Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng tỉ phú tôm hùm Phước Lý (Phú Yên)

Làng tỉ phú tôm hùm Phước Lý (Phú Yên)
Ngày đăng: 20/06/2015

Chúng tôi về Phước Lý những ngày đầu tháng 6. Trời nắng như đổ lửa, những con đường bê tông chạy vòng trong các khu dân cư ở Phước Lý được hơi nước từ vịnh Xuân Đài xoa dịu. Giá tôm hùm đang nhích dần lên nên người dân vui ra mặt. Năm ngoái, Phước Lý có đến 470 hộ thả lồng nuôi tôm hùm, với khoảng 2.200 lồng nuôi đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Ước sản lượng thu hoạch đạt khoảng 70 tấn tôm hùm thịt.

Làng ở đỗ

Khu phố Phước Lý nằm hướng mặt ra vịnh Xuân Đài lộng gió. Trước kia khi chưa lên khu phố như bây giờ, bà con thường gọi đây là xóm Truông. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì ở Phước Lý có nhiều truông, hẻm chạy vòng vèo, người ở nơi khác tới đây đi một hồi có khi không tìm được đường ra. Hơn 20 năm về trước, ở Phước Lý, cả xóm có đến 2/3 hộ dân phải đi ở đỗ trên đất người khác. Ông Trịnh Minh Cơ, một hộ dân ở đây, cho biết: “Sau khi lập gia đình, cả hai vợ chồng rất nỗ lực làm ăn. Nhưng hồi ấy đồng lương ít ỏi của một Bí thư Đoàn TX Sông Cầu như tôi và thu nhập không ổn định từ nghề đan lưới của vợ không đủ nuôi 4 đứa con thì lấy đâu ra tiền để mua đất, cất nhà? Cả gia đình phải ở đỗ trong vườn dừa của ông Phạm Hùng”.

Tương tự, trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Chinh cũng thuộc diện khó khăn nhất ở làng này. Sinh ra trong cảnh nghèo lại đông anh em, sau khi ra riêng, không có tiền mua đất, vợ chồng ông Chinh dựng nhà tạm, ké trong vườn dừa của một người trong xóm. Ông Chinh cho hay: Hồi đó tôi đi giã cào ven vịnh Xuân Đài, vợ thì đi cào sò. Hai vợ chồng làm hì hục từ sáng đến tối cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, cuộc sống tạm bợ, không có nguồn thu nhập ổn định nên vô cùng bí bách.

Chủ tịch UBND phường Xuân Yên Nguyễn Văn Thi cho biết: Vào những năm 90, ở Phước Lý cả làng sống dựa vào nguồn lợi thủy sản ven vịnh. Đến chừng tháng 2, tháng 3, cá bống về vịnh nhiều, bà con bắt đầu thả lưới. Hết mùa, đàn bà chuyển sang lặn bắt ngao, sò; đàn ông ra Xuân Phương đốn củi kiếm sống hoặc đi bạn cho các thuyền câu. Thu nhập không có, nên bà con phải dựng nhà ở đỗ trong vườn dừa của những hộ có đất. Không những vậy, cái nghèo còn sinh ra cái dốt, hầu hết những gia đình có con qua tuổi 13 đều nghỉ học, ở nhà phụ ba mẹ làm lụng kiếm tiền sinh sống. Cả làng trẻ học đến bậc tú tài chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một góc khu phố Phước Lý - Ảnh: T.HIẾU

Nơi khởi nguồn nghề nuôi tôm hùm

Nằm dưới chân dốc Găng, vịnh Xuân Đài được bao bọc bởi nhiều ngọn núi lớn nhỏ, là vùng nước được mẹ thiên nhiên ban tặng nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú. Chạy dọc khu phố Phước Lý, bờ vịnh Xuân Đài trải dài gần 1km nằm cặp giữa Vũng La và Vũng Chào, lọt thỏm ở bụng vịnh (nơi bờ vịnh ăn sâu vào đất liền nhất). Vì vậy, con nước ở đây rất êm, không có các con sóng ngang, sóng lớn, nước trong xanh và yên ả, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thủy hải sản tìm đến cư ngụ và sinh sản.

Ông Bùi Văn Khỏe ở Phước Lý, cho hay: Những năm 90 dọc bờ vịnh chỉ cần đặt chấn xuống một đêm, sáng ra thấy tôm hùm con bu đầy các cây sào. Nhưng hồi đó, nghề nuôi tôm hùm chưa có, con tôm hùm giống cũng không có giá trị như bây giờ nên không được ngư dân quan tâm. Bà con thường dùng sõng câu thả lưới để bắt cá, hay lặn hụp dưới bờ vịnh cào bắt ngao, sò để đổi gạo qua ngày.

Ông Khỏe kể lại: Năm 1992, người em vợ của tôi sống ở Khánh Hòa ra nhờ mua giúp tôm hùm giống. Tò mò, tôi mới hỏi dò thì biết, khi đó trong Vạn Ninh, ngư dân đang phát triển nghề nuôi tôm hùm. Nhận thấy đây có thể là một nghề mưu sinh mới cho mình, cho dân Phước Lý, tôi mới lặn lội vào Vạn Ninh để tìm hiểu cách thức nuôi, chăm sóc, thu hoạch tôm hùm. Sau khi đã mục sở thị, tôi quay về và bắt tay vào làm. Dọc bờ vịnh tôi cho đóng một số cọc, dùng lưới vây lại và thả tôm hùm giống vào nuôi. Thức ăn cho tôm hùm là các loại cua cá chài được trong vịnh, tôm hùm giống cũng tự bắt ở vịnh, nhưng phải lớn cỡ ngón tay mới nuôi được. Hồi đó một vụ nuôi chỉ kéo dài 7 tháng (từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch), khi con tôm lớn cỡ 3-5 lạng là được ưa chuộng và bán được giá nhất, khoảng 300.000 đồng/kg.

Vụ đầu tiên, sau khi thu hoạch lãi được 25 triệu đồng, là số tiền lớn đối với gia đình tôi lúc này. Thấy nghề nuôi tôm hùm rất có “tương lai”, tôi quyết định mua thêm lưới, đóng cọc làm thêm lồng nuôi và mua tôm hùm giống để tiếp tục thả nuôi vụ mới. Thấy nghề này có thể sẽ giúp đổi đời cho gia đình mình và nhiều gia đình khác ở Phước Lý nên tôi rủ rê thêm một số người bạn cùng nuôi. Ngoài tôi, còn có hai người thả nuôi tôm hùm nữa là ông Trịnh Văn Nên, anh vợ tôi và ông Nguyễn Văn Đảo. Và nghề nuôi tôm hùm lồng ở Phước Lý hình thành từ đây.

Theo nhiều hộ dân ở Phước Lý, những năm ấy, khi thấy các ông Khỏe, Đảo nuôi tôm trúng đậm, bà con mới học hỏi làm theo. “Người dân Phước Lý chúng tôi tôn ông Bùi Văn Khỏe là “ông tổ” nghề nuôi tôm hùm. Trước đây ở Sông Cầu nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung chưa có nghề nuôi tôm hùm. Đến năm 1993, ông Khỏe quây lồng thả nuôi tôm hùm thì nghề này mới bắt đầu manh nha. Ban đầu nghề nuôi tôm hùm được nhân rộng ở Phước Lý, Đến năm 1995, dần phát triển mạnh sang các nơi khác như Phú Dương, Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh)…”, Chủ tịch Hội Nông dân TX Sông Cầu Nguyễn Tấn Thành cho hay.

Ông Khỏe (phải) trao đổi công việc nuôi tôm hùm với một người dân ở Phước Lý - Ảnh: T.HIẾU

Làng ở đỗ đổi đời

Từ khi bước vào đời sống người dân Phước Lý, con tôm hùm đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của hàng trăm hộ dân nơi đây. Nghề nuôi tôm hùm lồng trở thành mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Ông Nguyễn Văn Đảo cho biết: Hơn 20 năm về trước, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong làng chỉ biết đánh bắt thủy sản gần bờ kiếm sống nên cái nghèo không thể dứt bỏ được.

Năm 1994, nhờ ông Khỏe khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm nên tôi mạnh dạn nuôi tôm hùm. Nhờ vậy mà thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể. Sau hơn 20 năm “chinh chiến” với con tôm hùm, đến nay gia đình ông Đảo đã thật sự đổi đời. Hiện ông đang sở hữu 200 lồng nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài với hơn 10.000 con tôm thịt, bình quân mỗi năm mang về hơn 1 tỉ đồng tiền lãi. Cách đây hơn chục năm, ông đã xây được căn nhà vườn khang trang trị giá hàng tỉ đồng và bây giờ thật sự trở thành tỉ phú của làng.

Theo ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND phường Xuân Yên, trước đây cả Phước Lý có hơn 2/3 gia đình thuộc diện nghèo. Từ khi con tôm hùm “bén duyên”, đã làm thay da đổi thịt nơi này. Hiện nay, khu phố Phước Lý có 635 hộ dân, trong đó chỉ có 14 hộ nghèo - là những hộ già, neo đơn hoặc có người bệnh nan y, mất sức lao động và 100 hộ có tiền tỉ trong tay. “Bây giờ về Phước Lý, đường sá được bê tông sạch đẹp, hàng trăm ngôi nhà tầng, biệt thự mọc lên, bà con rôm rả chuyện trò về cách chọn, ươm giống tôm chất lượng... Tất cả đều nhờ con tôm hùm mà ra hết!” - ông Thi khẳng định.

Khi cuộc sống khấm khá, người dân Phước Lý chú trọng đầu tư cho con cái ăn học giống như đầu tư nuôi tôm hùm. Nhờ đó, phong trào học tập ở làng chài này ngày càng sôi nổi. Hiện nhiều gia đình ở đây có 3, 4 người con học đại học, trong đó hộ ông Nguyễn Hữu Thanh là một minh chứng sinh động. Ông Thanh cho biết: Nhờ nuôi tôm hùm cho thu nhập cao nên tôi có điều kiện cho các con ăn học. Rất may các cháu đều học giỏi, hiện một đứa đang học đại học Kiến trúc, đứa kề học đại học Bách khoa và đứa út học đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nhà ông Bùi Văn Khỏe cũng có ba người con đã tốt nghiệp đại học và đang công tác trong ngành Tài chính. Ông Khỏe nói: “Mặc dù nghề nuôi tôm hùm mang lại tiền tỉ nhưng tôi vẫn không cho các con bỏ học theo nghề này. Bởi tri thức chính là nguồn tài sản quý giá, đầu tư kỹ sẽ không gặp rủi ro như nuôi tôm hùm”.

Theo thống kê của UBND phường Xuân Yên, trong năm 2014, khu phố Phước Lý có khoảng 100 con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Hiện nay, TX Sông Cầu có 1.997 hộ nuôi tôm hùm với hơn 26.000 lồng nuôi tôm hùm các loại. Trong đó có khoảng 18.500 lồng nuôi tôm hùm thịt và 7.500 lồng ươm tôm hùm giống. Riêng khu phố Phước Lý có 470 hộ nuôi tôm hùm, giải quyết việc làm cho 1.740 lao động. Vụ tôm 2014 - 2015, cả Phước Lý thả nuôi khoảng 640.000 con tôm hùm các loại và ươm nuôi khoảng 320.000 tôm hùm giống.


Có thể bạn quan tâm

Giữa “Vòng Vây” Cúm Gia Cầm Giữa “Vòng Vây” Cúm Gia Cầm

Hiện Quảng Bình như đang “kẹt cứng” giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị, nơi đang có dịch cúm gia cầm.

01/03/2012
Nuôi Hàu Một Vốn Mười Lời Nuôi Hàu Một Vốn Mười Lời

Nghề nuôi hàu theo quan sát của chúng tôi khá đơn giản và hầu như không có rủi ro. Để chuẩn bị nơi sinh sống cho hàu con, người dân chỉ việc dùng vỏ con hàu cũ đục lỗ nhỏ giữa vỏ, dùng dây cước (dài khoảng 70cm) xâu thành từng xâu, tiếp đến là đóng cọc, làm giàn tre thật chắc chắn, cắm cách bờ sông từ 4-5 mét

27/07/2011
Bất Cập Trong Miễn Giảm Thủy Lợi Phí Bất Cập Trong Miễn Giảm Thủy Lợi Phí

Sau hơn 4 năm triển khai Nghị định 115/2008/NĐ-CP (NĐ 115) về miễn giảm thủy lợi phí, nhiều bất cập đã nảy sinh như công trình thủy lợi xuống cấp nhanh, "vênh" diện tích miễn giảm phí, mức thu thủy lợi phí chưa sát với giá thực tế...

01/03/2012
Tiết Kiệm Nước Tưới Càphê Bằng Máy Bơm Động Lực Tiết Kiệm Nước Tưới Càphê Bằng Máy Bơm Động Lực

Việc các chủ vườn ở Gia Lai sử dụng máy bơm động lực tưới trực tiếp vào từng gốc cây càphê đã tiết kiệm được lượng nước cần thiết.

02/03/2012
Nông Nghiệp Hữu Cơ Có Thể Giúp Thế Giới Chống Đói Nghèo Nông Nghiệp Hữu Cơ Có Thể Giúp Thế Giới Chống Đói Nghèo

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC), theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi

02/08/2011