỏ Ngỏ

Thương Hiệu Cây Ăn Quả Đạ Huoai Còn Bỏ Ngỏ
Publish date: Wednesday. December 3rd, 2014

Đạ Huoai được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn quả của Lâm Đồng, với diện tích, sản lượng tăng qua từng năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích canh tác. Vấn đề đặt ra là, đến khi nào huyện Đạ Huoai mới xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm cây trái nơi đây.

Việc chuyển đổi diện tích cây điều già cỗi, kém hiệu quả sang một số cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây ăn quả là một lựa chọn đúng và nằm trong chương trình trọng tâm của huyện Đạ Huoai những năm qua. Đồng thời với sự chuyển đổi này, Đạ Huoai còn thực hiện chuyển đổi giống cây ăn trái cho năng suất, chất lượng cao.

“Điều đó góp phần duy trì tốc độ phát triển khá trong lĩnh vực nông nghiệp, dần định hình nền sản xuất nông nghiệp huyện mang tính bền vững và phát triển có chiều sâu theo xu hướng sản xuất hàng hóa” - như nhận định của UBND huyện.

Cũng theo UBND huyện Đạ Huoai, trong tổng số gần 7.067ha cây công nghiệp dài ngày bao gồm cây điều, cà phê, cao su… được canh tác trên địa bàn huyện, cây ăn quả chiếm hơn 40% diện tích. Và hiện tại, diện tích cây ăn quả của toàn huyện là 3.240ha, đạt 102% kế hoạch và tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Ngược thời gian trở về trước, cách đây 5 năm, số liệu thống kê năm 2010 cho thấy, tổng diện tích cây ăn quả của Đạ Huoai mới chỉ đạt 2.256ha, trong đó, cây sầu riêng chiếm phần lớn gần 1.387ha, kế đến là mít các loại 495ha, chôm chôm 373ha, măng cụt 209ha… và các loại cây có múi, cây ăn quả khác. Tại thời điểm năm 2010, năng suất thu hoạch từ vườn cây ăn quả của huyện đạt 73,6 tạ/ha, tổng sản lượng cây ăn quả của toàn huyện đạt 11.654 tấn.

Từ quá trình trồng mới, chuyển một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả khác qua trồng cây ăn quả, song song với việc cải tạo giống theo hướng chất lượng cao, năng suất chất lượng sản phẩm cây trái Đạ Huoai không ngừng được tăng lên thấy rõ. Theo đó, đến năm 2014, huyện Đạ Huoai đã trồng mới 280ha, chuyển đổi 52ha từ cây trồng khác và cải tạo giống 155ha cây ăn quả.

Đặc biệt, diện tích cải tạo giống cây ăn quả theo hướng chất lượng cao đạt trên 1.964ha, chiếm gần một phần ba tổng diện tích cây ăn quả của huyện. Hiện tại, diện tích cây ăn quả cho thu hoạch ở Đạ Huoai là 1.953ha, tăng 54ha. Tính đến cuối tháng 9 năm 2014, sản lượng thu hoạch từ cây ăn trái Đạ Huoai đạt 16.184 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt năng suất bình quân 82,4 tạ/ha, tăng bình quân 8,8 tạ so với 5 năm trước.

Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện nhận định: Việc chuyển đổi cây ăn quả sang giống chất lượng cao đạt 2.886ha, chiếm 88% tổng diện tích cây ăn quả của huyện đã làm gia tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.

Trong đó, không ít hộ có mức thu nhập từ vườn cây trái từ 150 đến 200 triệu đồng/ha, thậm chí một số hộ có mức thu nhập cao từ 450 đến 500 triệu đồng/ha. Điều này khẳng định việc phát triển các loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn huyện là đúng hướng, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.

Vì vậy, huyện Đạ Huoai tiếp tục xác định cây ăn quả cùng cây điều, cao su là 3 dạng cây trồng chủ lực của huyện trong thời gian tới. Riêng đối với cây ăn quả, dự kiến năm 2015, sản lượng ước đạt 17,44 ngàn tấn, tăng 1,2 ngàn tấn so với năm trước và tăng 50% so với năm 2010.

Do đó, để đảm bảo nhịp độ phát triển vườn cây ăn quả ổn định, tăng năng suất và sản lượng trong thời gian tới, Đạ Huoai sẽ tập trung tiến hành cải tạo giống cây ăn quả chất lượng cao, nhất là các loại cây sầu riêng, măng cụt, mít… cho hiệu quả kinh tế để đến năm 2020 đạt 3.040ha trong tổng số diện tích 3.267ha cây ăn quả của huyện. Theo đó nâng năng suất vườn cây ăn quả lên 115,6 tạ/ha, đạt tổng sản lượng 34.126 tấn/năm.

Cây ăn quả đã đứng chân trên vùng đất Đạ Huoai từ rất lâu, thế nhưng cho đến hiện tại, huyện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho cây trái vùng này là một điều đáng tiếc. Bởi vấn đề xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý cho nông sản là “bảo chứng” đối với sự tin cậy của người tiêu dụng.

Tuy nhiên đến nay, Đạ Huoai mới tiến hành chuyển đổi giống, tăng năng suất chất lượng sản phẩm trái cây, còn thương hiệu đối với cây ăn quả còn bỏ ngỏ. Theo UBND huyện, vấn đề này sẽ được huyện tích cực chủ động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2020, huyện Đạ Huoai có thương hiệu về trái cây và các mặt hàng truyền thống khác.

Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/thuong-hieu-cay-an-qua-da-huoai-con-bo-ngo-2378153/


Related news

Tăng cường quản lý tôm giống Tăng cường quản lý tôm giống

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 876 cơ sở sản xuất giống và 223 cơ sở kinh doanh giống thuỷ sản phục vụ nhu cầu giống cho người nuôi, trong đó có 4 hợp tác xã (HTX) và 25 doanh nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, còn lại phải nhập tỉnh khoảng 60%. Theo đó, có trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống nhập vào Cà Mau.

Thursday. September 3rd, 2015
Hiệu quả từ mô hình chuỗi liên kết cá tra Hiệu quả từ mô hình chuỗi liên kết cá tra

Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, đối với lĩnh vực cá tra, NHNN đã phê duyệt cho 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An thực hiện 02 dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra được tham gia chương trình. Việc thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Thursday. September 3rd, 2015
Mô hình trình diễn đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản Mô hình trình diễn đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản

Nhằm mục tiêu cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam, tăng cường năng lực thể chế cho ngành thủy sản trong việc quản lý bền vững các nguồn lợi, thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong NTTS bền vững; và thực hiện các quy trình thực hành tốt vì sự bền vững của ngành khai thác thủy sản ven bờ. Mô hình trình diễn đa dạng hóa của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), nhằm đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản để người nuôi có thể chọn lựa sản xuất phù hợp với điều kiện của vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thursday. September 3rd, 2015
Tận dụng lợi thế, phát triển kinh tế Tận dụng lợi thế, phát triển kinh tế

Tận dụng lợi thế mặt nước lợ dưới chân cầu Thạnh Đức (Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), nhiều người dân ở vùng ven biển này đã thả nuôi nhiều loại thủy hải sản trong lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thursday. September 3rd, 2015
Triển khai gói cước Đồng hành cùng ngư dân bám biển Triển khai gói cước Đồng hành cùng ngư dân bám biển

Sáng 30/8, hơn 60 cán bộ, nhân viên VNPT Phú Yên diễu hành trên các tuyến phố ở TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa để tuyên truyền triển khai gói cước Zone 500 đồng hành cùng ngư dân bám biển. Chương trình này VNPT Phú Yên sẽ lần lượt tổ chức đi diễu hành tuyên truyền tại các địa phương còn lại

Thursday. September 3rd, 2015