Thuốc Dỏm Hại Người Nuôi Tôm
Khu vực ĐBSCL đang lưu hành một số loại thuốc “đặc trị” bệnh gan cho tôm nhưng càng sử dụng thì tôm càng chết.
Thời gian gần đây, khu vực ĐBSCL đang xảy ra dịch bệnh về tôm khá nghiêm trọng, làm thiệt hại trên diện rộng, nhất là các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bến Tre.
Riêng tỉnh Trà Vinh, tình hình dịch bệnh trên đàn tôm nuôi đang diễn ra hết sức phức tạp, hầu hết diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đều liên quan đến bệnh gan và tụy. Tính đến giữa tháng 6 - 2011, tỉnh Trà Vinh có 24.219 hộ thả nuôi 1,68 tỉ con giống tôm sú với diện tích 22.685 ha và đã có 6.954 ha bị thiệt hại với 377 triệu con, phần lớn tôm chết ở giai đoạn từ 1,5 - 2,5 tháng tuổi.
Lợi dụng tình hình này, một số cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thủy sản đã giới thiệu và bán cho người nuôi một số loại thuốc được gọi là “đặc trị” bệnh gan của tôm nuôi, thậm chí là trị được vi bào tử trùng nhưng không có nguồn gốc sản xuất trên bao bì.
Anh Nguyễn Văn Đang (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang – Trà Vinh) thả nuôi 3 ao có tổng diện tích 8.000 m2 mặt nước. Trong đó, một ao diện tích 1.000 m2 với 13.000 con giống được 2 tháng tuổi đã xảy ra dịch bệnh phải thu hoạch sớm.
Anh Đang buồn bã nói: “Ban đầu phát hiện khoảng 2-3 con tôm chui đầu vô mé bờ, sau đó thấy rớt đáy nhiều, mở đầu ra thì thấy gan bị bể hết. Nhiều người bày mua thuốc “đặc trị” ở các đại lý trong thị trấn Cầu Ngang nên tôi nghe theo nhưng càng trị tôm càng chết”.Ông Trần Văn Bạc (xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang) cũng nát ruột nát gan vì mua phải thuốc dỏm. Ông Bạc cho biết: “Tôm của tôi đến 1 tháng 20 ngày tuổi thì có hiện tượng như bị bệnh gan. Do mới nuôi nên tôi nhờ bà con chỉ thuốc trị nhưng đánh thuốc xuống hồ rồi mà tôm vẫn cứ chết”.
Khi tiếp xúc với các hộ có tôm nuôi đang bị bệnh, chúng tôi được chứng kiến 2 lọ thuốc “đặc trị” bệnh gan cho tôm nuôi hiệu “EnRo” và “Cerazon” nhưng không có địa chỉ của nhà sản xuất. Ngoài ra, còn rất nhiều loại thuốc khác được vào bao ni lông cũng không có nguồn gốc xuất xứ, chỉ có phiếu chỉ dẫn cách sử dụng. Mỗi loại thuốc này có giá từ 300.000 đến trên 500.000 đồng nhưng càng sử dụng thì tôm càng chết.
Trước tình trạng này, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đã tăng cường công tác kiểm tra các đại lý bán thuốc thú y và thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo một thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cơ quan này đã lấy 34 mẫu thức ăn, thuốc thú y thủy sản để phân tích chất lượng. Trong số 22 mẫu phân tích đợt 1, chỉ có 12 mẫu đạt tiêu chuẩn.
Việc điều tra thuốc đặc trị bệnh gan ở tôm đang được cơ quan này tiếp tục thực hiện. “Người nuôi tôm cần hết sức bình tĩnh để không mắc lừa một số cơ sở sản xuất các loại thuốc “đặc trị” bệnh gan của tôm nuôi. Đồng thời, bà con cần tham khảo ý kiến của cán bộ kỹ thuật thuộc các cơ quan Nhà nước để được tư vấn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi” - một cán bộ ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Khu bảo vệ thủy sản (BVTS) Cồn Chìm (Vinh Phú) thành lập thí điểm cuối năm 2009, được bà con ngư dân hưởng ứng và đồng thuận cao. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 10 khu BVTS giúp tôm, cá có nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá ở đầm phá.
Nằm bên dòng sông Sêrêpôk hoang dã, người dân thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thành công trong việc đưa cá lăng đuôi đỏ vào nuôi trong ao nước tĩnh đã góp phần làm hồi sinh dòng cá bản địa quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Bà con nuôi trồng thủy sản huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rất phấn khởi khi mùa tôm vụ cuối năm thắng lớn. Theo ông Phạm Văn Chí, một hộ nuôi thành công tại đây cho biết, hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 55-60 con/kg có giá từ 190-200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục.
Nghề nuôi tôm hùm lồng đã phát triển khá mạnh tại tỉnh Khánh Hòa từ nhiều năm nay, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của nghề nuôi tôm hùm cũng đồng thời là đề tài tranh cãi của không ít chuyên gia, nhà khoa học.
Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, năm 2013 diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa trên địa bàn huyện Phước Long là 5.600 ha (tập trung các xã Vĩnh Phú Tây, xã Phước Long, thị trấn Phước Long, xã Phong Thạnh Tây A, xã Phong Thạnh Tây B).