Dứa Bảo Sơn Rục Rịch Đón Tết
Những ngày này trên vạt đồi của các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang không khí người dân chăm sóc dứa nhộn nhịp hẳn lên. Những quả dứa lúp xúp đang vươn mình chuyển sang màu vàng làm cho người trồng dứa vui hơn mỗi khi Tết đến xuân về.
Từ trung tâm xã, con đường đất đỏ ngoằn ngèo chừng năm cây số đã đưa chúng tôi đến tới thôn Đồng Cống, thôn xa nhất và cũng là “thủ phủ” của dứa Bảo Sơn. Chỉ vào những vạt dứa trải dài một màu xanh ngát trên các triền đồi, anh Nguyễn Trung Tuấn, cán bộ khuyến nông bộc bạch: “Nếu như trước đây, bà con Đồng Cống chỉ biết trồng sắn để xóa đói thì bây giờ cây dứa đã được thay thế toàn bộ để phát triển kinh tế. Nó không những xóa đói, giảm nghèo mà còn đang hướng người dân nơi đây vươn lên làm giàu”. Điều anh nói đã nhanh chóng được lý giải bởi bên những triền dứa, nhiều ngôi nhà mới kiến cố khang trang đã được mọc lên.
Là một trong những hộ có “thâm niên” gắn bó với cây dứa hơn chục năm nay, với hơn 2ha đất đồi gia đình bà Đặng Thị Vượng, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn mỗi năm bình quân thâm canh khoảng 3 vạn dứa trong đó 2 vạn phục vụ đón Tết còn lại bán rải rác trong năm. Những ngày này, gia đình bà Vượng đang tập trung chăm sóc hai vạn dứa chờ đón Tết. Để chuẩn bị dứa cho vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, thời gian qua, gia đình bà đã tập trung chăm sóc bón thúc phân bón cho kịp thời vụ. Những quả dứa to, tròn đều lúp xúp đang ngả màu từ xanh sang vàng chờ ngày cho trái ngọt. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cây dứa, bà Vượng tin rằng dứa của gia đình sẽ kịp đón Tết Nguyên đán Ất Mùi này. Bà Vượng chia sẻ: “Đã 4 - 5 năm trở đây câu dứa đã trở thành cây trồng trồng lực mang lại thu nhập chính cho không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình trong thôn. Ví như vụ thu hoạch dứa dịp Tết năm 2014, trừ hết chi phí gia đình tôi đã thu được hơn 120 triệu đồng”.
Cũng như gia đình bà Vượng, hiện nay bà con các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn, xã Bảo Sơn cũng đang dồn sức chăm sóc chờ ngày dứa cho thu hoạch. Theo tính toán của người trồng dứa, với giá bán 7 - 9 nghìn đồng/quả như hiện nay thì trừ chi phí mỗi cây cho lãi khoảng từ 4 - 5 nghìn đồng. Nghĩa là mỗi ha dứa sẽ mang về cho người nông dân từ 180 - 200 triệu đồng. Đặc biệt, dịp Tết có thể cho thu nhập cao hơn khi mà trong mâm ngũ quả ngày Tết không thể thiếu những quả dứa mẩy căng, chín vàng.
Từ hiệu quả kinh tế rõ rệt nên thay vì trồng sắn trên các vạt đồi như trước đây, người dân xã Bảo Sơn đã chuyển sang trồng dứa. Hiện nay, toàn xã có 150ha dứa, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 3 - 4 nghìn tấn quả. Chính vì vậy, chủ trương mở rộng diện tích trồng dứa trên địa bàn đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Ông Hoàng Công Bảy, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn cho biết: “Cây dứa đã khẳng định được vị thế trên đồng đất Bảo Sơn. Hiện nay, xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thành lập HTX Dứa Bảo Sơn, đồng thời xúc tiến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng để hương dứa Bảo Sơn ngày càng bay xa”.
Những năm gần đây, dứa Lục Nam mà trong đó chủ lực là xã Bảo Sơn đã và đang ngày càng được nhiều người biết đến. Nét đặc trưng của quả dứa nơi đây mà hiếm nơi nào có được đó là mẫu mã đẹp, màu vàng tươi, quả to đều chỉ chừng 1kg/quả, không chua, có vị ngọt sắc và thơm. Dứa Bảo Sơn không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh, thành phố trong cả nước...
Niềm vui của những người trồng dứa như càng được nhân lên khi mà thương hiệu dứa đã Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của HTX Sản xuất và tiêu thụ dứa xã Bảo Sơn. Đón xuân Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bảo Sơn nhộn nhịp hơn và người trồng dứa cũng đang hồi hộp chờ ngày dứa cho trái ngọt.
Hiện nay toàn huyện Lục Nam có khoảng 350ha dứa cho thu hoạch tập trung nhiều ở các xã Bảo Sơn, Bảo Đài và Tam Dị.Trên cơ sở khảo sát, tiếp cận được các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, Lục Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng dứa trên địa bàn". Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam.
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Bình Định đã phối hợp với trạm khuyến nông huyện Phù Cát thả con giống cá đối mục xuống ao nuôi của ông Nguyễn Văn Hiền, ở thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh - huyện Phù Cát; và hộ ông Trần Ngọc Cường ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh. Đây là hai hộ trực tiếp tham gia mô hình nuôi cá nước lợ do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư thực hiện.
UBND tỉnh An Giang vừa có công văn đề nghị Chính phủ cho phép Ngân hàng Phát triển VN tham gia tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu cá tra.
Khi sản phẩm xuất khẩu ngày càng chịu sự kiểm tra gắt gao của các nước trên thế giới, giá tôm sú và tôm thẻ bấp bênh, quy trình sản xuất sạch của mô hình nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến theo hướng VietGAP tạo bước đột phá cho nền kinh tế mũi nhọn Cà Mau phát triển bền vững.
Bóc một họp trà líp ton giá vài chục nghìn đồng, nếu vào nhà hàng, chỉ cần nhúng một tép trà vào một bộ tách đẹp, thêm chút ít chanh đường, thế đã là một thức nhấm cao cấp với giá tương đối cao
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay trong 152 trại sản xuất cá bột có đàn cá bố mẹ mới chỉ có 5,2% trại sản xuất cá bố mẹ đã qua chọn lọc di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, trên 31% cơ sở sản xuất chọn mua cá bố mẹ từ nguồn cá tự nhiên.