Thức Ăn Cho Thủy Sản Phụ Thuộc Nước Ngoài, Khổ Nông Dân
Giá thành thức ăn chiếm từ 65% đến 80% trong giá thành sản xuất nuôi trồng thủy sản nhưng ngành công nghiệp chế biến thức ăn của nước ta đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài, song vấn đề kiểm soát chất lượng đang bị buông lỏng, gây thiệt hại rất nhiều cho nông dân.
20% thức ăn thủy sản không đạt chất lượng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, số lượng nhà máy và sản lượng thức ăn thủy sản sản xuất trong nước tăng đáng kể trong những năm gần đây. Hiện cả nước có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất hơn 4.500 tấn sản phẩm và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung với 311 sản phẩm được lưu hành, tổng sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên các nhà máy sản xuất phát triển ồ ạt trong khi chúng ta chưa có được cơ chế quản lý chặt chẽ, thiếu hệ thống phân tích chất lượng hiện đại, khả năng phân tích chưa đồng đều, kịp thời so với yêu cầu quản lý, … dẫn đến tình trạng các loại thức ăn thủy sản kém chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Theo Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản kiểm tra 39 mẫu thức ăn thủy sản cũng phát hiện sáu mẫu không đạt chất lượng (chiếm 15%). Tính trung bình từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ thức ăn thủy sản vi phạm về chất lượng khá cao, chiếm đến hơn 20%/năm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein, lipit hoặc các chỉ tiêu khác như chất xơ theo tiêu chuẩn công bố. Trên thị trường hiện có khoảng 5.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và khoảng 3.000 chế phẩm xử lý môi trường đang lưu hành tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 100 sản phẩm. Điều này giải thích vì sao, nạn nhân của những sản phẩm thức ăn kém chất lượng liên tục tăng.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản – ông Nguyễn Như Tiệp so sánh, theo tiêu chuẩn thức ăn nuôi cá ở Đan Mạch chỉ cần 1,1kg thức ăn để tạo ra 1kg cá, nhưng ở Việt Nam thì để sản xuất được 1kg cá phải cần tới 1,3kg thức ăn. Ông Tiệp nói: “thức ăn thủy sản chất lượng thấp sẽ khiến con cá, con tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Đây là lý do khiến lợi nhuận của bà con giảm đáng kể”.
Cần tăng năng lực kiểm tra và mức phạt
Điều đáng chú ý nữa là do lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất “sẵn sàng” nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Đặc biệt, nếu “chẳng may” đại lý nào bị các cơ quan xử phạt vì bán hàng kém chất lượng, nhiều công ty còn sẵn sàng chi trả số tiền nộp phạt vốn “chẳng đáng là bao” để “động viên” đại lý tiếp tục bán. Tình trạng này khiến việc bày bán các sản phẩm thức ăn thuỷ sản kém chất lượng trở nên công khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến còn nhiều sai phạm trong việc công bố chất lượng thức ăn thủy sản là do mức phạt chưa đủ sức răn đe. Đối với lĩnh vực kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, ông Võ Thanh Hải, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu cho biết: “Theo quy định hiện hành, mức phạt vi phạm về chất lượng thấp nên doanh nghiệp sẵn sàng đóng phạt và cũng sẵn sàng tiếp tục vi phạm bởi lợi nhuận từ việc buôn bán hàng giả… quá cao”. Vì vậy, sắp tới để đối phó với tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản giả, nhái hoặc kém chất lượng, khi phát hiện vi phạm, Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu sẽ cho công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng danh tính của các doanh nghiệp vi phạm để khách hàng tẩy chay sản phẩm của họ.
Trong các Nghị định, Thông tư liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi đã được ban hành, đến nay, chưa có một văn bản luật dành riêng cho chất lượng thức ăn thủy sản. Ngoài việc còn thiếu văn bản và triển khai văn bản còn chậm, chưa đồng bộ ở nhiều địa phương thì còn vấn đề nan giải nữa là điều kiện trang thiết bị, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng khó có thể phát hiện ngay và kịp thời những sai phạm khi trong tay chẳng có các thiết bị hiện đại. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, chúng ta đang có ít phòng phân tích chất lượng đạt chuẩn (ISO/IEC; 17025) và phòng thử nghiệm được chỉ định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Do đó, kết quả phân tích vừa chậm, vừa thiếu chính xác và sai số cao, nên cùng một mẫu thức ăn thủy sản mà mỗi phòng kiểm nghiệm lại cho một kết quả.
Mặc dù thức ăn là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng của thủy - hải sản nhưng thức ăn thuỷ sản hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật nên không đủ điều kiện để chứng nhận hợp quy theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản pháp quy chuyên ngành như Nghị định 08/2010/NĐ-CP và Thông tư số 66/2011/TT-BNN.
Trên thực tế, hiện chất lượng thức ăn thủy sản mới chỉ được cấp chứng nhận chất lượng bởi duy nhất Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Thức ăn thủy sản nhập khẩu đã được kiểm soát khá chặt chẽ từ những năm 2000. Theo đó, tất cả các loại thức ăn nhập khẩu vào Việt Nam phải có tên trong danh mục được phép lưu hành, nếu là sản phẩm mới phải thông qua khảo nghiệm; nếu chưa có tên trong danh mục phải làm thủ tục đăng ký vào danh mục. Thức ăn thủy sản nhập khẩu cũng được kiểm tra chất lượng, phải có phiếu kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu theo quy định và dựa trên phiếu kiểm nghiệm này, Tổng cục Thủy sản mới cấp xác nhận đạt chất lượng và cho phép đưa vào kinh doanh, sử dụng.
“Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi nói chung, thức ăn thủy sản nói riêng, chúng ta cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, kiểm tra các sản phẩm có trong danh mục hay không. Mặt khác, cần kiểm tra, kiểm soát và nâng cao năng lực của các phòng kiểm nghiệm”, ông Điền nhấn mạnh.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng: “Chúng ta không hề thiếu quy chuẩn cũng như những quy định trong công tác kiểm định, kiểm dịch chất lượng thức ăn chăn nuôi, điều quan trọng là chúng ta có thực hiện nghiêm túc hay không. Văn bản có, quy định có, nhưng nếu người triển khai cố tình đi ngược lại pháp luật vì những lợi ích trước mắt thì không bao giờ chúng ta có thể kiểm soát được. Vì thế, theo tôi, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là thái độ nghiêm túc của các cấp ngành quản lý”.
Ông Lịch phân tích: “Ở các quốc gia phát triển, việc lấy mẫu các sản phẩm nhập khẩu được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt. Không chỉ có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên lành nghề, họ còn có hệ thống máy móc hiện đại, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu thức ăn chăn nuôi được đầu tư đúng đắn và hiệu quả”. Đó cũng là những điều mà ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của chúng ta còn thiếu và yếu.
Ông Võ Văn Trác, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, cần có thời gian mới có thể giảm tỷ lệ thức ăn không đạt chất lượng từ 20% như hiện nay xuống mức 0,6 - 9,2% theo quy định hiện hành. Lý giải cho việc này, ông Trác nhận định, việc lấy mẫu thức ăn để kiểm tra hiện chưa làm thường xuyên được vì mất nhiều thời gian do có ít phòng phân tích chất lượng đạt chuẩn. Ông cũng không loại trừ khả năng chất lượng thức ăn thủy sản giảm một phần do sản phẩm phải qua nhiều đại lý trung gian trước khi đến tay người chăn nuôi. Theo ông Trác, chất lượng thức ăn thủy sản được kiểm nghiệm tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn nhưng qua các đại lý rồi đến tay người nuôi thủy sản chất lượng đã giảm 20 – 30.
Một cách làm hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng là tự sản xuất thức ăn thủy sản như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Hùng Vương, Gò Đàng… Các doanh nghiệp này đã xây nhà máy sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí mua thức ăn giá cao, từ đó giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. “Doanh nghiệp tự xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho thủy sản sẽ kiểm soát được cả giá thành và chất lượng, truy xuất nguồn gốc thức ăn để không bị dính chất cấm mà các nước nhập khẩu đưa ra, giảm giá thành 5-7%”, đại diện Công ty Gò Đàng cho biết.
Vẫn biết thức ăn thủy sản chỉ là một khâu trong quá trình nuôi trồng thủy sản nhưng nó lại quyết định phần lớn chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp dài hơi để đảm bảo chất lượng thức ăn, chắc chắn ngành sản xuất trọng yếu này sẽ tiếp tục “tự làm khó” mình khi muốn thâm nhập vào các thị trường tiềm năng của thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Ở tỉnh Bình Định, mì là một cây màu chủ lực, với diện tích trên dưới 10.000 ha/năm.Thu nhập từ cây mì là nguồn thu nhập đáng kể của hàng ngàn hộ nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, năng suất mì ở tỉnh ta chưa cao (khoảng 24,3 tấn/ha năm 2014), hàm lượng tinh bột thấp và độ đồng đều không cao; nguy cơ bạc màu, xói mòn rửa trôi đất trồng vẫn tiềm ẩn.
Nông dân tại nhiều quận, huyện TP Cần Thơ bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2015 và trúng mùa khi hầu hết các trà lúa hè thu sớm thu hoạch cho năng suất rất cao. Nông dân cũng đang có nhiều thuận lợi trong thu hoạch lúa nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng…
Hiện nay, phong trào trồng rừng tràm đang lan rộng. Nhiều địa phương ở Đồng Nai, như: Trảng Bom, Vĩnh Cửu… đã hình thành nên những làng sản xuất giống cây tràm. Đa số các cơ sở này đều hình thành tự phát do nhu cầu mua giống trồng rừng tràm trong dân không ngừng tăng cao.
Gia Lai có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, hồ tiêu, cà phê, điều… Với tiềm năng thuận lợi đó, trong những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày.
Đợt nắng nóng kéo dài 2 tháng đã khiến 60 - 70% diện tích vườn tiêu ở Quảng Bình bị chết gây thiệt hại lớn.