Thức Ăn Chăn Nuôi Neo Giá Lỗ Hổng Ở Quản Lý
Giá nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu, cước vận tải cũng đang “hạ nhiệt” là những điều kiện thuận lợi để giảm giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Song, các đơn vị kinh doanh vẫn cố tình giữ giá.
Có điều kiện vẫn muốn neo giá
Từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa có nhiều thuận lợi để giảm giá bán sản phẩm. Thứ nhất, giá bắp nhập khẩu đã sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, bình quân giá bắp nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 6.500 đồng/ki lô gam, thì đến hết tháng 11-2014 giảm xuống còn 6.300 đồng/ki lô gam. Tương tự, giá khô dầu đậu nành nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 14.490 đồng/ki lô gam, thì đến tháng 11 giảm xuống còn 12.600 đồng/ki lô gam và giá mì cũng từ mức 5.250 đồng/ki lô gam, giảm xuống còn 5.040 đồng/ki lô gam.
Thứ hai, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân nhập khẩu dùng làm thức ăn chăn nuôi (kể cả nhập khẩu về để sản xuất thức ăn chăn nuôi) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Trong trường hợp các doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT khi nhập khẩu sẽ được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi sản phẩm được bán ra.
Thứ ba, xăng dầu được điều chỉnh giảm giá mạnh nhờ đó chi phí vận chuyển cũng giảm theo.
Vậy mà từ đầu năm đến nay, giá bán loại thức ăn chăn nuôi vẫn không giảm, chẳng hạn loại thức ăn chăn nuôi chuyên dùng cho heo nái nuôi con hiệu Maxi’ Mum, 25 ki lô gam/bao có giá 190.000 đồng/bao hay sản phẩm Boss - 112 (dành cho heo thịt từ 30 - 60 ki lô gam) cũng có giá ổn định ở mức 285.000 đồng/bao 25 ki lô gam.
Lỗ hổng quản lý!
Lý giải nguyên nhân chưa giảm giá bán sản phẩm, một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cho rằng do nguyên liệu đã được họ mua từ trước - khi giá nhập khẩu ở mức cao - cho nên muốn giảm giá bán cũng cần phải có độ trễ, “chứ đâu phải cái này, cái kia giảm là chúng tôi giảm được ngay đâu!”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng chính cơ chế quản lý, điều hành của Nhà nước còn nhiều “lỗ hổng” nên doanh nghiệp thường dựa vào đó để bảo vệ lợi ích, không chịu chia sẻ với người nông dân.
Cụ thể, theo ông Hiệp, với việc điều hành giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, hiện có quy định về mức trần tăng giá, nhưng lại “quên” quy định về nghĩa vụ phải giảm giá.
Do đó, đứng ở góc độ vĩ mô, cần phải xem xét, rà soát lại hai mặt. Thứ nhất khi đã chấp nhận ngành này hoạt động theo cơ chế thị trường, thì cần bổ sung thêm những quy định chặt chẽ hơn, mà cụ thể ở đây là cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hạ giá bán theo biến động của thị trường.
Thứ hai, ở một số ngành, chẳng hạn ngành sản xuất cá tra (ngành phụ thuộc rất lớn vào thức ăn thủy sản, chiếm 70% giá thành sản xuất - NV), Chính phủ có quy định đây là ngành sản xuất có điều kiện.
Thế nhưng, nếu chỉ quản lý ngành cá tra mà “quên” quản lý ngành chế biến thức ăn, rõ ràng nó sẽ tạo ra một khoảng trống vì quản lý thì phải quản lý đồng bộ toàn chuỗi. “Theo tôi, sắp tới các nhà nghiên cứu, nhà quản lý phải tính toán lại việc này như thế nào cho đồng bộ, như vậy mới phát triển toàn diện được”, ông Hiệp đề xuất.
Còn ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng ngoài việc phải hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật, nhất là những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải hoạt động đúng cơ chế thị trường - tức có tăng có giảm theo biến động của giá cả đầu vào - thì cần kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh mặt hàng này để tạo sự công bằng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
“Ví dụ, khi đơn vị sản xuất có quyết định điều chỉnh giảm giá bán, nhưng về tới đại lý kinh doanh, họ cố tình không thực hiện, thì người sử dụng cũng rất khó biết được vì nông dân thường có rất ít thông tin về những diễn biến giá cả”, ông Công cho biết.
Nguồn bài viết: http://www.thesaigontimes.vn/124125/Thuc-an-chan-nuoi-neo-gia-lo-hong-o-quan-ly.html
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang rất phổ biến, đa dạng... Đây là một mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình khác.
Ngày 18/8, Trạm khuyến nông Quỳ Hợp (Nghệ An) đã tổ chức cấp phát cá giống cho đồng bào 2 xã nghèo vùng sâu, vùng xa là Liên Hợp và Châu Lộc.
Tuần lễ Thủy hải sản bền vững 2015 được WWF Việt Nam phát động lần đầu tiên từ 14 - 24/8/2015 nhằm giới thiệu xu hướng sử dụng thuỷ hải sản sạch, an toàn và thân thiện với môi trường với thông điệp “Ăn đúng kiểu - Hiểu đúng nguồn”. Tuần lễ Thủy hải sản bền vững khuyến khích người tiêu dùng Việt hòa cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ sự phát triển của các sản phẩm đến từ nguồn có trách nhiệm.
Chi cục Thú y Hà Nội vừa tiến hành thẩm định cơ sở an toàn dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hưng, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Trạm Khuyến nông huyện Sơn Động (Bắc Giang) đang triển khai mô hình nuôi thỏ Newzealand cho 30 hộ dân tại các xã: Chiên Sơn, Quế Sơn, Cẩm Đàn với tổng kinh phí 250 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện.